SV lừa thầy, gạt bạn vì đa cấp “bẩn”: Tâm lý thích hưởng thụ của người trẻ?

(Dân trí) - Lừa bố mẹ hàng trăm triệu đồng đi du học, lôi kéo bạn bè, không ít sinh viên lao vào đa cấp "bẩn" ngoài sự nhẹ dạ còn xuất phát từ tâm lý hưởng thụ, mộng làm giàu nhanh chóng.

Các cơ quan chức năng tại TPHCM đang vào cuộc liên quan đến sự việc nhiều sinh viên (SV) vướng vào đường dây đa cấp bất chính "Team khởi nghiệp 360".

Khi vướng vào đây, không ít SV đã lừa bố mẹ trúng tuyển du học xin hàng trăm triệu đồng, có người đi vay mượn, cầm cố xe...

Đưa hào nhoáng bên ngoài "câu" sinh viên 

Đại diện Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam chia sẻ, SV không phân biệt được hoạt động đa cấp bất hợp pháp, lại bị hào nhoáng bên ngoài của các đối tượng lừa đảo tung ra để dẫn dụ. 

SV lừa thầy, gạt bạn vì đa cấp “bẩn”: Tâm lý thích hưởng thụ của người trẻ? - 1

Sinh viên tham dự tọa đàm về nhận biết đa cấp bất chính tại TPHCM 

Các tổ chức đa cấp bất chính thường tổ chức các sự kiện vinh danh rầm rộ, thưởng những khoản hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng "đánh" vào niềm tin mình cũng làm được của người khác, đầu tư nhiều tiền để nhanh chóng thành công. Trong khi, các thông tin này thực chất đều là giả tạo. 

Các đối tượng thường nói quá về cơ hội làm giàu nhanh chóng, vẽ ra những cảnh tượng giàu sang, những tấm gương làm giàu cho đến cách ăn mặc hào nhoáng, đưa những lời hứa hẹn để "câu" SV. 

Luật sư Võ Đan Mạch cho biết, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, nhu cầu xin việc của SV, khát vọng làm giàu nhanh chóng, các tổ chức này tung ra những chức danh cao cấp, những chuyến du lịch sang chảnh để dẫn dụ các bạn trẻ tham gia vào mạng lưới đa cấp bất chính. 

Trước viễn cảnh hào nhoáng, nhiều bạn bỏ hết vốn liếng, huy động tiền từ gia đình, người thân, cầm cố đồ đạc, thậm chí vay nặng lãi để dồn vào những dự án "bánh vẽ" được người khác vẽ ra. 

Về việc SV rất dễ bị bởi những hào nhoáng bên ngoài, một giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho hay, chưa khi nào mà người trẻ mù quáng chạy theo hình thức bên ngoài như lúc này.

Các bạn đánh giá mọi thứ qua nhà đẹp, xe sang, những chuyến du lịch xa xỉ trong và ngoài nước, có khi xem đây là mục tiêu của cuộc đời.

Thấy nhiều người, có khi là hình ảnh khoe trên mạng, nhiều bạn trẻ nóng lòng, đôn đốc mình cũng phải làm được. Từ nền tảng giá trị đó, nên không lạ khi thấy ai đó mở cho mình cơ hội thì... họ lao vào ngay.

Tâm lý thích hưởng thụ 

Điều mọi người băn khoăn, không lý giải nổi là vì sao SV lại có thể dễ bị dụ, bị lừa đến mức... phải nói là biến dạng nhân cách, đạo đức đến mức lừa thầy, gạt bạn như vậy?

Hầu hết, các bạn bị dẫn dụ vào đường dây đa cấp bất chính là SV năm nhất, vừa rời gia đình vào thành phố nên nhẹ dạ cả tin. 

SV lừa thầy, gạt bạn vì đa cấp “bẩn”: Tâm lý thích hưởng thụ của người trẻ? - 2

Một sinh viên tại TPHCM theo đường dây đa cấp bất chính gần 3 năm chia sẻ về những tháng ngày chỉ quan tâm đến việc đi... lôi kéo người khác

Thế nhưng, sâu xa xuất phát từ việc, nhiều bạn trẻ có tâm lý thích hưởng thụ, muốn làm giàu nhanh chóng mà không phải đổ nhiều công sức, thời gian.

Phải nói, chưa khi nào các khóa học triệu phú, làm giàu trong chớp mắt, làm giàu không khó... lại nở rộ và lôi kéo nhiều bạn trẻ như lúc này. 

Theo luật sư Võ Đan Mạch, các đối tượng đa cấp bất chính tung các chiêu quảng cáo dưới hình thức truyền cảm hứng làm giàu nhanh chóng.

Do họ nắm được mong muốn nôn nóng khởi nghiệp, chứng tỏ bản thân và đặc biệt là tâm lý thích hưởng thụ của các bạn trẻ để tung các chiêu quảng cáo dưới hình thức truyền cảm hứng làm giàu nhanh chóng.

PGS. TS Võ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM bày tỏ, hiện trên con đường lập nghiệp, nhiều bạn trẻ có tư tưởng xem nhẹ việc học, cho rằng không cần học, không cần khổ luyện vẫn có thể thành công, làm giàu là điều rất đáng lo ngại.

Trong khi, con đường thành công, thực hiện ước mơ với bất kỳ ai cũng rất gian nan, chông gai, phải đổ nhiều công sức, tâm sức. 

Việc giáo dục các bạn trẻ về giá trị của lao động, học tập, của đồng tiền, về kỹ năng, phân tích vấn đề... theo các chuyên gia phải được chú ý ngay từ gia đình, trong nhà trường.

Nhất là với SV năm nhất, các em rất cần được các trường trang bị các kiến thức, kỹ năng để tránh bị lừa, để sống và làm việc theo pháp luật và đạo đức.

Còn không, chúng ta sẽ có những người trẻ "bay bổng", "mộng du", phải nói là méo mó về mặt nhân cách trên con đường vào đời khi sẵn sàng lừa bố mẹ, người thân, bạn bè...

Nói như TS Lê Cao Thanh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, việc SV lao vào đa cấp bất chính và phát triển mạng lưới này kéo theo sự suy đồi về đạo đức không chỉ trong kinh doanh mà là chính đạo đức làm người. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm