Suất học bổng đáng nhớ của nữ thủ khoa ngành ngôn ngữ khó bậc nhất thế giới
(Dân trí) - Nguyễn Thị Ngọc Quyên (SN 2001) là thủ khoa đầu ra ngành ngôn ngữ Ả Rập - Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngọc Quyên tốt nghiệp với điểm số 3.87/4.0, cao nhất ngành ngôn ngữ Ả Rập - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nữ sinh Hà Nội có vinh dự là một trong 100 thủ khoa trong lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2024.
"Em cũng không quá bất ngờ với kết quả này vì vị trí thủ khoa đầu ra đã là mục tiêu của em khi mới bước chân vào trường. Khi đứng trên bục nhận danh hiệu này, em cảm thấy hạnh phúc khi những nỗ lực và cố gắng trong suốt 4 năm đại học đã được đền đáp", Ngọc Quyên chia sẻ.
Yêu và mến đất nước, con người Ả Rập
Nhờ vào thành tích học tập xuất sắc của mình, Ngọc Quyên là một trong 4 sinh viên đại diện Việt Nam nhận học bổng toàn phần học tập một năm tại Qatar do Trường Đại học Qatar tài trợ.
Đối với Quyên, cơ hội được trải nghiệm trực tiếp một đất nước mà em đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa là vô cùng quý giá. Trước đây chưa từng được chứng kiến nước họ tận mắt, nhưng giờ đây cơ hội được đặt chân đến và khám phá trực tiếp là điều mà Quyên luôn mong đợi.
"Trong suốt một năm sinh sống tại Ả Rập, em đã được khám phá nhiều nét văn hóa đặc biệt của họ. Sự thân thiện, dễ mến và hiếu khách của người dân nơi đây, một điều khiến em nhận thấy sự tương đồng sâu sắc với con người Việt Nam.
Những trải nghiệm về các lễ hội, nghi lễ truyền thống, cùng sự nhiệt tình của bạn bè đã giúp em dần hiểu sâu hơn về văn hóa Ả Rập. Những bữa cơm truyền thống mà bạn bè mời em đến, những kiến thức mới mẻ được chia sẻ, đã hun đúc trong em một tình yêu ngày càng sâu đậm với vùng đất và con người này", Quyên nhớ lại.
Nữ sinh cho biết điều làm em ấn tượng nhất chính là thời điểm được tham gia tháng Ramadan của người Ả Rập. Đây được xem là tháng linh thiêng nhất trong năm đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới. Trong tháng này, họ sẽ thực hiện một số nghi thức tôn giáo đặc biệt, bao gồm nhịn ăn, cầu nguyện và thực hành lòng nhân ái.
May mắn của Ngọc Quyên là được du học vào thời điểm đặc biệt linh thiêng này. Nữ sinh cho dù đã được học và nghe giảng về văn hóa này của họ, nhưng khi được tận mắt chứng kiến, em lại thấy rất kì diệu.
"Khi tiếng đại bác báo hiệu thời gian nhịn ăn đã kết thúc, mọi người từ khắp nơi ồ ạt vào quán ăn và nhà hàng. Ở tháng này, em còn được trải nghiệm tham quan và cầu nguyện ở thánh đường của họ", nữ sinh chia sẻ.
Một năm đi du học đã giúp Ngọc Quyên được hiểu biết thêm về văn hóa và con người bản xứ. Những trải nghiệm này đã giúp nữ sinh có cái nhìn rõ nét hơn về ngôn ngữ mà em đang học. Sau khi đi du học trao đổi trở về, Quyên cho biết mình đã tự tin giao tiếp hơn, kỹ năng nghe nói đã được cải thiện nhiều hơn.
Ngoài được học bổng du học trao đổi của Đại sứ quán Qatar, Ngọc Quyên còn giành giải nhì trong cuộc thi hùng biện tiếng Ả Rập do Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Việt Nam kết hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, cuộc thi hùng biện tiếng Ả Rập lớn nhất thế giới Qatar Debate 2023 được tổ chức tại Oman...
Chọn học một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới
Năm 2019, khi bắt đầu quá trình lựa chọn ngành học, Ngọc Quyên vô tình đọc được thông tin chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Ả Rập của Trường Đại học Ngoại ngữ. Vì tò mò với cụm từ "một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới" mà nữ sinh dần bị cuốn vào văn hóa và con người Ả Rập.
Theo Viện Dịch vụ Đối ngoại Hoa Kỳ (FSI), ngôn ngữ Ả Rập là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới bên cạnh tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Quảng Đông (Trung Quốc),... Các chuyên gia đánh giá người học trung bình sẽ mất 1.69 năm (88 tuần) và 2.200 giờ học để trở nên thành thạo.
Ngoài ra, ngôn ngữ Ả Rập cũng là ngôn ngữ không quá phổ biến ở nước ta. Vì vậy, nếu người học có mong muốn và nhu cầu học tiếng thì phải tự học hoặc tìm kiếm một số cơ sở dạy tiếng.
Hiện nay, tại Việt Nam, ngành ngôn ngữ Ả Rập hay Ả Rập học đang được đào tạo tại hai trường đại học duy nhất: Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi quyết định học ngôn ngữ Ả Rập, Quyên cho biết bố mẹ ủng hộ em hết mực: "Bố mẹ luôn ủng hộ và tin tưởng em bằng cách khuyến khích em theo đuổi đam mê và lựa chọn của riêng mình. Khi biết tin em trở thành thủ khoa tốt nghiệp, bố mẹ em là người hạnh phúc và tự hào nhất vì em đã thành công theo cách mà chính bản thân em mong muốn".
Trong 4 năm đại học, Ngọc Quyên mất hơn một năm học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19. Việc học chỉ qua màn hình máy tính, không có sự tương tác giữa người học và người dạy đã khiến Quyên bị chới với và "hụt hơi" khoảng thời gian đầu.
"Dù bảng chữ cái tiếng Ả Rập chỉ có 28 chữ cái, nhưng vị trí của từng chữ cái trong một từ lại ảnh hưởng rất lớn đến cách viết và hình thái của từ. Chính vì vậy, khi mới bắt đầu học tiếng Ả Rập, em gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ bảng chữ cái, cách viết và ý nghĩa của các từ", Quyên nói.
Ngọc Quyên bày tỏ đôi lúc em cũng cảm thấy nản lòng khi học tiếng Ả Rập. Nhưng Quyên ngẫm lại yếu tố quyết định sự thành công của người học ngôn ngữ là tính kiên trì và quyết tâm của họ: "Bởi lẽ không có ngôn ngữ nào là học ngày một, ngày hai đã thành thạo. Đó là cả một quá trình ôn luyện, học tập và mài dũa với ngôn ngữ đó".
Để không mắc phải tình trạng mất gốc, mỗi ngày Ngọc Quyên đều dành thời gian để ôn tập từ vựng và ngữ pháp. Việc đầu tư nhiều thời gian và công sức khi học ngôn ngữ chính là bí quyết để giúp người học có thể chinh phục được nó, dù cho nó có là tiếng khó học nhất thế giới.
Nữ sinh cho biết kho tàng từ vựng của tiếng Ả Rập là vô cùng đồ sộ khi có đến hơn 12 triệu từ vựng: "Ví dụ như có hàng trăm từ dùng để chỉ và miêu tả con lạc đà trong tiếng Ả Rập. Vì vậy em gặp khá nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ nghĩa của từ và nắm bắt ngữ cảnh sử dụng chính xác của các từ này".
Nhưng với Ngọc Quyên, càng học và đào sâu về thứ tiếng này, nữ sinh lại càng cảm thấy hứng thú hơn. Em dành nhiều thời gian để tìm tòi dù cho tài liệu về ngôn ngữ này tại Việt Nam là khan hiếm. Nhờ vậy, nữ sinh tốt nghiệp với điểm số cao nhất ngành.
Chia sẻ về dự định tương lai, Ngọc Quyên cho biết mình sẽ tiếp tục gắn bó với thứ tiếng này. Không chỉ là về ngôn ngữ, mà nó còn là về đất nước, văn hóa và con người Ả Rập.
"Hy vọng trong tương lai, tiếng Ả Rập sẽ không còn là một ngôn ngữ ít phổ biến tại Việt Nam. Em mong muốn mọi người sẽ đón nhận và yêu thích Ả Rập như những ngôn ngữ khác để những bạn yêu thích tiếng như em có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn", Quyên bộc bạch.