Tại sao không phải là "con đại gia đỗ thủ khoa"?

Tại sao bao nhiêu năm nay vẫn cứ là mô-típ con nhà nghèo học giỏi. Sau rất nhiều ngẫm nghĩ, tôi ước hai điều.

Lâu nay, sau mỗi kỳ thi Olympic quốc tế hay đại học, trên các trang báo lại tràn ngập tin, bài về các tấm gương “con nhà nghèo học giỏi” như: bố mẹ sửa khóa con giành huy chương vàng quốc tế, bố mẹ ăn xin nuôi con thi đỗ thủ khoa đại học, sống 10 năm trong ống cống nuôi con thủ khoa đại học, bố mẹ phu hồ con trai đạt 2 huy chương vàng Olympic, Bố lái xe, mẹ bán thịt bò, con HCV Vật lý quốc tế, học trò nghèo quê lúa giành HCV Olympic Toán Quốc tế 2015…

Còn nhớ, báo chí từng đăng một câu chuyện rất ấn tượng về một tiến sĩ Đại học Harvard xuất thân từ một gia đình TQ rất nghèo khó. “Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi”, vị tiến sĩ này kể về đời mình.

Lễ vinh danh thủ khoa các trường
  Đại học tại Hà Nội năm 2010.

Lễ vinh danh thủ khoa các trường Đại học tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: Gdtd.vn

Tôi cũng sinh ra trong một gia đình nghèo (có lúc là đói theo đúng nghĩa đen) và khốn khổ mới học xong đại học. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi hiểu sự hi sinh thầm lặng của các bậc phụ huynh và những nỗ lực hơn người của biết bao học sinh trong các bài báo kia. Nhưng đọc xong, tôi không dứt ra khỏi được dòng suy nghĩ “tại sao bao nhiêu năm nay vẫn cứ là mô-típ con nhà nghèo học giỏi”? Và sau rất nhiều ngẫm nghĩ, tôi ước hai điều.

Một là, sẽ có ngày những tấm gương tuổi trẻ mà báo chí ca ngợi sẽ không phải chỉ là "nhà nghèo thi đỗ thủ khoa" hay "giành huy chương vàng kỳ thi quốc tế". Mà bên cạnh đó, sẽ có thêm những bạn trẻ cống hiến cho sự tiến bộ của xã hội, có phát minh, sáng chế hay làm ra các sản phẩm, dịch vụ được tín nhiệm rộng rãi trên quy mô quốc tế.

Hai là, thay vì "bố sửa khóa", "mẹ bán hàng rong" sẽ là "bố em cũng là một nhà toán học có tên tuổi", "mẹ em cũng là một nhạc sĩ tiếng tăm trong khu vực", "bố em là một doanh nhân sở hữu những công ty hàng đầu quốc gia và đang tài trợ cho nhiều dự án phát triển văn hóa cộng đồng"…

Không được phép quên xuất thân hay coi thường người khác chỉ vì xuất thân hay địa vị xã hội. Nhưng nếu mặc định xuất phát điểm thấp như một sự tự hào lặp đi lặp lại, chúng ta sẽ chẳng thể tiến lên được.

Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh khó khăn khiến con người cố gắng và tạo nên thành công. Nhưng tôi lại nghĩ, tại sao chúng ta không tư duy rằng, nếu những tài năng đó được nuôi dưỡng trong những điều kiện tốt hơn thì thành quả của họ không chỉ có vậy? Trong môi trường tốt, các tài năng đó sẽ có điều kiện để học âm nhạc, khiêu vũ, thể thao, sáng tạo văn chương nghệ thuật và tham gia các hoạt động cộng đồng thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội thay vì ngày đêm “học gạo” để thoát nghèo hay để trở thành người “thành đạt”.

Đương nhiên khát vọng cá nhân “học để thoát nghèo” hay học để có địa vị xã hội cao hơn không có gì là xấu, nhưng nếu tất cả chỉ dừng lại ở đấy thì thật lãng phí và đáng tiếc. Và không phải ai xuất thân nghèo khó cũng chỉ nghĩ đến chuyện “thoát nghèo”. Có nhiều người vẫn có khát vọng lớn lao và cuộc sống đầy nhân văn. Cũng không ai lựa chọn được xuất thân hay bố mẹ. Nhưng giá như gia đình các em không phải khổ và các em không phải chịu áp lực “áo cơm” thì tốt biết bao nhiêu.

Cũng lại trên báo chí, lâu nay mô-típ thường gặp gắn với con nhà giàu là gì? Đó là cậu ấm, cô chiêu, thiếu gia, ái nữ… với thú chơi siêu xe, sắm hàng hiệu, yêu hotgirl, nhà biệt thự… Và hẳn không ít người định kiến rằng đã là con nhà đại gia ắt học hành là thứ yếu.

Tuy nhiên, trái với tư duy thông thường cho rằng “con nhà giàu hay hư hỏng”, tôi nghĩ giàu có hay xuất thân “thượng lưu” sẽ là một điều kiện tốt tạo đà cho tài năng phát triển toàn diện và đạt đến đỉnh cao. Điều đó sẽ thành hiện thực nếu các gia đình thuộc diện này giúp con cái hiểu rằng bản thân cuộc sống phong phú và rộng lớn hơn chuyện kiếm tiền và lẽ sống của đời người không chỉ dừng lại ở việc truy tìm lợi ích vật chất của bản thân. Ở đó các tài năng ngay từ nhỏ sẽ có được môi trường tốt nhất để theo đuổi đam mê, sống cuộc đời phong phú thay vì phải vừa nỗ lực theo đuổi đam mê vừa vật lộn với gánh nặng áo cơm.

Theo Nguyễn Quốc Vương (Vietnamnet)

 

Normal

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm