Tay trắng nuôi con thành tài

Ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng không ai không biết đến gia đình bà Hạnh. Đơn giản bởi một lẽ, tuy không giàu tiền giàu bạc, nhưng với đôi bàn tay lam lũ với nghề nông, vợ chồng bà đã mở lối cho 6 đứa con bước vào giảng đường đại học.

Đến nay, đã có 4 người là thạc sĩ: anh Võ Đắc Tuyên - thạc sĩ kinh tế, anh Võ Đắc Truyền - thạc sĩ y khoa, Võ Đắc Tuyến - thạc sĩ Y khoa, anh Võ Đắc Thiệu - thạc sĩ kinh tế và 2 người con khác là anh Võ Đắc Truyễn là bác sĩ, người con út Võ Đắc Thi là kiến trúc sư. Hiện các anh chị đều giữ những trọng trách tại những cơ quan lớn tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Với thành tích đó, bà Hạnh vinh dự được Hội Khuyến học Đà Nẵng ghi nhận là "Gia đình hiếu học" điển hình của thành phố. Bà nghẹn ngào sung sướng, trong làn nước mắt, tâm sự về những chuỗi ngày cơ cực của mình để nuôi con được thành tài...

 

Khi những đứa con của bà đang tuổi bồng sấp, ấp ngửa thì chồng bà phải bỏ quê đi nơi khác làm ăn để trốn quân dịch vì đang giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Một tay bà làm lụng vất vả, một nắng hai sương cố gắng để cả 6 đứa con đều được đến trường học chữ, dù việc học hành lúc đó khó khăn trăm bề. Rồi đất nước giải phóng, thời bao cấp, gia đình bà lại càng túng thiếu, tay trắng hoàn tay trắng, phải khó khăn vì vừa nuôi ăn, lại phải nuôi học cả 6 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. "Nhiều đêm, lén gạt nước mắt khi nhìn những đứa con chuyên cần bên bàn học, mà trong nhà không còn chút gạo, tiền... Những tưởng phải buông xuôi, vậy mà sao rồi cũng cố gắng vượt qua!". Vợ chồng bà ngày đêm không ngại gian khổ, làm đủ việc từ nghề nông đến lăn lộn buôn bán... Rồi những đứa con của bà đỗ đạt, vào đại học, sự tốn kém cho việc học càng nhiều thêm, vợ chồng bà không chỉ làm lụng mà bán luôn cả những vật dụng trong nhà để có đủ tiền cho con chi phí.

 

Và để cho con cái noi gương về sự vững chí và quyết tâm của mình, ông bà luôn  động viên các con theo đuổi việc học đến cùng. Ông bà còn tham gia những hoạt động xã hội tích cực như công tác phụ nữ xã, y tế, làm từ thiện... Bây giờ, những đứa con ông bà đã thành tài, ông bà lại không chịu nghỉ ngơi. Hằng ngày, bà vẫn tích cực tham gia các công tác hội ở địa phương, ông 70 tuổi vẫn miệt mài xem mạch, bốc thuốc, giúp nhân dân trong thôn khám chữa bệnh với nghiệp vụ y học của mình.

 

Rồi ở một cảnh đời khác với hình ảnh một người mẹ nuôi 3 con học giỏi, giúp đỡ người nghèo biết chữ... Đó là hình ảnh chị Trần Thị Ngọc Diệp (Vũng Thùng, Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).

 

Khi bắt đầu làm mẹ cũng là lúc chị Diệp đối mặt với khó khăn vì chồng chị bị "biến chứng não", tâm thần không ổn định. Một mặt chăm sóc cho chồng, một mặt phải kiếm tiền chữa bệnh, lo chạy trước sau cho gia đình 5 miệng ăn, những tưởng có những lúc chị phải gục ngã. Rồi bệnh chồng chị trở nặng, chị phải đi lại như con thoi giữa các bệnh viện Đà Nẵng, rồi Huế. Gia cảnh ngày càng thêm sa sút, bán nhà, bán đồ đạc, phải đưa gia đình về sống ở một xóm lao động nghèo nhưng chị vẫn không quên động viên các con ráng học hành. Con chị cũng biết nỗi khổ của mẹ, cố gắng chuyên tâm học tập, cháu nào cũng học giỏi. Rồi chồng chị mất, chị tiếp tục vững vàng một mình nuôi dạy các con.

 

Bé Ngọc Dung ngày nào nay đã là sinh viên năm 3 đại học nông lâm Huế, bé Ngọc Duyên đã là sinh viên năm nhất đại học Đà Nẵng, còn bé út Ngọc Du đang học lớp 8, năm nào cũng giữ danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. Không chỉ lo cho các con ăn học, chị Diệp còn giúp đỡ bà con và trẻ em bất hạnh ở xóm nghèo mở lớp xóa mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35. Chị giúp bà con học chữ mọi nơi, mọi lúc, vừa học vừa phơi cá, đan lưới...

 

Và đó chỉ là hai trong số hàng chục ngàn gia đình hiếu học ở Đà Nẵng, ở họ đều có một nét chung - dồn tâm huyết cho con được học thành tài dù bản thân phải nghèo khổ, lam lũ...

 

Theo Diệu Hiền

Thanh Niên