Tại sao Việt Nam “vắng bóng” trong top 300 trường ĐH tốt nhất châu Á?

(Dân trí) - Giáo sư Vũ Ngọc Hải (Khoa công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Myongji, Hàn Quốc) nhận định, lý do các trường đại học Việt Nam gần như không có tên trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới rất đơn giản “cuộc chạy thi sẽ không có thứ hạng cho người… không muốn chạy”.

Các trường thế giới đầu tư hàng núi tiền để lọt và duy trì vị trí

Mới đây, tạo chí Times Higher Education công bố bảng xếp hạng 300 trường đại học hàng đầu châu Á và điều đáng buồn nhưng không ngạc nhiên đó là việc vắng bóng hoàn toàn các trường đại học Việt Nam. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự góp mặt của 7 trường đại học Pakistan, một nước nghèo và lạc hậu hơn Việt Nam rất nhiều.

Trước tiên chúng ta hãy đi tìm câu trả lời cho việc tại sao Việt Nam thường vắng bóng trong các bảng xếp hạng đại học khu vực lẫn như thế giới? Là một người làm việc nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam, Mỹ và Hàn Quốc tôi không khó để nhận ra lý do duy nhất của vấn đề đó là: các trường đại học Việt Nam không có nhu cầu, mục đích và mục tiêu lọt vào các bảng xếp hạng.


Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2017 của tạp chí Times Higher Education (Ảnh: Reuters).

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2017 của tạp chí Times Higher Education (Ảnh: Reuters).

Tại sao tôi lại nói như vậy?

Thứ nhất, chúng ta phải làm rõ lý do các bảng xếp hạng đại học ra đời và tại sao các trường đại học trên thế giới đầu tư hàng núi tiền để lọt vào danh sách các bảng xếp hạng này?

Điều đương nhiên là tất cả các trường đại học trên thế giới không đầu tư tiền bạc để lọt vào bảng xếp hạng chỉ với mục đích đạt được sự tự hào niềm vinh dự hay nói nôm na họ không vào để “tự sướng với nhau”. Tất cả đều gắn liền với mục đích kinh tế.

Trong mỗi trường đại học có 2 nguồn thu chính đó là nguồn từ học phí sinh viên và nguồn từ các dự án nghiên cứu. Vị trí trong bảng xếp hạng ảnh hưởng thế nào đến nguồn thu từ học phí sinh viên thì tất cả chúng ta đều có thể thấy ngay được.

Lấy ví dụ ở Singapore, giả sử một ngày nào đó Đại học Quốc gia Singapore (NUS) “tự nhiên” lọt ra khỏi top 10 ngay lập tức sinh viên nội địa và sinh viên Quốc tế sẽ chuyển sang trường đối thủ Nanyang, chính vì thế bằng bất cứ giá nào Đại học Quốc gia Singapore cũng phải đầu tư để duy trì vị trí của họ trong bảng xếp hạng.

Tăng thứ hạng là cách dễ dàng nhất để các trường tối đa hóa lợi nhuận

Tuy nhiên, lợi nhuận từ học phí sinh viên thường bị Chính phủ các nước giới hạn để tránh tình trạng các trường đại học vì lợi nhuận tận thu và không đảm bảo mục tiêu của giáo dục và đào tạo. Còn nguồn thu từ các dự án nghiên cứu thì có một điểm khác biệt so với Việt Nam đó là các trường đại học nước ngoài cho phép thu lợi nhuận từ các dự án nghiên cứu.

Luật pháp các nước, đơn cử như Hàn Quốc nơi tôi đang giảng dạy cho phép các trường thu tới 40% tổng kinh phí của một dự án nghiên cứu, rõ ràng đây là con số khổng lồ bởi các dự án của nước ngoài tài trợ thường rất lớn. Nguồn thu này cũng dễ dàng đạt được hơn so với nguồn thu từ học phí.

Các quỹ nghiên cứu thường ưu tiên cho các trường có vị trí xếp hạng cao và có nhiều giáo sư giỏi. Việc trường đại học chỉ cần tuyển được một ông giáo sư giỏi có khả năng xin được dự án nghiên cứu lớn là họ có thể thu được lợi nhuận tương đương với việc tuyển sinh hàng trăm sinh viên mới.

Rõ ràng việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển để tăng thứ hạng là cách dễ dàng nhất để các trường tối đa hóa lợi nhuận.


Dù bị đánh giá là nước nghèo hơn Việt Nam nhưng Pakistan có tới 7 trường ĐH lọt top 300 này.

Dù bị đánh giá là nước nghèo hơn Việt Nam nhưng Pakistan có tới 7 trường ĐH lọt top 300 này.

Câu chuyện của Việt Nam thì sao?

Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, thứ hạng chẳng ảnh hưởng gì tới “nồi cơm” của các trường đại học nên về cơ bản các trường không có lý do gì để “chạy đua” vào các bảng xếp hạng đại học.

Về mặt tuyển sinh, các trường đại học nước ngoài thường là trường đa ngành, mỗi ngành học đều bị cạnh tranh bởi rất nhiều trường khác do đó thứ hạng là phương án hiệu quả nhất trong cạnh tranh.

Còn ở Việt Nam, các trường đại học đa số là các trường chuyên ngành, chúng ta không thấy lý do gì để ĐH Giao thông đi cạnh tranh với ĐH Thủy lợi, hay Học viện Ngân hàng đi cạnh tranh với ĐH Ngoại thương…

Có 3 trường đại học quốc gia lớn là Đại học quốc gia Hà Nội, TP. HCM và ĐH Đà Nẵng thì họ chẳng có lý gì để cạnh tranh lẫn nhau vì 3 trường nằm ở 3 vùng khác nhau, việc tuyển sinh sinh viên địa phương đã là quá đủ. May chăng sự cạnh tranh đến từ các đại học dân lập nhưng các đại học này thường quá yếu để chạy đua vào các bảng xếp hạng quốc tế.

Tuy nhiên, một số điểm sáng như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH FPT tham gia vào xếp hạng QS hay ĐH Duy Tân đầu tư rất mạnh vào giảng viên chất lượng cao và nghiên cứu khoa học đã đạt được chỗ đứng vững chắc trong thị trường giáo dục đại học cho thấy tính tất yếu của việc tham gia vào các bảng xếp hạng đại học trong tương lai.

Nguồn thu từ nghiên cứu của các trường đại học Việt Nam hầu như không có bởi vì chính sách và luật pháp gần như không cho phép các trường thu lợi nhuận từ nghiên cứu. Chính vì lẽ đó các trường không có lý do gì để thúc đẩy nghiên cứu cũng như đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động nghiên cứu.

Là một người đã từng làm quản lý khoa học tại một trường đại học ở Việt Nam, tôi thấy rằng đây là một vấn đề bất cập và dễ nảy sinh tiêu cực do đó trong tương lai tôi hi vọng chính sách khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ thay đổi và cho phép các trường được hưởng lợi nhuận trực tiếp từ các đề tài nghiên cứu. Từ đó kích thích các trường nâng cao chất lượng giảng viên và hướng đến mục tiêu cạnh tranh thứ hạng đại học.

Bài học từ đất nước Pakistan…

Chúng ta hãy quay trở lại bài học từ đất nước Pakistan, nơi còn lạc hậu và nghèo hơn chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên, quốc gia này có tới 7 trường lọt vào bảng xếp hạng của Times Higher Education cho thấy họ đang có những chính sách đúng đắn và theo đúng quy luật của giáo dục đại học thế giới.

Là giáo sư tại một đại học Hàn Quốc tôi thấy có một sự gia tăng đột biến về số lượng nghiên cứu sinh người Pakistan, và các sinh viên này khi về nước thường trở thành giáo sư các trường đại học với nhiều ưu đãi về lương bổng và điều kiện nghiên cứu.

Trong khi các sinh viên Việt Nam thường không có ý định về nước hoặc không có ý định làm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo dù rằng họ là những nhân tài đã được đào tạo ở các nước phát triển. Rõ ràng, các trường đại học Việt Nam đang có một sự khác biệt lớn về chính sách so với thế giới.

Chúng ta sẽ không bao giờ có thứ hạng dù là thấp bởi trong một cuộc chạy thi sẽ không có thứ hạng cho người không muốn chạy.

TS. Vũ Ngọc Hải

(Giáo sư khoa công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Myongji, Hàn Quốc)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm