Đà Nẵng:

Sinh viên trường Sư phạm giữ lửa nét đẹp nhạc cụ dân tộc

(Dân trí) - Đi dọc vỉa hè trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng mỗi tối thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, người ta luôn nghe thấy những âm thanh kì lạ, có khi trong trẻo du dương, khi lại nhộn nhịp sôi động, lúc thì tò te vài ba tiếng lạ thường. Đó là tiếng sáo cất lên từ những cô cậu sinh viên của câu lạc bộ Sáo trúc.

Ngoài tập luyện và biết chơi các loại sáo trúc, sáo nứa, sáo bầu, sáo mèo,các loại nhạc cụ thuộc bộ hơi... thì các bạn sinh viên câu lạc bộ (CLB) Sáo trúc trường ĐH SP Đà Nẵng còn thích tự làm ra những cây sáo chất liệu lạ và đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Sáng lập CLB từ đam mê

Tôi ghé vào tham gia buổi sinh hoạt, khi hỏi bạn Nguyễn Thật (Phó Chủ nhiệm CLB) về CLB này thì bạn vui vẻ nói: "CLB Sáo trúc của trường ĐHSP Đà Nẵng gần 5 tuổi rồi đấy".

Được biết CLB Sáo trúc trường ĐHSP Đà Nẵng trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐHSP Đà Nẵng, thành lập ngày 24/2/2014 do hai anh Đỗ Mạnh Đạt và Phan Thành Huy (cựu Chủ nhiệm) có chung niềm đam mê cây sáo. Ban đầu chỉ là một nhóm gồm vài người, có chung đam mê,yêu thích và muốn học tốt sáo, muốn giữ gìn và phát huy nét đẹp dân tộc Việt nên họ đã cùng ngồi lại, nói chuyện với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, giao lưu, học hỏi, trao đổi cách tập luyện sáo.

Không lâu sau, với tiếng sáo du dương trầm bổng vang lên mỗi tối ở hồ sen kí túc xá, không ít bạn trẻ yêu âm nhạc, yêu nhạc cụ dân tộc đã ngỏ lời tham gia, không những sinh viên trong trường mà còn thu hút cả các bạn trường ngoài như bách khoa, duy tân, y dược, thể dục thể thao... gia nhập.

Sau một thời gian, khi thấy đã đủ mạnh thì anh Đạt, anh Huy cùng các bạn quyết định làm thủ tục gia nhập Hội Sinh viên trường và được chấp thuận, từ đó trở thành một CLB nghệ thuật vững mạnh của trường, một CLB âm nhạc mang phong cách sinh hoạt riêng khác hẳn với các CLB đội nhóm khác.

Từ khi mới thành lập, CLB đã luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các thầy cố vấn như NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, nghệ nhân Hồ Bằng… cùng các anh chị nhạc công có kinh nghiệm.

Sinh viên trường Sư phạm giữ lửa nét đẹp nhạc cụ dân tộc - Ảnh 1.

CLB Sáo trúc tri ân thầy cố vấn NSƯT Trịnh Mạnh Hùng.


Đến với CLB Sáo trúc, tất cả thành viên đều là bạn bè, không phân biệt độ tuổi, giới tính, trường lớp, mọi người đều là bằng hữu, "ngồi ngay nói thẳng" bộc bạch vui vẻ với nhau, chỉ bảo nhau bên hồ sen thơ mộng.

Đưa tài năng tiến xa

CLB Sáo trúc sinh hoạt lúc 19h thứ 3 và thứ 7 hàng tuần tại hồ sen kí túc xá, buổi sinh được phân bổ ra hai khoảng thời gian, 2 tiếng đầu là thời gian luyện tập kỹ năng sáo và còn lại sinh hoạt vui chơi vòng tròn.

Các thành viên mới tham gia có người đã có kỹ năng tốt, có người lại bắt đầu từ số 0 tròn trĩnh, cho nên các thành viên được chia ra thành các nhóm nhỏ có trình độ tương đương để những anh chị có chuyên môn kèm cặp chỉ dẫn bài tập nâng cao khả năng. Sau 2 tiếng, mọi người lại nắm tay nhau hòa thành một tập thể để chơi các trò chơi lớn.

Sinh viên trường Sư phạm giữ lửa nét đẹp nhạc cụ dân tộc - Ảnh 2.

Các thành viên giao lưu sáo.


Để khích lệ các thành viên, CLB còn tổ chức các cuộc thi thổi sáo định kì với các giải thưởng nho nhỏ, "của ít lòng nhiều" ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi.

Không chỉ biết chơi sáo, các bạn trẻ ấy cũng sáng tạo lắm, thường xuyên chế ra các nhiều loại sáo khác nhau với các chất liệu đặc biệt như ống sắt, ống nước, thân lá đu đủ,...

Với niềm đam mê, luôn muốn giữ lửa nhạc cụ dân tộc và đưa nó phát triển, các bạn sinh viên không ngừng tập luyện, cố gắng nâng cao trình độ kỹ thuật, trau dồi học hỏi tứ phương, hiện nay nhiều thành viên của CLB đã đi biểu diễn không chỉ nội tỉnh mà còn ở các tỉnh ngoài.

Anh Châu Khắc Mạnh, cựu Chủ nhiệm CLB Sáo trúc cho biết: "Tôi đi diễn ở nhiều nơi rồi, được sống với đam mê tôi vui lắm. Vừa qua tôi đã dùng tài năng của mình cùng một số người đã tham gia chương trình Ban nhạc Việt, dự tính là tiết mục của tôi ngày 6/1/2019 sẽ lên sóng đấy".

Đâu chỉ suốt ngày cầm sáo, với mong muốn "cho đi đổi lấy nụ cười", "người vui tôi cũng vui lây", các bạn sinh viên CLB Sáo trúc đã tạm đặt sáo xuống, ngồi xuống cùng nhau làm những món đồ thủ công, bán những bông hoa, cầm lên những gói kẹo nhỏ xinh, rong ruổi khắp phố xa vỉa hè bất chấp nắng mưa để bán kiếm tiền gây quỹ, thực hiện các chương trình tình nguyện, đưa tình yêu đến vùng cao, gửi tình thương tới đồng bằng.

Sinh viên trường Sư phạm giữ lửa nét đẹp nhạc cụ dân tộc - Ảnh 3.

Chuyến tình nguyện Tết thiếu nhi ở vùng cao của CLB Sáo trúc.


Lê Vũ Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm