Tác giả bức thư Thủy Tinh gửi Sơn Tinh chia sẻ bí quyết học Văn

(Dân trí)-Học giỏi cả hai môn Văn và Toán, luôn giữ bảng thành tích học tập ổn định với điểm Văn 9,0 và điểm Toán 9,0, em Thùy Dương vừa đoạt giải Nhất toàn quốc viết thư UPU với bức thư Thủy Tinh gửi Sơn Tinh. “Em thích học Văn vì được thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo”.

Em Đào Thụy Thùy Dương - học sinh vừa đoạt giải Nhất toàn quốc thi viết thư UPU lần thứ 42.
Em Đào Thụy Thùy Dương vừa đoạt giải Nhất toàn quốc thi viết thư UPU lần thứ 42.

Qua báo Dân trí, em Đào Thụy Thùy Dương - học sinh lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn (Đà Nẵng) chia sẻ về niềm yêu thích học Văn và bức thư vừa đoạt giải Nhất toàn quốc viết thư UPU với chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”.

Thùy Dương cho biết, để tìm hiểu về giá trị của nguồn nước cho bài thi của mình, ngoài việc lắng nghe bài giảng của các cô giáo, về nhà, em lại lên mạng tìm đọc những kiến thức, thông tin về nguồn nước.
 
Cô bạn nhỏ chia sẻ: “Nhờ đó mà em hiểu được nguồn nước quý giá biết bao. Nước, ngay cả khi là lũ lụt, cũng mang lại lợi ích là mang phù sa về cho đất đai màu mỡ, mùa màng tươi tốt. Không có nước, cây cỏ sẽ héo khô, mà con người cũng không sống được. Hủy hoại nguồn nước cũng là hủy hoại nguồn sống của con người”…
 
Thậm chí, “Thủy Tinh” Thùy Dương viết trong bức thư gửi đến Sơn Tinh để nói về giá trị của nước với loài người: “Không có ta, thậm chí họ cũng không thể khóc được, vì không có nước mắt…”.
 
Cô học trò lớp 6 hồn nhiên chia sẻ: “Mới đầu, khi nhận được chủ đề của cuộc thi viết thư UPU năm nay là nước, em đã nghĩ là dễ dàng, vì nước rất gần gũi với con người. Nhưng khi bắt đầu làm bài thì em lại thấy khó vì không biết chọn cách nào để nói cho hết được giá trị của nguồn nước.
 
Em từng chọn cách hóa thân thành một giọt nước đi chu du khắp nơi và viết thư kể về những hành động ứng xử với nước của loài người mà giọt nước nhìn thấy. Nhưng thấy nhiều bạn cũng chọn cách này, em muốn hóa thân thành một nhân vật khác.
 
Khi đó, ở lớp, em vừa được học đến truyện Sơn Thinh - Thủy Tinh, em lại rất thích truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, thế là em muốn hóa thân thành thần nước Thủy Tinh gửi thư cho Sơn Tinh để nói lên giá trị của nước.
 
Có thể hóa thân thành giọt nước, lại có thể hóa thân thành Thủy Tinh để nói lên suy nghĩ của mình, nói về giá trị của nước. Em thích học Văn vì được thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo”.

Thùy Dương chia sẻ: Em thích học Văn vì được thỏa sức sáng tạo.
Thùy Dương chia sẻ: "Em thích học Văn vì được thỏa sức sáng tạo".

 
Nói về cô học trò của mình, cô Phạm Thị Phong - giáo viên bộ môn Văn lớp 6/10 cũng nhận xét: “Thùy Dương không học tập chăm chỉ kiểu như học ngày học đêm. Nhưng em lại rất thông minh và sáng tạo. Như trong việc học Văn ở trường, em không học theo các bài văn mẫu, mà luôn tìm cách thể hiện riêng, rất sáng tạo.
 
Đây cũng là cách mà chúng tôi muốn định hướng cho các em học sinh trong viêc học môn Văn, là khuyến khích các em sáng tạo, thể hiện cái tôi của mình bằng chính cách của mình, chứ không áp đặt. Mà để cho học trò được thể hiện mình, mới thấy các em bây giờ rất sáng tạo, như cách mà các em thể hiện qua các bài làm văn dạng mở như viết thư UPU”.

Thùy Dương và cô Phạm Thị Phong - giáo viên bộ môn Văn lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn (Đà Nẵng).
Thùy Dương và cô Phạm Thị Phong - giáo viên bộ môn Văn lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn (Đà Nẵng).

Luôn giữ bảng thành tích học tập ổn định với điểm Toán 9,0, điểm Văn 9,0, Thùy Dương "bật mí" về cách học của mình: “Em có dành thời gian khoảng 2 tiếng tự học ở nhà mỗi ngày. Nhưng nói chung thì nếu mình cứ học ngày học đêm thì cũng không tốt cho lắm. Nên ngoài giờ học, em còn chơi thể thao, như chơi bóng rổ. Em đã bắt đầu chơi bóng rổ từ năm học lớp 4. Các phong trào của lớp của trường, em đều có tham gia”.
 
Trò chuyện với chúng tôi, cô học trò lớp 6 còn bất ngờ chia sẻ: “Lớn lên, em ước mơ trở thành một thẩm phán, để có thể xét xử các vụ án một cách công minh, đem lại công bằng cho mọi người”. Ước mơ của Thùy Dương như em nói là vì em muốn được trở thành một người giống như ông của mình. Ông của Thùy Dương là một thẩm phán đã về hưu, “là người đã cho em rất nhiều bài học hay về cuộc sống xung quanh mình”.

Khánh Hiền