Sôi động thị trường tuyển sinh đào tạo nghề năm 2022: Thí sinh được lợi gì?

Lệ Thu

(Dân trí) - Hiện, đa phần các trường nghề đã xây dựng kịch bản, rục rịch tiến hành công tác tuyển sinh. Nhiều trường không giảm chỉ tiêu tuyển sinh mà tìm giải pháp tuyển sinh từ xa hiệu quả, linh hoạt mùa dịch.

Nhiều năm tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn cho biết, đối với trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn, hàng năm cứ vào đầu năm chúng tôi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chỉ tiêu. Năm nay, nhà trường dự kiến tuyển 400 học sinh sinh viên, trong đó có 100 chỉ tiêu cao đẳng và 300 chỉ tiêu trung cấp đối với các ngành nghề mà nhà trường đang được cấp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

"Kế hoạch tuyển sinh, trường chúng tôi dự kiến sau tết Âm lịch, tức là vào cuối tháng Hai - đầu tháng Ba. Chúng tôi sẽ bắt đầu truyền thông về công tác tuyển sinh của nhà trường, bắt đầu tổ chức thu hồ sơ. Mấy năm vừa qua, trường tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm của tỉnh giao.

Chúng tôi sẽ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website, qua các mạng xã hội và chúng tôi cũng cử cán bộ trực tiếp đến các nhà trường, đến các nơi mà học sinh có nhu cầu học nghề và đi làm để trao đổi tư vấn hướng nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với hội doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm để cùng phối hợp tổ chức các ngày hội việc làm, hỗ trợ việc làm. Qua đó, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền để tuyển sinh hiệu quả", ông Hồng cho biết.

Để tuyển sinh mùa mới, nhà trường đã có tất cả các địa chỉ của các cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên các trường cấp 3… Nếu trường hợp dịch không phức tạp, trường sẽ tiếp cận một cách trực tiếp để tuyển sinh. Còn nếu trường hợp xảy ra dịch, trường sẽ tổ chức tuyển sinh online thông qua mạng xã hội.

Sôi động thị trường tuyển sinh đào tạo nghề năm 2022: Thí sinh được lợi gì? - 1

Nhiều trường nghề lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh online thông qua mạng xã hội (Ảnh minh họa: Tổng cục GDNN).

"Năm học vừa qua, mặc dù dịch bệnh phức tạp, nhà trường đã tuyển sinh qua mạng hiệu quả và thậm chí chúng tôi đã gọi nhập học qua Zalo. Khi các em đăng ký nhập học có số điện thoại đã kết nối với tất cả các đội tuyển sinh và giáo viên chủ nhiệm của nhà trường, trường đã tổ chức nhập học qua Zalo ngay trong năm học vừa qua", vị hiệu trưởng tâm sự.

Xây dựng kịch bản cho công tác tuyển sinh đợt mới

Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: Nhà trường đã hoàn thành và "khóa" công tác tuyển sinh năm 2021-2022 vào cuối năm (31/12/2021). Sau khi kết thúc tuyển sinh năm 2021 thì hiện nhà trường đã thành lập các hội đồng tuyển sinh, các tiểu ban (tiểu ban truyền thông phục vụ công tác tuyển sinh, các tiểu ban hỗ trợ, tiểu ban tư vấn cộng tác viên từ xa…).

Trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tuyển sinh trực tiếp đang gặp khó khăn nên đã nhà trường thành lập bộ phận chuyên kết nối tuyển sinh từ xa ở các điểm trường THPT. Từ đó, trường sẽ gửi thông tin về để các trường đầu mối làm các kênh tuyển sinh tại các trường THPT ở các địa bàn quận huyện Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc.

"Năm 2022 này, trường đặt mục tiêu tuyển sinh 1.500 học viên. Năm 2021, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 10% so với năm 2020. Cho nên năm nay nhà trường vẫn đặt mục tiêu tuyển 1.500 em, đây là mức đảm bảo tự chủ của nhà trường.

Nhà trường cũng đã xây dựng kịch bản về làm công tác tuyển sinh đợt mới. Mặt khác, nhà trường đang có một số mã tuyển sinh của các nghề mới đào tạo ngắn hạn 3-6 tháng, vẫn đang trong mùa tuyển sinh", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nói.

Sôi động thị trường tuyển sinh đào tạo nghề năm 2022: Thí sinh được lợi gì? - 2

Trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tuyển sinh trực tiếp đang gặp khó khăn nên, không ít trường nghề đã thành lập bộ phận chuyên kết nối tuyển sinh từ xa ở các điểm trường THPT (Ảnh minh họa: Tổng cục GDNN).

Hiện, nhà trường có khoảng 4 mã nghề số lượng sinh viên đang vào đông: Ngành công nghệ ô tô, Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí, Điện công nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Hường, năm nay, các nghề trên nhà trường chỉ công bố tuyển sinh đến một thời điểm nào đó. Sau đó, trường sẽ tập trung tuyển sinh cho các nghề những năm trước tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chưa nhiều đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, hiện nay có nhiều nghề rất tốt như nghề cắt gọt kim loại, nghề tự động hóa, cơ điện tử… thị trường rất cần, nhưng xu hướng người học lại đổ xô vào một số lĩnh vực nghề khác. Do đó, trường đang áp dụng chiến lược vận động sinh viên chuyển sang một số nghề khác.

"Năm vừa rồi, có một cái khó là do các em không lên trường trực tiếp nộp hồ sơ nhập học, cho nên việc vận động chuyển sang các nghề khác rất khó khăn. Năm 2020, thí sinh và phụ huynh đến tuyển sinh trực tiếp nên công tác phổ cập thông tin, vận động chuyển nghề của nhà trường thực hiện rất tốt nhưng năm 2021 do tuyển sinh từ xa nên khó khăn hơn", bà Hường nói.

Đào tạo theo cơ chế đặt hàng

Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái chia sẻ: "Một vài năm trở lại đây, nhà trường tuyển sinh cũng không khó khăn gì lắm. Hiện tại nhà trường đang phối hợp với một loạt các trường phổ thông để kết nối tuyển sinh. Trường cũng phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH tổ chức một số buổi công tác hướng nghiệp. Và chúng tôi cũng mời một số học sinh của các trường cấp 3 về trường tham quan".

Đặc biệt, nhà trường theo cơ chế đặt hàng. Tỉnh đặt hàng và giao nhiệm vụ. Trong chỉ tiêu năm nay, tỉnh giao trường tuyển khoảng 1000 chỉ tiêu hệ trung cấp, cao đẳng và khoảng 1400 chỉ tiêu hệ sơ cấp nữa. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 2000 - 2400 học sinh, sinh viên.

Bây giờ việc tuyển sinh gắn với thực tế của địa phương. Năm vừa rồi, trường chúng tôi mở thêm một mã nghề là Nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tại các vùng nông thôn của tỉnh trong sản xuất nông sản. Ngoài ra, trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Yên Bái cũng muốn tập trung vào phát triển ngành Chế biến gỗ, thị trường cũng tập trung đẩy mạnh để tuyển sinh góp phần đưa tỉnh thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực.

Sôi động thị trường tuyển sinh đào tạo nghề năm 2022: Thí sinh được lợi gì? - 3

Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Yên Bái (Ảnh: Lệ Thu).

Nói về bài toán dạy thực hành trong năm mới khi tình hình dịch bệnh vẫn bất ổn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái trăn trở: "Đây thực ra cũng là cả một vấn đề với các trường nghề cả nước, dù muốn hay không muốn. Đối với đào tạo nói chung, áp dụng công nghệ ảo chỉ được một số môn, còn lại vẫn phải cầm tay chỉ việc.

Theo định hướng của nhà trường, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường sẽ tập trung vào hướng dẫn để cho các em có thể tự học ở nhà, tìm kiếm các doanh nghiệp ở trong khu vực địa phương và phân bổ thành các nhóm thực tập.

Thêm nữa, tất cả học sinh của trường hiện đã được tiêm hai mũi vắc xin và có thể áp dụng theo hình thức thực tập theo nhóm tại nhà trường để đảm bảo thích ứng an toàn. Suốt từ tháng 9 vừa rồi nhà trường cũng đang phải thích ứng dịch bệnh. Giải pháp cơ bản là khi học tập trung thì trường cho học sinh, sinh viên học thực hành, còn lý thuyết có thể giao về nhà để các em nghiên cứu", ông Tuấn chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm