STEM là xu hướng nhất thời hay quốc sách giáo dục lâu dài?

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục STEM lại được Mỹ đưa vào chiến lược quốc gia và Việt Nam bước đầu thúc đẩy áp dụng tại trường học.

Cách đây 2 năm, tại Mỹ, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch “sao Bắc Đẩu” chiến lược 5 năm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) nhằm “vạch ra một chiến lược cho sự thành công của quốc gia”.

Cùng năm đó, ở Việt Nam, trong chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đề ra những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại trường học.

Vậy cần hiểu đúng về giáo dục STEM như thế nào? Và tại sao STEM được cường quốc số 1 thế giới và Bộ Giáo dục đào tạo Việt Nam tăng cường triển khai như vậy? Tất cả sẽ được chuyên gia giáo dục STEM Nguyễn Thị Thu Hường với kinh nghiệm nghiên cứu STEM 10 năm giải đáp và chia sẻ.

STEM là xu hướng nhất thời hay quốc sách giáo dục lâu dài? - 1

Chuyên gia giáo dục STEM Nguyễn Thị Thu Hường

Chào chị! Đọc profile của chị thấy những nơi chị làm việc đa phần là các tổ chức nghiên cứu STEM tại nước ngoài. Chị có thể giới thiệu rõ hơn không?

Hiện tại, tôi là chuyên gia đào tạo chương trình STEM EiE (*) của Bảo tàng Khoa học Boston tại Boston, Hoa Kỳ; chuyên gia nghiên cứu chương trình STEM tại bảo tàng khoa học Nemo (**) tại Amsterdam, Hà Lan; chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft.

(*) EiE được phát triển từ 2003, dựa trên nhiều nghiên cứu về giáo dục, tâm lý học và khoa học trong thế kỷ 21. Chương trình đã được triển khai tại hàng trăm trường trên toàn cầu, giành 12 giải thưởng từ các tổ chức danh tiếng.

(**) Trung tâm khoa học lớn nhất Hà Lan.

Bản chất của giáo dục STEM là gì, thưa chị?

Giáo dục STEM trang bị những kiến thức, kĩ năng đa lĩnh vực theo cách tiếp cận liên môn. Người học có thể áp dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn và phát triển năng lực - phẩm chất toàn diện.

Theo chị, độ tuổi nào là thích hợp để trẻ bắt đầu với STEM?

Theo các nghiên cứu của Hiệp hội Giáo viên Khoa học Quốc gia Mỹ: việc học thông qua trải nghiệm, quan sát, tương tác, khám phá và phát hiện như STEM là diễn tiến tự nhiên trong nhận thức và sự phát triển của trẻ.

Mỗi trẻ đều có tố chất của một nhà khoa học bẩm sinh. Vì thế, để bắt đầu với STEM thì lý tưởng nhất là ở lứa tuổi mầm non.

Được nền giáo dục tiên tiến như Mỹ đưa vào chiến lược quốc gia thì chắc hẳn giáo dục STEM phải có một tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng sâu rộng?

Mục tiêu của giáo dục STEM không đơn thuần đào tạo ra lao động trong các lĩnh vực: khoa học - công nghệ - kỹ thuật & toán học. Mà là những công dân có đủ kỹ năng và tư duy sáng tạo vượt trội để làm việc, phát triển trong kỉ nguyên công nghệ bùng nổ cũng như bối cảnh robot - máy móc đang dần thay thế con người và thể hiện sự vượt trội của chúng trong nhiều lĩnh vực. Nếu giáo dục STEM được triển khai đúng tinh thần, chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng lên tầm cao mới.

STEM là xu hướng nhất thời hay quốc sách giáo dục lâu dài? - 2
STEM là xu hướng nhất thời hay quốc sách giáo dục lâu dài? - 3
STEM là xu hướng nhất thời hay quốc sách giáo dục lâu dài? - 4

Dự án cộng đồng “STEM trong tầm tay” đã triển khai đào tạo cho gần 2000 giáo viên trên toàn quốc từ cấp mầm non đến Đại học

Theo chị, những khó khăn gì đang cản trở áp dụng giáo dục STEM tại Việt Nam?

Theo nhận định của cá nhân tôi, có 4 rào cản lớn nhất mà chúng ta cần vượt qua đó là:

Năng lực giáo viên: giáo viên sẽ gặp khó khăn khi triển khai dạy học từ đơn môn lên tích hợp liên môn.

Kiểm tra đánh giá: STEM đánh giá thông qua sản phẩm và quá trình vì thế phương pháp đào tạo giáo viên và phương pháp giáo dục càng chậm đổi mới thì việc triển khai càng lâu.

Sĩ số lớp học: lớp học quá đông cũng là một rào cản.

Cơ sở vật chất: giáo dục STEM yêu cầu các không gian trải nghiệm với nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu... Và không phải trường nào cũng đáp ứng được những yêu cầu này.

Được biết, hiện nay chị và các cộng sự tại Việt Nam có xây dựng một dự án cộng đồng có tên “STEM trong tầm tay”. Chị có thể giới thiệu về dự án này được không?

Đây là một dự án hoàn toàn phi lợi nhuận ra đời với mong muốn hỗ trợ cộng đồng giáo dục Việt Nam trong lĩnh vực STEM.

Cụ thể là: tư vấn cho các cấp quản lý cách thức tiếp cận và triển khai STEM; tập huấn cho giáo viên; giúp học sinh nghèo, khuyết tật có cơ hội tiếp cận với các tiết học trải nghiệm để nâng cao năng lực tư duy.

Hiện, lịch làm việc trong và ngoài nước tại các viện khoa học của chị rất bận rộn, nhưng lý do gì chị lại lại dành thời gian và tâm huyết cho dự án cộng đồng này?

Tôi cảm thấy rất may mắn vì có cơ hội nghiên cứu sâu và làm việc tại các viện nghiên cứu tại nước ngoài về giáo dục STEM.

Khoảng thời gian cống hiến, theo đuổi đam mê của mình ở nước ngoài, tôi cảm nhận rõ ràng hơn sự chảy máu chất xám cũng như thấy chưa trọn vẹn. Và tôi nhận ra mình cần phải có trách nhiệm chia sẻ kiến thức và đóng góp cho xã hội, cho nền giáo dục Việt Nam nhiều hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm