Tâm sự của chàng trai 22 tuổi vào học lớp... 1

(Dân trí - Hết giờ làm, anh thợ sửa xe 22 tuổi Nguyễn Hoàng Anh nhanh tay thu dọn cửa hàng, thay bộ quần áo tươm tất rồi khoác chiếc ba lô để đến trường. Nhìn Hoàng Anh như sinh viên, ai có thể nghĩ cậu mới vào học lớp 1, Trường Phổ cập giáo dục phường 12 (quận Bình Thạnh, TPHCM).

"Cười chảy nước mắt vì không biết chữ"

Theo nghề sửa chữa mô tô, Hoàng Anh có một công việc mưu sinh tương đối ổn định nhưng vì không biết chữ, cậu gặp không biết bao nhiêu tình huống bi hài trong cuộc sống.

Chàng trai 22 tuổi vào… lớp 1
Ngày sửa xe mô tô, buổi tối chàng trai 22 tuổi Nguyễn Hoàng Anh là học sinh lớp 1 theo học tại Trường Giáo dục phổ cập tiểu học phường 12 (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Hỏi đường, đối với mọi người là chuyện chẳng có gì để nói thì với Hoàng Anh lại rắc rối vô cùng. May mắn gặp ai chỉ rẽ phải, rẽ trái cậu còn biết nhưng nếu tên đường A, đường B là cậu chịu chết, nhìn biển tên đường Hoàng Anh nào biết đọc.

Ra ngân hàng giao dịch hay làm giấy tờ thủ tục - những công việc liên quan đến việc viết, đọc chữ, Hoàng Anh luôn tìm mọi cách để tránh hoặc nhờ người khác đi làm hộ.

Công việc hàng ngày của mình, chàng thanh niên thường phải đi mua hàng hóa, phụ tùng xe, cậu tính toán số lượng, tiền nong rất nhanh nhưng nếu phải động đến sổ sách thì cậu đầu hàng.

Theo thời gian, càng lớn tuổi thì những rắc rối vì không biết chữ lại càng nhiều, mức độ càng trầm trọng. Vẻ ngoài bảnh bao, hiền lành, cậu được lòng rất nhiều cô gái. Biết số điện thoại của anh, nhiều bạn gái nhắn tin mà Hoàng Anh nào biết người ta nhắn gì.

Năm ngoái, Hoàng Anh có tình cảm qua lại khá thân thiết với một nữ sinh viên, mới đầu cô không hề biết cậu không biết chữ. Cô thương cậu nhiều lắm, cứ thắc mắc tại sao cô nhắn tin nhiều mà chẳng bao giờ bạn trai trả lời lại. Anh chỉ gãi đầu cười! Chứ bao nhiên “tít tít” từ tin nhắn chuyển đến, cậu xóa sạch.

“Đến một lần, cô ấy cầm điện thoại của em, biết em xóa tin nhắn giận ghê lắm. Tranh cãi một lúc, em nói thẳng mình không biết chữ. Hình như cô ấy không tin, ngạc nhiên lắm... Em chủ động dừng mối quan hệ này lại khi thấy rõ khoảng cách giữa hai rất lớn”, Hoàng Anh tâm sự.

Cậu học trò vào lớp 1 tham gia trung thu cùng đàn anh lớp trên.
Cậu học trò vào lớp 1 tham gia trung thu cùng "các bạn" lớp trên.

Mặc cảm ngày càng lớn khi cậu tham gia các hoạt động, sự kiện cùng bạn bè, những người cùng nghề. Điều làm cậu mệt mỏi, chán chường không phải là việc không biết đọc, biết viết nữa mà chính là phải gồng mình lên, tạo nên vỏ bọc giả tạo… của một người biết chữ. Bao nhiêu oái oăm vì không biết chữ gây ra, cậu đã quen từ nhỏ, ít nhiều có thể giải quyết bằng cách này, cách khác nhưng “những lúc phải sống giả dối, che dậy mệt mỏi, đáng sợ lắm” - lời của cậu học sinh lớp 1 năm nay 22 tuổi.

Trải nghiệm ý nghĩa của học chữ

Hoàng Anh quê ở Châu Đốc (An Giang), bố mẹ nghèo, toàn làm thuê, làm mướn và không hiểu hết được ý nghĩa của việc học chữ, nên việc đến trường của con với họ chẳng mặn mà gì, miễn có việc gì đó có miếng ăn. Mà khi đó, chính cậu cũng cảm thấy "đi chơi với bạn bè còn thích hơn đi học". Cậu nhớ không nhầm thì mình có vào lớp 1 được một, hai tuần gì đó rồi bỏ. 

Đàn anh của lớp nên cậu lo hết những việc quá sức các em nhỏ. 
Lớn tuổi nhất lớp nên Hoàng Anh lo hết những việc quá sức các em nhỏ

Trải qua đủ công việc, hơn 6 năm nay, Hoàng Anh sửa moto cho một đại lý tư nhân trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ông chủ rất quý cậu, nhiều lần nói với Anh rằng “Mày là thằng có tài mà không biết chữ, phí” và khích lệ cậu đi học, ông sẽ hỗ trợ các khoản chi phí. 

Như được tiếp thêm động lực, Hoàng Anh tự tìm lớp, tự đăng ký để xóa mù chữ. Mấy hôm đầu đến lớp, nhiều em nhỏ học cùng còn gọi Anh là… thầy.

Sau gần 3 tuần đến lớp, giờ Anh đã biết viết, đánh vần những chữ đơn giản. Về tiệm sửa xe, cậu đã dám cầm tờ báo tập đánh vần. Mới học được rất ít chữ thôi nhưng với chàng trai, cả một thế giới chưa bao giờ hình dung đến như đang từng bước mở ra trước mắt.

Cùng cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Huyền Hoàng Oanh 
Ccậu học trò 22 tuổi cùng cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Huyền Hoàng Oanh.

Việc đến lớp mang đến ý nghĩa mà Hoàng Anh rất khó nói ra bằng lời, cứ thấy trong lòng rộn ràng, bồi hồi. Trước đây, ngoài giờ làm, cậu chỉ đi cà phê hoặc ngồi la cà quán nhậu. Mới chỉ bắ đầu đọc chữ thôi, cậu đã tự tin hơn vào bản thân rất nhiều. Cậu gỡ được vỏ bọc bên ngoài của mình, không phải khư khư giấu chuyện mình mù chữ nữa mà còn khoe “Tôi đang học lớp 1”.

Hoàng Anh dự tính đến khi học tiếng Việt đọc được trôi chảy, cậu sẽ bắt đầu học tiếng Anh để từng bước thực hiện ước mơ mở một cửa hàng sửa mô tô thật lớn mà cậu ấp ủ bao lâu nay.
 

Cô giáo Nguyễn Huyền Hoàng Oanh - giáo viên chủ nhiệm lớp Hoàng Anh đang theo học chia sẻ, một trong những khó khăn của các anh chị lớn tuổi đến lớp phổ cập học cùng các bạn nhỏ là họ cần hòa nhập, chấp nhận môi trường trẻ thơ, nếu không sẽ rất lạc lõng và chóng nản. Học sinh lớn tuổi cũng dễ dở dang con đường học hành do áp lực mưu sinh, công việc. Thay đổi việc làm, chỗ trọ… thì sẽ nghỉ học ngay, nhiều người đã bỏ học giữa chừng. Đến lớp đã là cố gắng lớn thì để theo trường lớp lâu dài thì họ phải thấy được ý nghĩa của việc học cũng như phải có nghị lực, quyết tâm.

 
Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm