Sinh viên Việt thấm thía khi được “dạy dỗ” ở Nhật Bản

“Bạn phải tự rèn giũa bản thân thành con ốc tinh xảo nhất để có thể ghép mình vào mọi cỗ máy, đảm bảo công việc luôn trôi chảy” - Dương Hồng Hưng, cựu sinh viên ĐH FPT, chia sẻ về quãng thời gian làm việc tại Nhật Bản của mình.

Chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp và trở thành nhân viên chính thức của FPT Software, tôi được đề xuất trở thành Trưởng nhóm phụ trách kỹ thuật (Project Technical Lead) của một dự án lớn nhất FSU11 thời điểm hiện tại, và được cử sang làm việc tại Nhật Bản. Tôi là một trường hợp khá đặc biệt bởi rất ít sinh viên mới ra trường được làm việc trực tiếp với khách hàng tại thị trường vốn có tiếng là “khó tính”.

Có mặt tại sân bay Haneda (Tokyo) sau hành trình hành trình dài, tôi tiếp tục di chuyển bằng ô tô đến khu nhà dành cho nhân viên nước ngoài tại ngoại ô thành phố. “Vậy là mình chính thức bắt đầu một cuộc sống, một công việc mới”, tôi tự nhủ, lòng có chút lo lắng. Trong đầu tôi khi ấy nghĩ về những gì mình đã được học về lập trình, về kỹ năng làm việc, văn hóa Nhật Bản, như một cách để lấy lại sự tự tin cho bản thân.


Dương Hồng Hưng, cựu sinh viên ĐH FPT.

Dương Hồng Hưng, cựu sinh viên ĐH FPT.

Ngày đầu tiên của tôi ở đất nước Mặt trời mọc bắt đầu từ lúc 6 giờ bằng việc tự nấu bữa sáng, căn giờ thật chuẩn để không bị trễ chuyến tàu điện tới công ty. “Người Nhật luôn đến sớm hoặc đúng giờ” - mấy anh chị khóa trên, từng làm việc ở đất nước này đã “mách nước” cho tôi như thế. Đó được coi như bài học vỡ lòng về tính kỷ luật trong công việc mà bất cứ ai từng đặt chân đến Nhật Bản đều phải ghi nhớ.

Tôi làm việc tại văn phòng của một trong những công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản. Công việc chính là “Kỹ sư cầu nối”, người đứng giữa khách hàng và các đồng nghiệp trong cùng dự án làm việc tại Việt Nam. Hàng ngày, khách hàng đưa ra rất nhiều yêu cầu công việc. Tôi cần phân loại chúng một cách khoa học, đánh giá yêu cầu nào có thể thực hiện được Việt Nam, yêu cầu nào cần tới sự hỗ trợ của phía đối tác. Lắng nghe, trao đổi với đội dự án trong nước trong thời gian tối thiểu nhưng lượng thông tin phải tối đa và tuyệt đối chính xác là những yêu cầu công việc hết sức khắt khe mà tôi phải tuân thủ. Ngoài ra, tôi còn đảm nhận một số công việc khác như phân tích, thiết kế, kiểm thử phần mềm….

Tôi đã có hơn 1 năm đảm nhận vai trò trưởng nhóm (team leader) dù chỉ ở quy mô nhỏ của một đồ án tốt nghiệp tại ĐH FPT. Từ những lần bị stress vì quá nhiều việc cần làm, các thành viên chưa gắn kết, kỹ thuật lập trình sản phẩm phức tạp, tôi học cách thay đổi tư duy làm việc của bản thân và các thành viên trong nhóm, điều phối hoạt động hiệu quả hơn và quan trọng là gắn kết từng cá nhân thành một tập thể làm việc ăn ý cho dù không phải tất cả đều là người xuất sắc nhất. Kinh nghiệm từ những dự án ấy giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc “cầu nối” hiện nay.

Người Nhật vô cùng cẩn trọng trong công việc. Vì vậy, khi trình bày vấn đề, tôi phải xem xét kĩ các khía cạnh, đảm bảo mọi góc độ đều chính xác trước khi đưa ra phản hồi cho khách hàng. Giờ làm việc tại Tokyo bắt đầu từ 9 giờ, làm việc liên tục đến tối (người Nhật không có thói quen nghỉ trưa) nhưng 6 giờ chiều, hiếm ai trở về nhà. Thường thì mọi người sẽ làm việc tới 21-22h mới bắt đầu ra về. Người Nhật chỉ có chút thời gian cuối ngày dành cho cá nhân hoặc gia đình trước khi bắt đầu cho một ngày mới với chu trình tương tự.

Trong “cỗ máy” ấy, một nhân viên mới không phải người bản xứ, lại là sinh viên vừa ra trường như tôi giống như một “con ốc” lạ, tìm cách lắp mình vào hệ thống. Guồng quay của công việc không thể ngừng chỉ để mài giũa một con ốc. Bạn phải tự rèn giũa bản thân thành con ốc tinh xảo nhất để có thể ghép mình vào mọi cỗ máy, nếu không muốn bị đào thải, trở thành con ốc vứt đi. Hoàn thành tốt công việc, một sinh viên mới ra trường có thể đạt được mức lương 60 triệu đồng/ tháng. Khoản thu nhập đáng mơ ước so với thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ trong nước đang thất nghiệp nhưng tôi cho rằng với công sức bỏ ra, số tiền này là xứng đáng.

Cơ hội để tự rèn luyện mình ở Nhật Bản không hề thiếu, có khi nó đến từ cuộc trò chuyện bình thường giữa bạn và đồng nghiệp. Khi ai đó hỏi bạn về công việc, hãy trả lời nhưng đừng quên hỏi lại họ. Hỏi cũng là một văn hóa, một kỹ năng cần có, ngoài ra nó cũng đánh giá mức độ quan tâm đến vấn đề và khả năng tư duy của bạn. Tôi thường hỏi với đồng nghiệp, quản lý, bạn bè ở đây về công việc, cuộc sống, một phần do tính cách tò mò, một phần do thói quen từ khi còn là sinh viên, chúng tôi luôn được hỏi thẳng, nói thật, trao đổi thoải mái với giảng viên, ban giám hiệu. Môi trường không có khoảng cách giữa lãnh đạo và sinh viên ở Trường Đại học FPT đã cho tôi mong muốn được hỏi để hiểu.

Từ đường phố đến văn phòng đều sạch sẽ nhưng làm việc ở Nhật Bản thực sự là làm trong môi trường nguy hiểm, thử thách lòng can đảm. Có lần, đang làm việc bỗng nhiên bàn rung lắc, cả căn phòng chấn động, mọi người ngay lập tức nép mình xuống dưới gậm bàn. Tôi vội vã làm theo, bất ngờ và hơi hoảng sợ vì lần đầu gặp động đất. Lát sau, mọi thứ trở lại bình thường, đồng nghiệp nói với tôi đó là chuyện thường ngày ở đây, rằng văn phòng được thiết kế để đảm bảo an toàn trước những trận động đất nhỏ. Rồi ngay lập tức, mọi người trở lại công việc. Tôi tự hỏi: phải chăng việc luôn phải đối mặt với rủi ro khiến người Nhật hết mình trong mỗi giờ, mỗi phút làm việc như thể đây là khoảnh khắc cuối cùng?

Dương Hồng Hưng

(Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT)