Bạn đọc viết:
Sự thiệt thòi của giáo viên dạy hợp đồng
(Dân trí) - Cùng làm nhiệm vụ giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, họp hành như nhau nhưng giáo viên dạy hợp đồng trường chịu rất nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp trong biên chế...
Giáo viên (GV) dạy hợp đồng trường là những người chưa được tuyển dụng chính thức nhưng các trường phổ thông có nhu cầu tạm thời nên được mời giảng dạy trong một số thời gian nhất định. Chính vì “tạm thời”, “trước mắt” nên thiệt thòi trước tiên với họ là đa số những GV dạy hợp đồng sẽ không được nhà trường đóng cho các loại bảo hiểm, trong đó kể cả bảo hiểm y tế. Mà đây được xem là “lá bùa hộ mệnh” khi chẳng may “trái gió trở trời” sẽ có lợi cho người bệnh rất nhiều trong tình hình viện phí ngày càng tăng cao như hiện nay. Nhưng đó chỉ là thứ “xa xỉ” với nhiều GV dạy hợp đồng trường.
Ngoài ra, GV dạy hợp đồng trường thường “có lương” rất là thấp. Hàng tháng họ nhận lương theo số tiết được giảng dạy, hiện nay chỉ khoảng trên 20.000đ/tiết dạy một chút nên trung bình họ nhận được khoảng hơn 1 triệu đồng một tháng. Có trường “thương tình” thì khi tham gia những buổi họp hành sẽ được tính cho một vài tiết gọi là chi phí xăng xe. Còn không thì họ vẫn phải tham gia đầy đủ. Như vậy, đời sống của GV hợp đồng sẽ chẳng bao giờ được đảm bảo mà thường là phải nhận thêm “lương từ gia đình” mới đủ sống. Dù lương thấp nhưng cách để họ nhận lương cũng “khác” so với GV chính thức. GV chính thức đến đầu tháng chỉ an tâm lên thủ quỹ ký tên và nhận tiền. Còn GV dạy hợp đồng họ không được “hạnh phúc” như vậy. Họ phải thống kê số tiết đã dạy được trong tháng rồi nhờ tổ trưởng chuyên môn xác nhận. Kế đó nộp cho kế toán rồi đợi tính toán sau đó mới đợi nhận tiền.
Mặc dù lương thấp nhưng phần lớn các hoạt động của trường từ chuyên môn đến hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các cuộc họp… thì GV hợp đồng đều phải tham gia. Nếu không sẽ bị nhận xét thiếu nhiệt tình, tích cực… Dù cho những công việc mà họ tham gia sẽ chẳng được cộng thêm tiết để nhận thêm tiền vào cuối tháng. Chưa kể nếu tổ chuyên môn có việc gì đó chẳng hạn: sơ kết, tổng kết, lễ hội… thì họ vẫn tham gia và đóng góp “cổ phần” như bao GV chính thức khác dù cho thường là 50%. Nếu không tham gia sẽ bị xem là sống không hòa đồng cùng anh em trong trường, trong tổ…
Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là những điều GV hợp đồng lo lắng nhất vì họ biết đã mang danh dạy hợp đồng thì sẽ phải chấp nhận nhiều thiệt thòi. Mà sự quan tâm nhất của họ chính là tương lai công việc bấp bênh, không được ổn định nên dù cho bên ngoài cười nói vui vẻ khi đến trường, lên lớp giảng dạy nhưng trong thâm tâm họ vẫn luôn trĩu nặng một điều đó là ngày mai đến trường có còn được kí hợp đồng nữa không? Có còn được đứng trên bục giảng để giảng dạy nữa không? Đó luôn là những câu hỏi canh cánh trong lòng mà chỉ có những GV hợp đồng mới hiểu được và biết được.
Qua đó, để thấy GV dạy hợp đồng họ cũng phải chịu nhiều áp lực về công tác giảng dạy: chấm bài, vào điểm, cập nhật các loại sổ sách kể cả trên sổ và trên mạng, rồi cũng phải làm rất nhiều công việc khác. Nhưng họ lại chịu nhiều nỗi thiệt thòi hơn so với đồng nghiệp chính thức. Mong rằng lãnh đạo ngành giáo dục, các trường nếu đã nhận GV dạy hợp đồng thì cần quan đến đối tượng này nhiều hơn nữa. Tối thiểu cũng tạo cho họ có được tấm thẻ bảo hiểm y tế để phần nào bù đắp những thiệt thòi cho công sức họ phải bỏ ra chỉ vì tình yêu nghề, yêu học sinh mà họ sẵn sàng chịu sự thua thiệt để được đứng trên bục giảng.
Quang Châu
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!