Tấm gương sáng về y đức

Một ngày đầu tháng 10/2019, chúng tôi tìm gặp GS, TS Lê Ðức Hinh - người thầy của ngành Thần kinh học Việt Nam, chuyên gia y tế hàng đầu thế giới. Ở tuổi 85, dấu vết thời gian đã in trên gò má, mái tóc, nhưng ông vẫn nở nụ cười tươi với chúng tôi cũng như những bệnh nhân của mình.

Gần 60 năm làm việc và cống hiến cho ngành thần kinh học, nhưng khi được hỏi về bản thân, GS, TS Lê Ðức Hinh điềm đạm trả lời: "Chỉ nên nói về ngành thôi, chứ về tôi có đáng kể gì".

Tấm gương sáng về y đức - 1

GS.TS Lê Đức Hinh. (Ảnh: Nguyễn Liên/VietNamNet)

Tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội năm 1962, chuyên khoa Thần kinh và Tinh thần, bác sĩ Hinh làm việc tại khoa Thần kinh và Tinh thần, Bệnh viện Bạch Mai và được mời giảng dạy môn Thần kinh học cho sinh viên Trường đại học Y Hà Nội. Sau đó, ông tiếp tục được đào tạo tại Cu-ba, Hà Lan, nghiên cứu tại Ðại học California (Hoa Kỳ) và nhiều nước khác. Về nước, ông vừa khám, chữa bệnh, vừa giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên đại học và học viên sau đại học tại các cơ sở đào tạo khắp cả nước.

Nhớ lại giai đoạn từ năm 1968 đến 1974, dịch viêm não Nhật Bản bùng phát tại miền bắc nước ta. Trong giai đoạn này, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ năm đến sáu trẻ nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Lúc bấy giờ, viêm não Nhật Bản là căn bệnh kinh hoàng của các gia đình có con nhỏ. Dịch bệnh thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, nếu trẻ không được điều trị kịp thời, chỉ sau hai, ba ngày là có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản hằng năm chiếm tới 10% số trẻ mắc. Ngay cả khi được chữa khỏi, nhiều em bị mắc các di chứng. Ông cùng với các cộng sự đã ngày đêm "chiến đấu" với dịch bệnh, dồn toàn bộ tâm trí để đưa ra phương án cứu chữa kịp thời. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của các y, bác sĩ khoa Thần kinh, trong đó có công lao đáng kể của bác sĩ Lê Ðức Hinh, tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản đã giảm xuống còn 5%. "Giờ đây viêm não Nhật Bản không còn là căn bệnh nguy hiểm nữa, số người mắc rất ít và hầu như không có trường hợp tử vong" - GS, TS Lê Ðức Hinh cho biết.

Năm 1979, ông được bổ nhiệm là Phó Trưởng khoa và từ năm 1985 - 2002 là Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Ông đã có nhiều đóng góp xây dựng về học thuật, cũng như trong công tác điều trị, trực tiếp cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân. Sau khi về hưu vào năm 2005, ông vẫn tham gia giảng bài, chấm thi, là thành viên giám định chuyên khoa thần kinh, tư vấn Viện Pháp y quốc gia, Ban tham vấn của Hội đồng bảo vệ sức khỏe cán bộ T.Ư, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam... Hiện nay, ông vẫn miệt mài khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở Hà Nội.

Giữa cuộc trao đổi với chúng tôi, thỉnh thoảng ông nhận được những cuộc gọi từ bệnh viện, từ người bệnh và ông đều trả lời họ chu đáo, tận tình. Ông chia sẻ, chính việc không ngừng học tập, nghiên cứu trong suốt cuộc đời làm nghề đã giúp ông giữ được trí tuệ minh mẫn. Hiện nay ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu để tìm cách chữa trị căn bệnh rối loạn chuyển hóa đồng ở trẻ em, hay còn gọi là bệnh Wilson. Ðây là căn bệnh vẫn khiến ông đau đáu bao năm qua, bởi nó không dễ phát hiện, dẫn tới các bệnh nghiêm trọng về gan và thần kinh.

GS, TS Lê Ðức Hinh chia sẻ một kỷ niệm đẹp mà ông luôn trân trọng. Ðó là ngày 20/9/1945, nhân dịp rằm Trung thu, tại sảnh chính của Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), cậu bé Lê Ðức Hinh khi đó mới 11 tuổi, vinh dự là một thiếu nhi Thủ đô được vào gặp Bác Hồ, đọc lời chúc mừng sức khỏe Bác và hứa với Bác, tất cả thiếu nhi Việt Nam làm theo lời Bác dạy trở thành con ngoan, trò giỏi. Và lời hứa đó đã theo ông suốt cuộc đời. Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn đặt trách nhiệm phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân lên hàng đầu.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, GS,TS Lê Ðức Hinh vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu vừa được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2019.

Theo Nhật Hoàng

Báo Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm