Sinh viên Việt tại ĐH danh giá Mỹ chia sẻ nội dung bài luận nộp hồ sơ du học

(Dân trí) - Tất cả những thử thách như viết bài luận, chọn ngành học… đều làm “đau đầu” các thế hệ học sinh muốn đi Mĩ du học bao năm nay. Các diễn giả trong hội thảo “Power of Vietnamese Youth” tổ chức vào ngày 15/7 tại Hà Nội đã chia sẻ những góc nhìn của họ về chặng đường này.

Bài luận mang màu sắc cá nhân

Nguyễn Vũ Linh (sinh viên của Đại học Vanderbilt) chia sẻ: “Bố mất lúc em mới lên 4. Mẹ em hiện đang làm lao công trong ủy ban phường, quét dọn đường phố, rửa bát thuê ở quán ăn từ 5 giờ sáng đến tận 12 giờ khuya.

Tài chính gia đình hạn hẹp đến mức đã có những lúc ốm đau mà hai mẹ con không có tiền đi bệnh viện hay phải ăn cơm với nước mắm.

Nhưng những khó khăn đó chưa bao giờ dập tắt ngọn lửa du học trong em. Em luôn cố gắng và luôn tự nhủ “Những gì họ làm được thì mình cũng sẽ làm được”.

Trong bài luận cá nhân gửi cho trường Vanderbilt, Linh kể về những con người cùng cảnh ngộ với mình, phải sống trong tệ nạn, nghèo khổ và qua đó, thể hiện quan điểm cá nhân về thói trọng địa vị của người Việt cũng như ước mơ “trở thành tiếng nói cho những người yếu thế” hơn mình.

Nhờ bài luận xuất phát từ câu chuyện của bản thân và mang màu sắc cá nhân nổi bật, Vũ Linh đã được nhận gói học bổng toàn phần hơn 6 tỉ đồng đến từ ngôi trường đứng thứ 14 toàn nước Mĩ – Đại học Vanderbilt.


Các diễn giả trong buổi hội thảo “Power of Vietnamese Youth”.

Các diễn giả trong buổi hội thảo “Power of Vietnamese Youth”.

Cũng nói về câu chuyện của bản thân. Trần Thùy Linh (sinh viên ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học hàng đầu nước Mĩ – Đại học Princeton) lại có cách thể hiện bài luận qua những bức ảnh.

“Em rất thích nhiếp ảnh. Bài luận của em là khi em được đến một trường học cho trẻ em khuyết tật. Em chụp ảnh các em bé ấy và thấy các em ấy rất hồn nhiên, ngây thơ. Các em ấy vẫn tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái như những người khác.

Quan sát và chụp lại những khoảnh khắc các em ấy vui đùa đã làm em suy nghĩ lại về vấn đề vẻ đẹp và niềm vui trong cuộc sống. Đó là chủ đề bài luận của em”, Linh nói.


Buổi hội thảo thu hút các bậc phụ huynh, các em học sinh đến lắng nghe.

Buổi hội thảo thu hút các bậc phụ huynh, các em học sinh đến lắng nghe.

Mạnh dạn với các quyết định

Hà Duy (Người sáng lập, Giám đốc sản xuất giải chạy Longbien Marathon, Giám đốc điều hành tại Race Vietnam) đã tốt nghiệp Đại học St. Olaf và từng giành được nhiều thành tích xuất sắc khi du học chia sẻ: “Chương trình học của tôi xoay quanh chuyên ngành Kinh tế học (Economics) và bổ sung thêm phần Lí thuyết Quản lý (Management Studies).

Một trong những hệ quả quan trọng của việc chọn học tại St. Olaf College là sự ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục khai phóng (liberal arts education) với tôi.

Học ở Mĩ, tôi có thể tìm hiểu được nhiều thứ, kể cả những điều mình nghĩ cả đời mình không bao giờ quan tâm đến cả.

Ban đầu, tôi hoàn toàn không quan tâm đến Môi trường học (Environmental Studies) hay các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên hay rừng, nhưng việc học ở Mĩ cho tôi tiếp xúc với những đề tài này và cho tôi những cơ hội, tài nguyên, tài lực và hỗ trợ để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Từ đó, tôi quyết định làm các dự án liên quan đến môi trường”.


Hà Duy (thứ hai bên trái) trong buổi hội thảo.

Hà Duy (thứ hai bên trái) trong buổi hội thảo.

Trở về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp, Hà Duy từng băn khoăn nên tìm việc ở nước ngoài hay ở Việt Nam, nhưng rồi Duy nhận ra, để đến được những vị trí như nhiều người đang có thì cũng phải trải qua các công việc nhỏ trong một thời gian dài.

“Ở trong nước, cơ hội rất nhiều, miễn mình đầu tư vào một quyết định thì quyết định ấy sẽ không phụ lòng mình. Có rất nhiều cơ hội nhưng nếu mình đã chọn không mở thì nó sẽ chẳng bao giờ được mở.

Thế nên bạn hãy mạnh dạn với các quyết định của bản thân để không phải hối tiếc”, cựu sinh viên Đại học St. Olaf Hà Duy nhấn mạnh.

Hồng Vân