SV khốn khó thời bão giá hậu Tết

(Dân trí) - Sau Tết nguyên đán, giá phòng tăng, điện nước cũng ồ ạt lên giá đã làm cho cảnh sống của không ít sinh viên rơi vào tình trạng khó khăn nhiều bề…

Tính toán từng bữa ăn 

Bữa cơm đối với sinh viên (SV) đã đơn giản nay lại càng đơn giản hơn, nhiều SV đã cắt giảm bữa ăn của mình đến mức không thể giảm hơn nữa. Trọ trên đường Hùng Vương (TP Đà Nẵng), Tuấn - SV năm 2 trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng tâm sự: Mỗi tháng ba mẹ cho 900 ngàn phải dành hơn 450 ngàn trả tiền trọ còn lại là ăn uống, chi tiêu, học tập, vì vậy tháng nào Tuấn cũng tranh thủ đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Vậy nhưng từ ngày ra đây học đến giờ chưa bao giờ Tuấn dám ăn bữa sáng quá “xông xênh”, bữa thì nắm xôi, bữa thì gói mỳ tôm, bữa nào sang lắm thì cũng chỉ cái bánh mì kẹp thịt, có khi cả tuần ngủ dậy uống cốc nước lọc rồi đến lớp. Giờ đây, để có cái bánh mì thịt ăn sáng đối với những SV như Tuấn quả là một vấn đề không đơn giản vì giờ đây mỗi cái bánh cũng đã nhúc nhích tăng thêm vài ngàn đồng.

SV khốn khó thời bão giá hậu Tết - 1
Thực phẩm mà sinh viên hướng đến chủ yếu là rau xanh.

Còn với Phương và Linh - SV ĐH SP Đà Nẵng, vấn đề này lại càng nan giải, “đặc sản” quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của các em là rau, đậu chiên với nước mắm, lâu lâu được thêm bữa cá không vài lạng thịt gà công nghiệp (5.0000/lạng). Còn gần tuần nay, hai bạn phải thực hiện kế sách “cơm nóng buổi trưa cơm chiên buổi chiều”. Phương thật thà: “Buổi trưa bọn em cắm nhiều cơm hơn một tí tối về chiên cơm nguội lên ăn đỡ tốn tiền mua thức ăn”. Còn Linh hài hước nói thêm: “Một bó rau cải cũng tăng đến 8 ngàn, thịt lợn, thịt gà cũng rục rịch chen chân để tăng, ăn như thế này bọn em vừa tiết kiệm được tiền ăn lại vừa giảm eo hiệu quả”.

Đến với khu nhà trọ phía sau trường ĐH SP Đà Nẵng vào giờ nấu ăn mới thấy được sức càn quét của cơn bão giá thật khủng khiếp, bữa ăn hầu như chỉ có dĩa rau là chính, ai sang thì có thêm dĩa trứng hoặc gan xào, có người cả tháng không biết mùi vị của miếng thịt.

Nhìn vào mâm cơn đạm bạc chỉ có dĩa trứng rán một ít mướp đắng xào và nồi canh rau muống cho ba người ăn, Thu Huyền - SV ĐH SP Đà Nẵng ngậm ngùi: “SV bọn em khổ quá anh à, đến ăn uống cũng phải bỏ bữa thì lấy sức đâu mà học. Bình thường 3 chị em chỉ cần 25 ngàn một ngày là đã có bữa ăn đầy đủ vậy mà nay bỏ vào thêm hơn 10 ngàn nữa cũng chẳng cải thiện hơn là mấy, bữa nay ăn thì ngày mai lại phải nhịn”.

Ngay cả những SV “trung thành” với cơm quán thì nay cũng sắm sửa xoong nồi vào bếp, nhiều bạn còn tiết kiệm bằng cách góp gạo thổi cơm chung. Trung - SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng trọ trên đường Ngô Thì Nhậm vừa chiên đậu phụ vừa tâm sự: “Trước đây đi ăn người ta còn cho cơm thêm chứ hôm nay muốn ăn thêm một chén cơm cũng phải trả 2 ngàn, thức ăn thì lèo tèo vài cọng rau chưa ăn đã hết, con trai bọn em làm sao chịu nổi, thôi thì về nhà nấu thêm cơm ăn cho chắc dạ”.

SV khốn khó thời bão giá hậu Tết - 2
Bữa cơm đơn sơ của sinh viên.

Thắt lưng buộc bụng thời bão giá

Ngoài những thứ bất di bất dịch không thể cắt giảm như tiền trọ, điện nước hay học phí, các SV phải giảm chi phí bữa ăn và nhu cầu cá nhân hàng ngày. Đối với họ, quà vặt hay mua sắm quần áo giày dép chỉ là chuyện của ngày qua.

Toàn -  SV ĐH kiến trúc Đà Nẵng trọ ở đường Núi Thành than thở: “Chiếc bánh bao giờ cũng lên 5 ngàn một cái, nhiều lúc học khuya đói cũng đành chấp nhận nhịn cho qua”.

Các chợ đêm SV nay cũng trở nên heo hút người mua kẻ bán, một số mặt hàng được xem là có nhu cầu lớn như quần áo hàng xả - mặt hàng SV ưa chuộng cũng xếp xó thành đống. Chị Phương - một tiểu thương bán ở chợ đêm Hòa Khánh cho biết: “Từ ngày mọi thứ lên giá đến giờ đặc biệt những ngày sau Tết nguyên đán này mình cũng khổ theo, ai cũng đến để xem rồi mặc cả là chính”.

SV khốn khó thời bão giá hậu Tết - 3
Lưỡng lự khi đứng trước hàng thịt và cá.

Không chỉ tiết kiệm chi tiêu trong việc ăn ở, các cô cậu SV còn phải cắt giảm cả khoản “tình phí”. Bạn Phú - SV ĐH Duy Tân Đà Nẵng có bạn gái học ĐH Sư phạm tâm sự: “Ngày trước cách một hai ngày, mình lại đến chở bạn gái đi chơi ăn chè uống nước giờ một tuần mình mới đến, vì không kiếm đâu được 20 ngàn đổ xăng lên đón bạn gái đi dạo, nhiều lúc thấy bực nhưng đành chấp nhận”.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ Hòa Khánh, chợ Cồn, chợ Hàn, các tiểu thương cho hay tình trạng tăng giá như hiện nay có thể kéo dài hết tháng giêng. Như vậy, SV vẫn còn phải ăn tiêu dè xẻn chờ cho cơn bão giá đi qua.

Bài, ảnh: Đỗ Luyến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm