Đại học Hoa Sen:

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo

Trong định hướng chiến lược phát triển nhà trường từ nhiều năm nay, Đại Hoa Sen luôn chú trọng đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế. Trường đã phát triển nhiều chương trình trao đổi, thực tập nước ngoài và các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm trang bị cho sinh viên năng lực để hội nhập thế giới.

Vai trò của hợp tác quốc tế đối với giáo dục đại học

Trong giáo dục đại học có một mảng công việc thường ít nhận được sự quan tâm của công chúng nhưng lại có vai trò rất quan trọng, đó là hoạt động hợp tác quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo
Hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế (global engagement) đang diễn ra ở nhiều trường đại học trên thế giới nhắm đến việc tạo ra cơ hội cho sinh viên và giảng viên của họ có được giáo dục và trải nghiệm toàn diện có chất lượng. Những hoạt động nhằm khuyến khích hoặc đưa sinh viên và giảng viên tham gia hoạt động ở những khu vực gặp khó khăn trên thế giới nhằm tạo ra những công dân có trách nhiệm với xã hội. Nhiều trường ở một số quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ có chính sách khuyến khích sinh viên học ở nước ngoài trong một học kỳ đến một năm để gia tăng trải nghiệm quốc tế. Những trải nghiệm này đóng góp vào khả năng cạnh tranh việc làm cao tại quê nhà và môi trường quốc tế.

Hoạt động hợp tác quốc tế tại nhiều trường đại học ở Việt Nam vốn gắn liền với một phòng ban chức năng, thường mang tên là Phòng Hợp tác quốc tế. Phòng này chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp khách quốc tế, thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến khách hoặc sinh viên nước ngoài, cũng như chịu trách nhiệm chuyển thông tin đến các khoa về học bổng, dự án, cơ hội đào tạo có yếu tố nước ngoài mà trường nhận được từ cơ quan chủ quản hoặc từ đối tác nước ngoài.
 
“Nhiều trường đại học trên thế giới không có phòng chức năng nào có tên này nhưng hoạt động hợp tác quốc tế của họ thường diễn ra mạnh mẽ ở một mức độ mà các trường tại Việt Nam phải mơ ước. Lý do chính là vì các hoạt động mang tính chất hợp tác và hội nhập quốc tế được định hướng và tổ chức từ cấp quản lý hàng đầu của trường và thường do một hiệu phó (Senior Vice President, Vice President, Vice Chancellor) (1) chủ trì và do đó hoạt động hợp tác và hội nhập mang tính chiến lược ở quy mô toàn trường. Với tính tự chủ cao, các khoa trong một trường đại học chủ động trong việc tổ chức các hình thức hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế theo chiến lược do Ban giám hiệu đề xuất.
 
Có nhiều lý do để giải thích sự khác biệt này, nhưng hệ quả then chốt là các trường Việt Nam nói trên đóng vai trò thụ động và đi chậm hơn nhiều trường trong khu vực Đông Nam Á và toàn cầu trong chiến lược hợp tác quốc tế”, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế trường Đại học Hoa Sen cho biết.

 
Với chiến lược hợp tác quốc tế của ĐH Hoa Sen, sinh viên được trang bị đầy đủ năng lực để hội nhập
Với chiến lược hợp tác quốc tế của ĐH Hoa Sen, sinh viên được trang bị đầy đủ năng lực để hội nhập.

Chiến lược hợp tác quốc tế của Đại học Hoa Sen

TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan cũng nhận định rằng hợp tác quốc tế tại các trường đại học Việt Nam phải hướng đến cùng mục tiêu như các trường khác trên thế giới để có thể tạo ra nguồn lao động cạnh tranh tại Việt Nam. Cần lưu ý thêm là Theo Vụ hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính trích dẫn báo cáo của Bộ Giáo dục, trong năm 2012, các gia đình Việt Nam đã chi tổng cộng 1,5 tỷ đô la cho con đi học nước ngoài ở nhiều cấp lớp khác nhau (số liệu do). Và phần lớn trong tổng số gần 100 ngàn du học sinh này du học tại các nước thuộc châu Âu và Bắc Mỹ. Một số lượng du học sinh tìm mọi cách để ở lại nước ngoài.

 
Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo
Bên cạnh đó, những năm gần đây có sự xuất hiện của các trường có chất lượng cao từ Bắc Mỹ, Anh và Úc tại Singapore, Malaysia và Thái Lan nhắm đến đối tượng là sinh viên từ các nước trong khu vực. Ngay cả những trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ có truyền thống không mở chi nhánh cũng thay đổi chiến lược của họ như trường hợp Đại học Yale kết hợp National University of Singapore. Một số đông sinh viên chắc chắn sẽ ở lại làm việc tại các quốc gia nói trên do những chính sách cởi mở hơn về lao động và nhập cư. Viễn ảnh này cho thấy nếu trường đại học ở Việt Nam không tạo ra được những trải nghiệm quốc tế cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục thì chúng ta sẽ gặp tình trạng trước mắt là chảy máu chất xám và là ngoại tệ.  Và về lâu dài là tình trạng cạnh tranh kém cỏi của lực lượng lao động nội địa.

Đại học Hoa Sen là một ví dụ tại Việt Nam tiên phong trong chiến lược hợp tác quốc tế thực hiện ở mức độ cao. Chiến lược hợp tác quốc tế mà Đại học Hoa Sen chọn là tạo điều kiện để mỗi ngày trôi qua lại có thêm sinh viên Hoa Sen tiếp xúc các cách tư duy và góc nhìn khác. Triết lý giáo dục của trường nhấn mạnh việc đem lại cơ hội công bằng cho tất cả sinh viên với mục tiêu là “Tạo trải nghiệm quốc tế cho số đông thành viên Đại học Hoa Sen”. Điều đó có nghĩa là sinh viên có được một cơ sở vật chất tiêu chuẩn, có cơ hội tiếp xúc giáo dục quốc tế thông qua chương trình trao đổi hoặc du học tại chỗ, nhận sự đối xử công bằng, và được tự do phát triển cá nhân.

Đại học Hoa Sen đã thai nghén và đang triển khai biện pháp cải thiện chất lượng theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn khu vực/quốc tế trong quản lý, đào tạo, và nghiên cứu.  Chương trình Kết nối năm châu cho phép nhân viên và giảng viên chia sẻ học hỏi phương pháp điều hành và giáo dục với các trường tại Nhật, Thái Lan, Malaysia và giúp đối tác hiểu về giáo dục tại Đại học Hoa Sen. Trong hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng, tính tiên phong của trường được thể hiện rõ qua sự tham gia khá rộng rãi của giảng viên và nhân viên các bộ phận nhằm tạo ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học xuyên quốc gia trong lĩnh vực bình đẳng giới, phát triển hòa nhập, quốc tế hóa trong giáo dục đại học, học tập hỗ trợ cộng đồng (CSL- Community Service learning).

([1] Tiêu biểu như Đại học Indiana – Bloomington (Hoa Kỳ), Đại học Taylor’s (Malaysia), Đại học Dhurakij Pundit (Thái Lan))
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm