Tạm hoãn các kỳ thi IELTS: "Tại sao lại đột ngột như thế?"
(Dân trí) - Liên quan đến sự việc toàn bộ các kỳ thi IELTS tại Việt Nam bị tạm hoãn, nhiều bạn đọc của Dân trí đã tỏ ra bức xúc vì quyết định này được đưa ra quá bất ngờ, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng đưa ra những quan điểm khác nhau liên quan đến chất lượng của các kỳ thi IELTS.
Ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của các em
Sau khi đưa thông tin về việc các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có chứng chỉ IELTS bị tạm dừng nhằm tuân thủ các quy định mới của Bộ GD&ĐT trong việc liên kết tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Dân trí đã nhận được nhiều bình luận của độc giả liên quan đến vấn đề này.
Bạn đọc Phung Nguyen bày tỏ sự bức xúc: "Tại sao lại gấp và đột ngột như thế? Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch học tập của các em. Hi vọng Hội đồng Anh và Bộ GD&ĐT giải quyết càng sớm càng tốt".
Bạn đọc Lê Hà cũng thắc mắc: "Tại sao lại như vậy? Không một lý do. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của các em".
Bạn đọc L.S góp ý rằng, cần phải công khai xem xét kỹ vấn đề này có liên quan tới Bộ GD&ĐT như thế nào, trách nhiệm của Bộ cũng như Hội đồng Anh ra sao, cách điều hành của Bộ đã hợp lý chưa, có "giật cục" hay không, quyền lợi của học sinh ở đâu?
"Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc vì đây là khoảng thời gian mà học sinh lớp 12 đang tập trung tối đa cho kỳ thi IELTS", bạn đọc L.S bình luận.
Trả lời bình luận của bạn đọc L.S, bạn đọc Le Ryan đặt câu hỏi: "Tại sao bạn không nghĩ là Hội đồng Anh có làm gì vượt quá quyền hạn hay vi phạm dẫn đến việc này không?".
Bạn đọc Hoàng Nguyễn nêu ý kiến cá nhân, cho rằng có sự bất cập nhưng không nằm ở Công văn 5871 gần đây, mà nằm ở Thông tư 11/2022 của Bộ GD&ĐT.
"Rõ ràng là các chứng chỉ quốc tế do các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về chương trình chứ đây không phải chương trình của Việt Nam. Ở các nước khác, họ không bao giờ ràng buộc điều kiện về tổ chức thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này mà chỉ xem nó như một mặt hàng, còn đơn vị mua bán hoạt động như một doanh nghiệp.
Vậy mà Thông tư 11/2022 lại đưa ra các yêu cầu nhằm quản lý quá trình tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Có người nói rằng vì các đơn vị làm việc gian dối, tiêu cực nhưng việc tổ chức các cuộc thi này đều tuân thủ theo quy trình chung rất nghiêm ngặt của các tổ chức đó", bạn đọc Hoàng Nguyễn chia sẻ.
Bạn đọc Hoàn VN cho rằng, Hội đồng Anh được biết đến là một tổ chức uy tín, tuy nhiên, việc tạm dừng hoạt động ngoài kiểm soát khi thí sinh đang thi dở như vậy chứng tỏ sự yếu kém.
Trả lời bình luận của bạn đọc Hoàn VN, bạn đọc Tran Tuan viết: "Bạn cần nghĩ đến trường hợp Hội đồng Anh bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng ngay lập tức. Như vậy, họ bất khả kháng. Có thể vì lý do tế nhị nên họ không tiện công khai".
Liệu có hay không chuyện thi hộ, gian lận hồ sơ, giấy tờ?
Trước thông tin "Có thi hộ, gian lận hồ sơ, giả mạo giấy tờ trong kỳ thi IELTS" được ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra, nhiều bạn đọc cũng tranh cãi về vấn đề này.
Bạn đọc B.Đ cho rằng: "Tạm dừng các kỳ thi là đúng vì các đơn vị tổ chức thi bây giờ đã thương mại hóa nhiều. Trong khi đó, các thí sinh đạt kết quả cao nhưng chất lượng lại không hề tương xứng".
Không đồng tình với bạn đọc B.Đ, bạn đọc Hoàng Nguyễn phản đối: "Thử hỏi có bạn nào thi IELTS đạt 7.0-8.0 điểm mà không giỏi? Chứng chỉ của họ được công nhận trên toàn cầu, họ tổ chức thi rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Họ tự chịu trách nhiệm cho việc tổ chức của mình.
Các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như IELTS, ACCA, CFA đều được camera ghi hình toàn bộ quá trình thi. Khi hết giờ, thí sinh phải đặt bút xuống bàn ngay lập tức, nếu không sẽ bị phạt cảnh cáo, trừ điểm".
Bạn đọc M.N cho biết, 10 năm trước, M.N đã từng tham gia một kỳ thi IELTS ở Úc. Để được tham gia, bạn phải trực tiếp đến trung tâm tổ chức thi để xuất trình hộ chiếu, sau đó được chụp ảnh, lăn tay, đóng tiền dự thi tại chỗ. Đến ngày thi, bạn phải xuất trình hộ chiếu, được chụp ảnh thêm một lần nữa để xác minh.
"Ở Việt Nam, có lẽ quy trình đó cũng chặt chẽ không kém. Như vậy, chuyện thi hộ hay gian lận hồ sơ là điều gần như không thể xảy ra, vì cách kiểm tra ở kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có khi còn nghiêm ngặt hơn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT", bạn đọc M.N cho biết.
Bạn đọc Nguyễn Đức Chính bình luận: "Tôi không hiểu tại sao bây giờ các gia đình có điều kiện đều đua nhau cho con em học, thi IELTS. Biết rằng học tiếng Anh tốt tạo lợi thế trong công việc sau này, tuy nhiên, xã hội lại tốn rất nhiều nguồn lực, chi phí. Trong khi đó, không phải ai cũng thực sự cần đến chứng chỉ IELTS. Tại sao Bộ GD&ĐT chưa có định hướng trong việc này, sao cứ phải là IELTS mà không phải chứng chỉ khác có chi phí rẻ hơn, ví dụ TOEIC".
Bạn đọc tên Hùng cho rằng, việc sử dụng loại chứng chỉ nào phụ thuộc vào mục đích và đối tượng sử dụng ngôn ngữ. Nếu cần đi du học thì người ta phải thi tiếng Anh học thuật như IELTS hay TOEFL. Các trường đại học ở nước ngoài gần như không chấp nhận chứng chỉ TOEIC. Nếu dùng chứng chỉ để đi xin làm, đi xin việc thì lại cần TOEIC.
"Nhìn chung, chúng ta đang tốn kém một nguồn lực không nhỏ của xã hội cho việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ", bạn Hùng viết.