Thanh Hóa:

Tăng mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã thông qua Nghị quyết về quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, qua thực tiễn, mức thu học phí hiện hành đang thực hiện theo quyết định 4267/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở Nghị định 49/2010 ngày 14/5/2010 của Chính phủ được triển khai từ năm học 2011 - 2012.

Thanh Hóa tăng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập
Thanh Hóa tăng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập

Sau 5 năm thực hiện (không điều chỉnh tăng), đến nay mức học phí hiện hành không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hiện nay, như chỉ số giá tiêu dùng tăng 50%, thu nhập bình quân đầu người tăng 122% so với năm 2010 và không phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

Do đó, kinh phí phục vụ cho chi thường xuyên tại các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Theo tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa thì việc ban hành mức thu học phí mới là phù hợp và cần thiết để góp phần đảm bảo chi cho các hoạt động giáo dục, đào tạo.

UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị mức thu học phí năm học 2016 - 2017 bằng từ 40-70% mức tối đa của khung học phí được quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 86, tùy theo bậc học và hình thức tổ chức dạy và học (bán trú hoặc không bán trú). Từ năm học 2017 - 2018, mức thu học phí đối với bậc Mầm non, phổ thông được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Cụ thể, mức thu học phí đối với học sinh Mầm non không bán trú bằng 50% mức tối đa khung học phí năm học 2015 - 2016; mức thu học phí đối với học sinh bán trú tăng thêm 30% so với học sinh không bán trú. Đối với học sinh THCS bằng 40% mức tối đa khung học phí năm học 2015 - 2016; học sinh THPT tăng thêm 30% so với học sinh THCS.

Cụ thể, mức thu học phí đối với học sinh Mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn các phường thuộc thành phố, thị xã ở khối nhà trẻ, mẫu giáo không bán trú tăng từ 90 lên 150.000đ/học sinh/tháng; có bán trú tăng từ 120 lên 195.000 đồng/học sinh/tháng.

THCS, bổ túc THCS tăng từ 40 lên 120.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, bổ túc THPT tăng từ 70 lên 155.000 đồng/học sinh/tháng.

Đối với học sinh Mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn các xã thuộc thành phố, thị xã và các xã, thị trấn huyện miền xuôi ở khối nhà trẻ mẫu giáo không bán trú tăng từ 24.000 lên 60.000 đồng/học sinh/tháng; có bán trú tăng từ 40.000 lên 80.000 đồng/học sinh/tháng; THCS, bổ túc THCS tăng từ 20 lên 50.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, Bổ túc THPT tăng từ 50 lên 65.000 đồng/học sinh/tháng.

Học sinh Mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn các xã, thị trấn huyện miền núi đối với khối nhà trẻ, mẫu giáo không bán trú tăng từ 16 lên 30.000 đồng/học sinh/tháng; có bán trú tăng từ 20.000 lên 40.000 đồng/học sinh/tháng; đối với THCS, Bổ túc THCS tăng từ 12.000 lên 25.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, Bổ túc THPT tăng từ 24.000 lên 30.000 đồng/HS/tháng.

Mức thu học phí trên được bổ sung vào nguồn kinh phí chi tại các đơn vị. Trong đó 40% chi cho thực hiện chế độ cải cách tiền lương và 60% cho cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Mức thu học phí đối với giáo dục đại học bằng 70% và giáo dục nghề nghiệp bằng 50% so với mức trần thu học phí từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021. Học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo kỹ năng được các cơ sở đào tạo chủ động tính toán và quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở đào tạo, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác được áp dụng thu theo sự thỏa thuận chi phí giữa cơ sở đào tạo và người học.

Không áp dụng chính sách miễn, giảm học phí đối với người học theo phương thức giáo dục thường xuyên và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Đối với hình thức đào tạo theo tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ.

Các chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập thực hiện theo các quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm