SV ngành công tác xã hội muốn được thực hành nhiều hơn lý thuyết
(Dân trí) - Với đặc thù ngành Công tác xã hội, các bạn sinh viên mong muốn được có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với thực tế, tích lũy kinh nghiệm và tìm hiểu nhu cầu của người dân.
Sáng nay, tại trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) diễn ra lễ Kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 18 với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam – Thách thức tính chuyên nghiệp trước nhu cầu hội nhập và phát triển”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự chương trình và phát biểu chỉ đạo. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng cần hết sức chú ý đào tạo, nâng cao kỹ năng của người làm công tác xã hội. Hãy giúp cho người nghèo, những đối tượng yếu thế để họ được học hành, lao động để đóng góp cho xã hội. Các em SV đa phần xuất thân từ nông thôn chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước nếu các em được đào tạo tốt, vì thành công của công tác xã hội sẽ xuất phát từ thành công của công tác đào tạo. Phó Chủ tịch nước gửi gắm niềm tin vào Trường ĐH Công đoàn trong vấn đề đào tạo nhân lực cho công tác xã hội của đất nước.
TS. Phạm Văn Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết nhà trường đang đẩy mạnh cải tiến việc dạy và học để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong công tác xã hội. TS. Hà mong rằng chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới sẽ là cơ hội để các SV giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập, đặc biệt thông qua hội thảo sẽ tìm ra được giải pháp hiệu quả nhằm phát huy tính chuyên nghiệp của nghề công tác xã hội trước nhu cầu hội nhập và phát triển.
Tại ngày hội này, các SV ngành Công tác xã hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Bạn Bùi Thị Đặng, SV năm cuối khoa Công tác xã hội, ĐH Công đoàn chia sẻ: “Em mong rằng ngành học của em sẽ được xã hội quan tâm nhiều hơn. Và em cũng tin rằng ngành này đang trên đà phát triển, dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động cũng như vấn đề đãi ngộ với các nhân viên trong ngành nhưng em hài lòng với con đường mình đã chọn.
Em mong muốn được giúp đỡ cho nhiều người. Thời gian tới em sẽ nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia các tổ chức xã hội quốc tế, đi tới những nơi mà người dân cần sự giúp đỡ của mình”.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc, SV năm thứ 3 khoa Công tác xã hội cho biết bạn muốn trở thành một nhà tham vấn tâm lý làm việc tại các trung tâm tư vấn, bảo vệ phụ nữ bị bạo hành.
Trong cuộc sống, Ngọc đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của phụ nữ nên Ngọc quyết tâm theo đuổi ngành học này.
Bạn Nguyễn Thị Trang, SV năm thứ 2 cùng khoa với Ngọc và Đặng, mong rằng chương trình học có thêm nhiều chuyến đi thực tế, kết hợp giữa lí thuyết và thực hành để các bạn SV tích lũy kinh nghiệm. Trang cho biết, bạn đã chủ động tham gia các tổ chức tình nguyện bên ngoài nhà trường như Đội TNV Máu tại Viện Huyết học truyền máu trung ương để học hỏi và giúp đỡ cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Cả ba bạn SV đều có chung mong muốn là nhà trường có thêm nhiều chuyến đi tìm hiểu thực tế, tăng tỉ lệ bài học thực hành nhiều hơn lý thuyết.
Mai Châm