Tập trung rà soát các cơ sở giáo dục nước ngoài
(Dân trí) - Theo số liệu tổng hợp quý IV năm 2012, các dự án giáo dục nước ngoài tại Hà Nội có tổng vốn đầu tư là 159,164 triệu USD (tăng 47,6% so với 107,81 triệu USD cuối năm 2008). Năm 2013, Bộ GD-ĐT tập trung rà soát các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Hà Nội: Vốn đầu tư giáo dục của nước ngoài cuối năm 2012 đạt hơn 159 triệu USD
Trong tổng số 111 dự án, Hà Nội có 44 dự án (39,6% tổng số dự án), TPHCM có 51 dự án (45,9%). Các tỉnh, thành phố còn lại có 16 dự án (14,5%). Các cơ sở đào tạo ngắn hạn có số lượng lớn nhất là 41 (chiếm 40%), các cơ sở giáo dục phổ thông (36 dự án, chiếm 32,4%), các cơ sở giáo dục mầm non (28 dự án, chiếm 25,2%), các cơ sở giáo dục đại học (6 dự án, chiếm 5,4%).
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, về vốn đầu tư, quý IV năm 2012 cho thấy các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong lĩnh vực giáo dục có tổng vốn đầu tư còn khiêm tốn, trong đó phần vốn của đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ không cao như các như các dự án ĐTNN trong các lĩnh vực khác. Các dự án tại Hà Nội có tổng vốn đầu tư là 159,164 triệu USD (tăng 47,6% so với 107,81 triệu USD cuối năm 2008). Vốn đầu tư các dự án tại TPHCM cuối năm 2008 là 94,2 triệu USD trên tổng vốn đầu tư toàn quốc là 235,72 triệu USD (chiếm xấp xỉ 40%).
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, có một số cơ sở giáo dục nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó phổ biến nhất là tuyển sinh không đúng đối tượng được phép. Thực hiện hoạt động giáo dục ngoài phạm vi được phép, điển hình là Trung tâm đào tạo, quản lý cao cấp SITC, các cơ sở của Raffles tại Hà Nội và TPHCM, của ILA tại TPHCM. Mượn tên của các cơ sở giáo dục có uy tín để thu hút người học; Không thực hiện cam kết về đầu tư thích đáng cho cơ sở vật chất, giáo viên, cá biệt một số cơ sở lúc đầu thuê mượn địa điểm hiện đại, để thuyết phục người học đóng học phí cao, nhưng sau đó chuyển ra địa điểm xa hơn, kém chất lượng hơn để giảm thiểu chi phí nhưng không bồi hoàn chi phí cho người học…
Ưu tiên xây dựng một số mô hình trường học mới
Bộ GD-ĐT xác định trong thời gian tới ưu tiên các lĩnh vực xây dựng một số mô hình trường học mới, tiên tiến, có chất lượng cao, từng bước đưa giáo dục Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế.
Chuyển dịch dần từ quan tâm về số lượng sang ưu tiên về chất lượng; Ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực đào tạo có hàm lượng chất xám cao, kết hợp chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở các vùng, miền, khu vực khó khăn.
Hồng Hạnh