Số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm dần sau"chuyến tàu vét" mang số hiệu 174

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Số lượng giáo sư, phó giáo sư trong 5 năm trở lại đây đang ngày càng giảm, nhất là khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ - TTg xét giáo sư, phó giáo sư.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm dần sauchuyến tàu vét mang số hiệu 174 - 1

Trường ĐH Thủy Lợi vừa bổ nhiệm 5 chức danh phó giáo sư năm 2020

Chất lượng nâng lên, số lượng giảm đi

Cụ thể, năm 2015, cả nước có 52 Giáo sư và 470 Phó giáo sư đạt tiêu chuẩn chức danh, trong tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681 người (GS là 74, PGS là 607).

Đến năm 2016, cả nước có 64 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 638 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư tăng hơn so với năm 2015.

Được biết, năm 2016, cả nước có 931 người đăng ký hồ sơ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư (trong đó, 118 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh giáo sư, 813 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh phó giáo sư) tại 107 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGS) .

Năm 2017, là một năm biến động và đầy tai tiếng nhất trong lịch sử xét giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam. Số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Hội đồng GSNN cho biết, số ứng viên tăng là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016 và đây là năm cuối xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.

GS.TSKH Trần Văn Nhung khi đó là Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã ví von, đây là "Chuyến tàu chót mang số hiệu 174". GS Nhung cho biết, số lượng GS,PGS năm 2017 tăng khoảng 60% so với năm 2016. Lý do, ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm, theo đó, các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng được lùi lại nửa năm. Tâm lý chung là có sự thay đổi về quy chế phong GS,PGS nên các ứng viên mong muốn mình đi về "chuyến tàu chót mang số hiệu 174 - (Quyết định 174)".

Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Trong đó, có 85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư.

Tuy nhiên, trước nhiều thông tin phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến năm 2017 cùng nhiều lo ngại về chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, kiểm tra từng trường hợp một. Kết quả có 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó có một số ứng viên tự xin rút hồ sơ.

Đến năm 2018, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã quyết định triển khai đợt xét tuyển đầu tiên theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2018 không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2018.

Năm 2019, năm đầu tiên thực hiện xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg thì số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh.

Cả nước có 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn giáo sư và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Năm này, có 16 ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) bị "trượt" ở vòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGDNN) mặc dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua. Nhiều ứng viên GS,PGS bị loại đã bức xúc gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cho rằng không thỏa đáng, không hợp lý.

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, sau khi Hội đồng thảo luận, phân tích, biểu quyết 32/32 người thống nhất nếu ứng viên nào không có hướng dẫn nghiên cứu sinh, không có hướng dẫn thạc sĩ thì không bỏ phiếu, vì đây là tiêu chuẩn cứng và nhiều ứng viên đều phạm vào tiêu chuẩn không có hướng dẫn nghiên cứu sinh; không chủ trì biên soạn giáo trình/chuyên khảo theo quy định...

Năm 2020, số lượng đăng ký xét giáo sư, phó giáo sư cũng giảm mạnh, có 87 Hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với 542 hồ sơ ứng viên, trong đó có 77 hồ sơ ứng viên GS, 465 hồ sơ ứng viên PGS.

Kết quả, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 339 ứng viên, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 62,55% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên GS là 50,65%, ứng viên PGS là 64,52%).

Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận định, năm 2020 là năm thứ 2 thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg (QĐ 37) về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS và là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg (QĐ 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 37.

Về cơ bản, chất lượng ứng viên GS, PGS năm 2020 khá tốt, hầu hết các ứng viên có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng GSNN nhấn mạnh: "Việc công khai thông tin ứng viên đạt tiêu chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông tin điện tử của Hội đồng GS nhà nước đã phản ánh tính công khai, minh bạch của quá trình xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Những thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng các nhà khoa học,… là nguồn thông tin hữu ích giúp các Hội đồng GS các cấp lựa chọn được những ứng viên đủ điều kiện và xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS".

Số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm dần sauchuyến tàu vét mang số hiệu 174 - 2

Giáo sư được kéo dài thời gian công tác tới 10 năm

Cả nước có 619 giáo sư đang tham gia giảng dạy tại các trường đại học

Theo thống kê từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư. Độ tuổi ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư ngày càng trẻ hơn từ 45- 55 tuổi. Tuy nhiên, số lượng giáo sư tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa đến một nửa.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến 31/12/2019, các đại học, học viện, trường đại học đào tạo trình độ đại học có 78.250 giảng viên trong đó 619 giáo sư, 4.831 phó giáo sư, 17.035 tiến sĩ, 46.251 thạc sĩ và 9.514 đại học.

Đối với các trường cao đẳng đào tạo ngành giáo dục mầm non có 1.891 giảng viên cơ hữu giảng dạy chuyên ngành giáo dục mầm non với 02 Phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 1.363 thạc sĩ và 328 đại học.

Trong khi đó, quy mô đào tạo năm học 2019-2020, tổng quy mô sinh viên đại học của cả nước là 1.680.222 sinh viên (không bao gồm sinh viên đào tạo từ xa) tăng so với năm học 2018-2019 là 3,86% (trong đó trình độ đại học chính quy là 1.503.989 sinh viên) và quy mô đào tạo cao đẳng ngành Giáo dục mầm non là 19.239 sinh viên (trong đó chính quy là 18.223 sinh viên).

Với số lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm, khiến nhiều trường đại học đang hụt hẫng về đội ngũ nhân lực này. Cụ thể, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa thông báo tuyển và bổ nhiệm vị trí giáo sư, phó giáo sư năm 2021, trong đó nhu cầu bổ nhiệm giáo sư là 8 người và phó giáo sư là 23 người.

Theo đó, trong 13 ngành/chuyên ngành thông báo có nhu cầu bổ nhiệm GS/PGS  thì lĩnh vực Khoa học trái đất/Khoa môi trường là thiếu trầm trọng nhất tới 5 giáo sư và 9 phó giáo sư.

Trường ĐH Khoa học Tư nhiên hiện có 19 GS và 112 PGS, tổng cộng 131 trên tổng số 309 giảng viên cơ hữu, chiếm tỷ lệ 42%, có thể nói là rất cao trong các trường đại học ở Việt Nam. Năm 2020 trường ĐH Khoa học Tự nhiên có 13 cán bộ được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn PGS (trên tổng số 19 cán bộ của ĐHQGHN đạt chuẩn PGS), nhưng đồng thời cũng có 9 GS và 17 PGS nghỉ công tác trong 2 năm học 2019-2020.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhu cầu của trường rất cần tới các vị trí GS/PGS vì trong những năm qua phần lớn các GS/PGS của Trường đã lớn tuổi và nghỉ hưu. Mặc dù lực lượng cán bộ trẻ của Nhà trường có sự phát triển rất nhanh nhưng nhiều lĩnh vực bị hụt hẫng, đặc biệt là đối với số lượng giáo sư như thông báo nhu cầu ở lĩnh vực Khoa học trái đất/Khoa học môi trường cho thấy.

Thậm chí, có một số bộ môn của trường hiện nay không còn GS/PGS nào, các cán bộ đều là tiến sĩ trẻ nên cần thêm một vài năm mới đủ chuẩn dẫn đến sự hụt hẫng đội ngũ GS/PGS.

Nghị định 141/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục đại học có quy định, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm. Đây là quy định quan trọng để giữ được đội ngũ tinh hoa tham gia giảng dạy tại các trường đại học. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm