Tâm sự của thầy hiệu trưởng "mắc kẹt" do giãn cách trong ngày khai giảng
(Dân trí) - "Mắc kẹt" trong vùng giãn cách, thầy Thành không kịp về trường để cùng các em học sinh đón năm học mới. Trong ngày khai giảng, thầy hiệu trưởng công tác nơi vùng cao xứ Thanh hồi hộp, đan xen nỗi lo.
Lỡ hẹn với ngày khai giảng tại trường
Tranh thủ thời gian nghỉ lễ Quốc khánh mùng 2/9, thầy Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Na Mèo (huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa) về quê và không may "mắc kẹt" vì địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sáng nay (6/9) là ngày khai giảng năm học mới ở Thanh Hóa, nhưng thầy Chung Trường Thành đã phải "lỡ hẹn" với các em học sinh và thầy cô giáo tại trường. Vì ở xa nên thầy Chung Trường Thành dự khai giảng online qua điện thoại.
Từ 6h30 sáng nay, tại điểm trường chính và các điểm lẻ của Trường tiểu học Na Mèo, các em học sinh đã có mặt để chào đón một năm học mới. Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành đo thân nhiệt, phát khẩu trang trước khi các em vào lớp.
"Không còn cảnh tập trung nhộn nhịp ở sân trường, không có các tiết mục văn nghệ. Buổi khai giảng diễn ra tại các lớp học được thực hiện nghiêm ngặt để phòng, chống dịch. Nghe các thầy cô gọi về buổi khai giảng diễn ra tốt đẹp tôi cũng phần nào vơi bớt sự lo lắng", thầy Thành chia sẻ.
Trước đó, từ ngày 1/9, thầy Chung Trường Thành tranh thủ kỳ nghỉ lễ 2/9 để về quê ở thị trấn Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc) thăm gia đình. Dự kiến ngày 3/9 sẽ quay trở lại trường để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Chưa kịp đi thì huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với thị trấn Hậu Lộc vì có ca mắc Covid-19. Thế là thầy bị "mắc kẹt" không thể quay về trường như dự kiến.
Theo thầy Chung Trường Thành, từ đầu tháng 9, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ban giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch cho ngày khai giảng năm học mới. Để kịp triển khai kế hoạch, những ngày qua, thầy Chung Trường Thành bất đắc dĩ phải làm việc và chỉ đạo công việc online.
"Đây là ngày khai giảng đặc biệt, các điểm trường lẻ ở các bản xa xôi sẽ không tập trung tại điểm trường chính như mọi năm, mà sẽ tự tổ chức khai giảng tại trường theo hình thức khai giảng tại các lớp học.
Lễ khai giảng sẽ diễn ra trong tiết học đầu tiên của ngày 6/9, giáo viên chủ nhiệm của các lớp sẽ đọc thư của Chủ tịch nước cho các em nghe, sau đó thông báo kế hoạch học tập năm học mới và đánh trống khai giảng", thầy Chung Trường Thành cho biết.
Cũng theo thầy Chung Trường Thành, như thường lệ thì đây sẽ là những ngày bận rộn của thầy cô trong trường. Vì đặc thù của huyện vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và địa hình nhiều nơi không sóng điện thoại. Vào những ngày cận lễ khai giảng, để động viên các em tới lớp, thầy Chung Trường Thành sẽ đến các điểm trường lẻ ở bản xa xôi để kiểm tra công tác chuẩn bị.
Tuy nhiên, năm nay do "mắc kẹt" ở vùng giãn cách nên thầy Chung Trường Thành không thể trực tiếp xuống bản khiến thầy canh cánh những nỗi niềm.
"Tôi đã gọi điện và chỉ đạo ban giám hiệu họp khẩn để phân công công việc. Nói thật, mình không trực tiếp ở trường nên cũng rất lo lắng, nhất là lễ khai giảng lại trong hoàn cảnh dịch bệnh như năm nay", thầy Chung Trường Thành tâm sự.
Thầy ở nơi vùng dịch, tâm trạng hướng về vùng cao
Những ngày vừa qua, mặc dù đang ở trong vùng giãn cách xã hội nhưng tâm trạng của thầy Chung Trường Thành vẫn luôn hướng về những học sinh của mình nơi vùng cao xa xôi.
Cảm xúc bồi hồi đan xen sự lo lắng, thầy Chung Trường Thành cho biết: "Gần 30 năm giảng dạy ở vùng cao, tôi hiểu được cuộc sống cũng như những học sinh ở nơi này. Ngày tựu trường đối với các em là một ngày hạnh phúc, các em háo hức và chờ đợi từng ngày. Năm nay, không được nhìn các em hân hoan trong lễ khai giảng tôi cũng thấy buồn và lo lắng lắm".
Theo thầy Chung Trường Thành, Trường tiểu học Na Mèo năm nay có 440 học sinh, trong đó có 4 điểm lẻ ở các bản xa xôi (Cha Khót, Ché Lầu, Sa Ná, Xộp Huối). Thông thường, sau ngày khai giảng năm học mới, thầy Chung Trường Thành sẽ trực tiếp vào bản để thăm hỏi, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
"Như mọi năm, mùng 7, 8 tháng 9 thì tôi sẽ vào các điểm trường lẻ để hỏi thăm các em. Có những em không có tiền mua sách giáo khoa thì chúng tôi tặng sách, những em không có bút thì tặng bút, tặng áo... Vì ở đây là miền núi nên chúng tôi hỗ trợ các em hết sức để các em có thể đến trường.
Tôi hi vọng dịch bệnh sớm ổn định, hết giãn cách xã hội để có thể trở về trường vào thăm các em. Đây đúng là một kỳ khai giảng chẳng thể nào quên được đối với tôi", thầy Chung Trường Thành tâm sự.