Sử dụng công nghệ trong gia đình để cải thiện giao tiếp của trẻ

Minh Hiếu

(Dân trí) - Công nghệ có ảnh hưởng lớn đến trẻ em, đặc biệt là những trẻ đang trong độ tuổi học hỏi và phát triển khả năng giao tiếp.

Sử dụng công nghệ trong gia đình để cải thiện giao tiếp của trẻ - 1

Công nghệ có thể giúp cải thiện kỹ năng nói và ngôn ngữ. (Ảnh minh họa: Moms)

Tương tác trực tiếp giữa người với người chắc chắn là phương pháp được ưu tiên khi muốn dạy trẻ kỹ năng ngôn ngữ, nhưng giao tiếp không chỉ là nói chuyện. Học cách lắng nghe, ngôn ngữ cơ thể, đọc và viết cũng là các hình thức giao tiếp quan trọng.

Cải thiện kỹ năng nói và ngôn ngữ của trẻ bằng công nghệ

Không nhất thiết phải có bất kỳ sự giảng dạy hoặc đào tạo nào, trẻ cũng có khả năng tự học các kỹ năng ngôn ngữ nhanh chóng. Theo Hiệp hội Ngôn ngữ học Hoa Kỳ, trẻ tiếp thu ngôn ngữ thông qua tương tác, không chỉ với cha mẹ, những người lớn xung quanh mà còn với những đứa trẻ khác.

Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu gia đình sẽ bị động học tập cách giao tiếp và tương tác qua những cuộc hội thoại chúng được tiếp xúc hàng ngày với người thân. Công nghệ cũng có thể đóng góp một phần trong đó, ví dụ: máy tính bảng, điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác mà cha mẹ cho con tiếp xúc. Có rất nhiều ứng dụng giúp hỗ trợ phát triển khả năng nói và ngôn ngữ của trẻ.

Tất nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi nội dung con tiếp xúc cũng như thời gian sử dụng thiết bị của trẻ, ngay cả khi con dùng các ứng dụng học tập.

Một hình thức công nghệ khác có thể trợ giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp ở trẻ chính là trò chuyện video. Ngoài việc sử dụng các ứng dụng học tập, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến khích trẻ có thời gian để trò chuyện qua video. Trò chuyện video có thể giúp trẻ hình thành các kết nối xã hội.

Khác với các ứng dụng trên điện thoại, thông qua video trẻ có một cuộc trò chuyện thực sự. Có tương tác, hỏi đáp qua lại. Đây là một phần quan trọng của việc xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ.

Trẻ chậm phát triển hoặc có nhu cầu đặc biệt cũng có thể tận dụng công nghệ

Không phải lúc nào trẻ cũng có phương pháp học và tốc độ tiếp thu giống nhau. Tùy thuộc vào sức khỏe và năng lực của con trẻ mà ta nên định hướng lộ trình học sao cho hiệu quả nhất. Điều này là hoàn toàn bình thường và công nghệ sẽ rất có lợi trong việc giúp con trẻ giao tiếp, xây dựng kỹ năng mềm. Tương tác giữa người với người không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là đối với các em có khiếm khuyết về thể chất hoặc bị suy giảm chức năng phát triển.

Công nghệ hỗ trợ

Công nghệ hỗ trợ (AT) thường được sử dụng để trợ giúp trẻ em gặp khó khăn trong giao tiếp, bao gồm cả nói, nghe, đọc và viết. Để phục vụ cho nhiều mục đích, có nhiều hình thức công nghệ hỗ trợ khác nhau. Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Hỗ trợ định nghĩa các hình thức khác nhau này là:

- Công nghệ thấp: bảng chữ giao tiếp bằng bìa cứng hoặc vải

- Công nghệ cao: máy tính chuyên dụng

- Phần cứng: chân tay giả, hệ thống kết nối và thiết bị định vị

- Phần cứng máy tính: công tắc đặc biệt, bàn phím và thiết bị trỏ

- Phần mềm máy tính: trình đọc màn hình và các chương trình truyền thông

- Tài liệu học tập toàn diện hoặc chuyên biệt và hỗ trợ chương trình giảng dạy

- Phần mềm giáo trình chuyên dụng

- Thiết bị điện tử, xe lăn, khung tập đi, nẹp, phần mềm giáo dục, thang nâng điện, giá đỡ bút chì, thiết bị theo dõi mắt và đầu, v.v.

Giao tiếp bổ sung & thay thế (AAC)

AAC có nghĩa là tất cả các cách mà một người nào đó có thể giao tiếp ngoài việc nói chuyện. Đây là một loại công nghệ hỗ trợ cụ thể. Bất kỳ ai có vấn đề về lời nói và ngôn ngữ đều có thể sử dụng AAC; phương pháp này không chỉ dành riêng cho trẻ em. 

Có khá nhiều dạng AAC khác nhau và không phải tất cả đều sử dụng công nghệ, ví dụ như cử chỉ và nét mặt, viết, vẽ, đánh vần các từ bằng cách chỉ vào các chữ cái, và chỉ vào hình ảnh hoặc chữ viết.

Những hình thức trên được coi là các dạng AAC "không công nghệ" hoặc "công nghệ thấp".

Các dạng AAC "công nghệ cao" bao gồm: các thiết bị màn hình cảm ứng (iPad, máy tính bảng), máy tính với phần mềm nói,...

Ưu và nhược điểm của việc sử dụng công nghệ để giao tiếp

Một số ưu điểm của việc sử dụng công nghệ:

  • Tạo hứng thú và tạo động lực cho trẻ em giao tiếp
  • Giúp trẻ làm quen với việc sử dụng công nghệ trong tương lai
  • Khuyến khích tự học tập
  • Cung cấp khả năng truy cập thông tin nhanh chóng

Một số nhược điểm của việc sử dụng công nghệ:

  • Đôi khi có thể hạn chế sự sáng tạo
  • Có thể làm trẻ giảm tương tác trong cuộc sống thực
  • Có thể gây mất tập trung cho một số trẻ
  • Có thể tạo ra sự bức bối nếu trẻ không hiểu
  • Sự cố kết nối kém
  • Chi phí tốn kém

Làm thế nào để cân bằng tương tác giữa công nghệ và con người?

Giao tiếp thông thường cần ít nhất hai người. Nếu trẻ sử dụng công nghệ làm nguồn chính để học kỹ năng đó, chúng có thể bỏ lỡ cơ hội tương tác trực tiếp với người thật. Như vậy, lý tưởng nhất là để trẻ nhỏ học giao tiếp thông qua tương tác trực tiếp là chính. Công nghệ chỉ hỗ trợ thêm mà thôi.

Quản lý thời gian sử dụng thiết bị của trẻ có thể là một thách thức đối với các gia đình. Với trẻ, thời gian sử dụng thiết bị không bao giờ là đủ. Chính vì vậy phải có kế hoạch sử dụng thiết bị hợp lý. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình và trẻ, phụ huynh có thể tham khảo các hướng dẫn sau đây. 

Sơ sinh-18 tháng: Giới hạn trong trò chuyện video.

18-24 tháng: Bổ sung chương trình giáo dục.

2-5 tuổi: Hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ vào những việc không liên quan đên học tập quá 60 phút mỗi ngày. Cuối tuần có thể kéo dài thời gian nhưng không quá 3 giờ mỗi ngày.

Từ 6 tuổi trở lên: Khuyến khích các thói quen lành mạnh và hạn chế các hoạt động có sử dụng thiết bị điện tử. Ví dụ, khi cả gia đình ở cùng nhau, hãy chơi trò chơi, ăn một bữa hoặc đi du lịch trong ngày

Cha mẹ nên cố gắng cập nhật và kiểm tra trên tất cả các thiết bị công nghệ. Không công nghệ nào có đủ khả năng thay thế hoàn toàn con người trong việc nuôi dạy trẻ. Trẻ em thường có thể tự tìm ra cách phù hợp để học hỏi, nhưng cha mẹ cũng nên tìm kiếm các giải pháp thay thế lành mạnh cho công nghệ trong trường hợp cần thiết.

Cuối cùng, nên tắt các thiết bị công nghệ ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.

Theo www.moms.com