Tai hại khi bố mẹ lôi con ra so sánh
(Dân trí) - Thông thường, bố mẹ tìm một tấm gương điển hình trong trường lớp, trong xóm làng để bắt con noi theo mà quên mất năng lực thực sự của các con đến đâu… Bố mẹ chạy đua thành tích chỉ vì bệnh so sánh ăn vào máu rằng "con tôi phải giỏi nhất lớp".
Trong một câu chuyện chia sẻ rất chân tình từ một cô bé 17 tuổi cạnh nhà, cháu kể rất khó chịu khi mẹ hay lên án lúc cháu nhận điểm kém. Cháu rất sợ môn ngoại ngữ, điểm số be bét làm mẹ gầm lên "có mỗi việc ăn học mà không bằng bạn A, bạn B đúng là xấu hổ". Mẹ so sánh cháu (lực học trung bình) với 2 bạn bằng tuổi học giỏi có tiếng từ bé. Cháu nhăn nhó kể khổ, rằng cháu đã cố gắng nhưng học không vào.
Chuyện này thường lặp đi lặp lại trong mỗi gia đình. Có bà mẹ khi chê con trai đã thẳng thừng giao giá "con mà học giỏi mẹ không bắt con làm việc gì hết". Thế là trong tâm trí các con đã tự mặc định, vì bố mẹ chê mình dốt nên mới bắt mình làm việc nhà. Lời khen chê dành cho các con không đúng lúc thật là tai hại. Tôi nghĩ rằng bố mẹ nên rõ ràng quan điểm con làm việc phụ giúp bố mẹ là một phần trách nhiệm khi các con đã lớn, đó cũng chính là sự quan tâm chia sẻ những khó khăn nhọc nhằn với bố mẹ mà con cần làm ngay từ khi còn nhỏ, chứ không phải "thành tài mới báo hiếu mẹ cha".
Nhiều bậc phụ huynh thường treo phần thưởng cho con ngay từ đầu năm học: nếu con đạt học sinh giỏi, được thành tích thi cử thì bố mẹ sẽ mua quần áo đẹp, xe đạp mới, đồ chơi xịn cho con. Cuối năm học, con không có giấy khen mang về thì đừng hòng trông chờ sự động viên từ bố mẹ, sẽ ngay lập tức chịu án phạt: không được đi du lịch, không được mua đồ chơi đẹp, quần áo cũ cứ thế mà mặc tiếp, xe đạp hoen rỉ, cổ lỗ sĩ vẫn đi tốt cứ thế mà đi, bố mẹ thừa sức mua đồ mới cho con nhưng cứ bắt con khổ với lý do "phải thấm cái khổ nó mới phấn đấu". Cha mẹ luôn áp đặt cái lý của người lớn vào con trẻ nhưng không hiểu, con giờ đã lớn và thời buổi này các con rất để ý tới hình thức, bản thân có đẹp mới tự tin với bạn bè. Phụ huynh thường mang thời gian khó ngày xưa ra để giáo huấn các con và thất vọng khi con ngấm ngầm chống đối.
Thông thường, bố mẹ tìm một tấm gương điển hình trong trường lớp, trong xóm làng để bắt con noi theo mà quên mất năng lực thực sự của các con đến đâu. Con được học sinh giỏi của lớp thì lại mong con phải đạt giải của trường, của huyện, của thành phố. Một em học sinh từ học lực khá nỗ lực đạt học sinh giỏi rất cần bố mẹ ghi nhận cố gắng vượt bậc của con chứ không phải là câu so sánh cửa miệng "giỏi thế đã ăn thua gì, con đã bằng bạn X, bạn Y chưa, phải học nhiều vào con ạ". Đứa con hẳn là hụt hẫng lắm, con có học ra sao cũng vẫn thua kém bạn này bạn kia, vẫn khiến bố mẹ thất vọng.
Câu chuyện so sánh con mình với con nhà khác hẳn không phải chuyện của riêng ai. Ngay gia đình tôi cũng xung đột dữ dội về quan điểm dạy con: mẹ động viên khen ngợi khi con tiến bộ, bố chê bai hết lời khi con phạm lỗi. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì, con trai tôi có nhiều lần sụt sùi nói "Ccon không thích bố, bố toàn chê con".
Chỉ vài ngày nữa năm học của các con kết thúc, có những em vui vẻ khoe giấy khen với bố mẹ, có những em sẽ ỉu xìu vì không có bất cứ phần thưởng nào. Mùa hè có khi các em chỉ được nghỉ vài ngày rồi lại hộc tốc đi học thêm. Em chưa có giấy khen, học dốt thì phải học thêm cho hết dốt. Em có giấy khen học sinh giỏi thì học nâng cao để giỏi hơn. Bố mẹ chạy đua thành tích chỉ vì bệnh so sánh ăn vào máu rằng "con tôi phải giỏi nhất lớp".
Mỹ Đức
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)