Sự kiên trì là “chìa khóa” của thành công
Trong suốt cuộc trò chuyện hơn 2 tiếng đồng hồ của các chuyên gia đến từ IvyPrep Education và chị Phan Thị Hồ Điệp - mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam xoay quanh chủ đề “Tài năng là thiên phú hay quá trình”, đều có chung nhận định, sự kiên trì chính là “chiếc xe” chở bạn đến với thành công trong cuộc sống.
Thành công chỉ đến từ nỗ lực
Mở đầu cuộc trò chuyện với gần 300 phụ huynh học sinh tại Hội thảo “Tài năng là thiên phú hay quá trình” do IvyPrep Education đã tổ chức ngày 10/12, bà Nguyễn Thị An Quyên - Giám đốc điều hành hệ thống IvyPrep Education cho biết, nhiều phụ huynh cho rằng, mỗi đứa trẻ thành công đều do tố chất, do nền tảng.
Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các tấm gương thành công đều đến từ một công thức chung: Đó là sự nỗ lực và rèn luyện bền bỉ.
Tại IvyPrep Education, trong suốt 15 năm qua, chúng tôi đã đào tạo hàng nghìn học viên và có cơ hội nhìn thấy thành công của các em. Có nhiều bạn học sinh với xuất phát điểm rất bình thường, thậm chí gia đình còn không tin bạn có thể đi du học thành công, nhưng các em đã đạt được các suất học bổng giá trị để đi du học tại Mỹ.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu thần kinh học hiện đại của Tiến sỹ Douglas Fields - Giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Thần kinh Phát triển tại Viện Y học Quốc gia Bethesda ở Maryland (Hoa Kỳ) và nghiên cứu trực tiếp ở những cái nôi đào tạo tài năng trên thế giới, các nhà khoa học đã tìm ra sự phát triển của các chất bọc sợi thần kinh – gọi là myelin và trong não bộ những người thành công có hàm lượng myelin cao hơn so với người bình thường. Myelin là yếu tố căn bản làm nên sự khác biệt giữa kỹ năng kiệt xuất và kỹ năng tầm thường.
Theo bà Quyên, tập luyện sẽ kích thích sự phát triển của vỏ bọc sợi thần kinh myelin, giúp phát triển kỹ năng. Đồng thời, tập luyện, khổ luyện là điều thiết yếu về mặt thần kinh học và mặt sinh học để hình thành kỹ năng kiệt xuất, còn gọi tài năng.
Lượng myelin trong não không cố định từ khi con người được sinh ra, mà có thể được chúng ta ươm trồng và bồi dưỡng. Yếu tố nổi bật trong dự báo thành công của con người không đơn thuần là trí thông minh, sắc đẹp mà còn là lòng kiên trì, là sự bền bỉ. “Sự bền bỉ mới chính là chìa khoá của sự thành công. Không phải một ngày, một tuần, một tháng hay một năm mà trong nhiều năm liền bạn không ngừng nỗ lực, cố gắng làm việc để đạt được mục tiêu của mình” - bà Quyên nhấn mạnh.
Bà Quyên cho rằng, để có thể ứng dụng thành công công thức tài năng cho trẻ, đòi hỏi phụ huynh có một sự hiểu biết sâu sắc cũng như sự đồng hành với con ngay từ sớm. Không chỉ tập cho trẻ lòng kiên trì mà chính bản thân phụ huynh cũng nên rèn sự bền bỉ trong quá trình nuôi dạy và giáo dục con cái.
Trên hành trình đi đến thành công, kiến thức và kỹ năng là những nhân tố đòi hỏi có sự nỗ lực và rèn luyện không ngừng. Đó cũng là trọng tâm trong triết lý giáo dục của IvyPrep – Triết lý 10.000 giờ.
“Theo nghiên cứu, những người muốn trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó cần có 10.000 giờ luyện tập. Chẳng hạn, mỗi ngày bạn dành khoảng 2 giờ đồng hồ để luyện tập thì sau khoảng 8 năm bạn sẽ thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Mỗi một người sẽ chỉ thành công trong một lĩnh vực nhất định nếu như rèn luyện sớm, có chủ đích và kiên trì, bền bỉ” - bà Quyên tiếp lời.
Ươm mầm hạt giống tài năng
Chia sẻ từ câu chuyện thực tế, trong cách nuôi dạy cậu bé “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, chị Phan Thị Hồ Điệp khẳng định, không phải Nam sinh ra đã là “thần đồng” cũng như hoàn toàn không có tố chất nổi bật khác thường. Tất cả là do sự nỗ lực rèn luyện.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đã từng bất ngờ, kinh ngạc, tự hào trước bảng thành tích đồ sộ của Nam bao nhiêu thì chắc chắn ta sẽ còn khâm phục mẹ Nam bấy nhiêu khi được biết những công việc mà chị Phan Thị Hồ Điệp thường xuyên áp dụng từ khi Nam còn nhỏ.
Chị Điệp kể, chị đã áp dụng phương pháp giáo dục sớm đối với Nam. Khoảng thời gian Nam 5 tuổi, chị đã bắt đầu bằng việc luôn luôn trò chuyện và thông qua các trò chơi để dạy Nam học, ví dụ tìm từ không cùng loại, tìm điểm khác biệt giữa hai hình ảnh, tìm mê cung… Cách làm đó sẽ làm cho tư duy về mặt ngôn ngữ của bạn nhỏ được phát triển, đồng thời giúp tích lũy vốn từ được tốt hơn.
Theo chị Điệp, “người thầy” đầu tiên của mỗi đứa trẻ chính là cha mẹ. Giáo dục từ gia đình rất quan trọng, ở gia đình nào, bố mẹ hay trò chuyện và chơi với con thì những bạn ấy vui vẻ hơn, tự tin hơn, trò chuyện giao tiếp với mọi người tốt hơn, vốn ngôn ngữ tốt hơn.
Việc bắt đầu giáo dục sớm, cũng sẽ tạo cho đứa trẻ tinh thần ham học hỏi, dẫn dắt đứa trẻ trong quá trình học tập say này. Tuy nhiên, phải tạo tâm lý thoải mái cho trẻ bởi nếu ngay từ điểm xuất phát, trẻ cảm thấy học là một gánh nặng, thì sẽ không có sự say mê và niềm vui trong học tập.
Đặc biệt, trong quá trình Nam học cấp 1, Nam phải thực hiện các bước luyện tập nhắc đi nhắc lại và luyện tập chuyên sâu, luyện tập khó. Trong đó, việc nhắc đi nhắc lại được áp dụng nhiều nhất trong học tiếng Anh.
Để tránh học “vẹt”, trong quá trình học của Nam mọi quá trình đều diễn ra chậm rãi, từ từ, điềm đạm, không vội vàng. Nam hay có lộ trình 3 tháng, 6 tháng để thực hiện một mục tiêu, ví dụ học một giáo trình, tham gia một kỳ thi chuẩn hóa quốc tế và nếu không đạt được số điểm như mong muốn sẽ lại quay lại học từ đầu.
Việc xây dựng cho con một mục tiêu bao gồm ngắn hạn và dài hạn là cực kỳ quan trọng. Dù con bắt đầu ở độ tuổi nào, bạn cũng nên làm điều này. Mục tiêu ngắn hạn đối với Nam đó là mỗi một ngày, vào buổi sáng hôm nay hoặc buổi tối ngày hôm trước con sẽ đề ra những mục tiêu của ngày hôm nay, mục tiêu ấy có thể rất nhỏ như sẽ mỉm cười với mọi người, sẽ giao tiếp tốt hơn, sẽ nói lời cảm ơn khi mẹ nấu ăn hay mục tiêu học được 20 từ mới, nới được 1 bài thuyết trình… Kết thúc mỗi ngày, sẽ ngồi và kiểm điểm lại xem những gì mình thực hiện và không thực hiện được, khó khăn ở đâu…
Điều này đã được chị Điệp duy trì cho Nam từ khi học lớp 1 đến khi lớn, du học bên Mỹ. Việc đặt mục tiêu giúp nhìn nhận rõ ràng hơn, để biết những việc chúng ta cần làm. “Để thành công cần sự kiên trì và đam mê, ngay ở các bậc phụ huynh. Khi chúng ta định làm điều gì, hãy kiên nhẫn và chỉ sau 6 tháng không hiệu quả, thì mới chuyển sang việc khác. Các bố mẹ hãy là một tấm gương cho con, thông qua những việc bạn làm, chỉ cần đứa trẻ cảm thấy sự tâm huyết của bạn, đứa trẻ cũng thay đổi” - chị Điệp bày tỏ.
Có thể thấy rằng, mọi lý thuyết dù có đúng đắn bao nhiêu đi nữa sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả thực sự nếu không được chúng ta áp dụng chúng một cách kiên trì. Kiến thức, kỹ năng mỗi người đều dễ dàng để có qua rất nhiều tài liệu. Nhưng điều quý giá nhất là những kiến thức đó được thực hiện mỗi ngày.
Một bà mẹ trẻ ở Việt Trì, Phú Thọ tham gia hội thảo chia sẻ, cũng như nhiều ông bố, bà mẹ khác, mình mong muốn con có một tương lai tốt đẹp, trước hết con phải sống là một người tốt, tử tế và có tri thức, phát huy được khả năng, để có một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng mình và rất nhiều những ông bố bà mẹ ngoài kia, liệu đã thực sự đầu tư thời gian cho con để “gieo” những điều tốt đẹp một cách kiên trì bằng tình yêu thương của mình….
Bà Nguyễn Thị An Quyên - Giám đốc điều hành hệ thống IvyPrep Education: Phần lớn mọi người quan niệm năng lực là yếu tố bị giới hạn với từng cá thể.
Yếu tố này được quyết định bởi gen di truyền, tác động của môi trường sống, và vì thế cá nhân họ sinh ra để làm một việc nhất định trong đời sống thay vì chọn được con đường theo như mong muốn của mình. Tuy nhiên, năng lực của con người hoàn toàn có thể thay đổi được qua nỗ lực luyện tập.