Sinh viên ngành Mầm non lo bạo hành trẻ có tính “lây nhiễm”
(Dân trí) - Nhiều vụ bạo hành trẻ mầm, non nhiều bảo mẫu cùng… tham gia đánh trẻ. Điều này làm nhiều sinh viên đang theo học ngành mầm non lo ngại, liệu bạo hành trẻ… có lây hay không?
Các cô cùng đánh thì trẻ cầu cứu ai?
Trong một buổi tọa đàm về bạo hành trẻ mầm non mới đây ở TPHCM, nhiều sinh viên đang theo học ngành Mầm non lo ngại việc “lây nhiễm” trong bạo hành trẻ. Ở nhiều vụ bạo hành tại các cơ sở mầm non thì những người giữ trẻ đều… tham gia đánh trẻ, hoặc người này đánh trẻ ngay trước người khác không kiêng dè.
Một nữ sinh đang theo học ngành mầm non đặt câu hỏi: “Liệu bạo hành trẻ có tính “lây nhiễm” hay không mà ở nhiều nơi, các cô cùng tham gia đánh trẻ? Nếu vậy khi bị bạo hành thì trẻ biết kêu ai?".
Với một tâm trạng hoang mang, cô nữ sinh cho rằng khi đã chọn nghề này, ai cũng yêu trẻ và không ai nghĩ mình sẽ bạo hành trẻ, bị lên án, bị tù tội. Nhưng với thực tế diễn ra, môi trường làm việc, các tác động… thì không ai dám nói hay, nói trước điều gì.
“Theo em, áp lực lớn nhất với giáo viên là thời gian làm việc. Làm việc kéo dài 10 - 12 tiếng một ngày thì khó có ai trụ nổi. Chúng ta cần nghiên cứu, sắp xếp để chia ca, giảm thời gian làm việc cho giáo viên mầm non”, nữ sinh này đề xuất.
Là sinh viên năm cuối, Nguyễn Kim Hồng (Khoa GDMN, ĐH Sài Gòn) bày tỏ, mình có thời gian dài đi thực tập, đứng lớp nên hiểu được sự cực nhọc, vất vả và áp lực của công việc mình lựa chọn. Đi sớm về trễ, nhiều trẻ ăn uống khó, nôn ói, các cô không có nhiều thời gian cho các mối quan hệ khác…
Hồng tâm sự, mình chọn nghề vì yêu trẻ con, với tất cả mọi người xung quanh đều nói tính cô điềm đạm, không hợp với các ngành nghề bon chen. Cô cũng sẵn sàng cho các áp lực trong công việc sau này nhưng khi có người đặt ra tình huống, khi có chồng, có con… thì Hồng lắc đầu không biết khi đó mình sẽ thu xếp thế nào khi 6h sáng đã có mặt ở trường, 6h tối mới về nhà.
Băn khoăn của các sinh viên là giáo viên tương lai giống như tâm sư của một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Nhiều sinh viên sau vài năm ra trường, gặp lại cô thì thốt lên: “Trước tụi con như thiên thần, giờ thành… "quỷ" hết rồi cô ơi”, nghe mà chua chát vô cùng.
Giáo viên mới được chỉ “chiêu” đánh học trò
Không thể phủ nhận những áp lực của nghề giáo, nhất là giáo viên mầm non với công việc nuôi dạy trẻ đầy căng thẳng. Những áp lực khách quan, có những giáo viên yêu trẻ, yêu nghề nhưng khi áp lực, nóng giận họ lại kiểm soát được hành vi của mình. Dù họ biết rõ điều đó là sai, là bạo hành, là vi phạm quyền trẻ em…
Tuy nhiên, cũng có những giáo viên xem đòn roi là một phương pháp giáo dục đối với con trẻ trong tâm thế chủ động.
Trong tọa đàm trên, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa GDMN, ĐH Sài Gòn kể khi bà mới ra trường, bà thấy có nhiều giáo viên không dạy Toán nhưng trên tay đều cầm chiếc thước gỗ to, thẳng. Bà thắc mắc thì các cô nói dùng để... đánh học trò. Các cô còn chỉ cách đánh ở đâu, như thế nào để phụ huynh không có thưa kiện nổi
Bà Dao cho biết, hiện nay trường đưa vào rất nhiều nội dung, hoạt động, kiến thức để tạo “kháng thể” cho sinh viên khi ra trường. Cụ thể như đưa vào các môn học như Nghề giáo viên mầm non, Giao tiếp sư phạm mầm non… Thông qua các tiết học, sinh viên nhận thức được những kiểu bạo hành khác nhau, hậu quả của bạo hành đối với trẻ, đối với bản thân, đối với xã hội, từ đó sinh viên có thái độ lên án nạn bạo hành và góp phần kiểm soát hành vi bản thân. Trong mọi lĩnh vực, vấn đề, bất kỳ ở đâu có điều xấu thì mình phải chống lại, không để lây nhiễm đến mình.
Bà Phan Thị Thu Hà, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở TPHCM chia sẻ, giảm áp lực cho giáo viên mầm non như sĩ số, thời gian làm việc, có những chính sách chế độ… là điều cơ quan quản lý cần quan tâm. Tuy nhiên, chính mỗi nhà giáo phải học cách “quản lý bản thân”, đừng để hành vi nóng giận thành quá trình, tích tụ từ ngày này qua ngày khác để rồi không kiểm soát được hành vi của mình.
Cô Như Ngọc, từng công tác tại một trường mầm non ở Q. Thủ Đức, TPHCM cho hay, trong lớp mầm non thường có 2- 3 cô phụ trách, chính họ là người người cùng hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau. Nếu thấy người làm chung sắp cáu giận, có thể có dấu hiệu bạo hành thì hãy khuyên họ ra ngoài hít thở, đi dạo vài phút, mọi việc ở đây để mình lo.
“Hoặc bản thân mình đang nóng tính thì nhờ đồng nghiệp xử lý, mình đi ra ngoài cho khuây khỏa… Thà vắng một người lúc đó còn hơn là để người đó có thể gây nguy hiểm, bất an cho trẻ”, cô Ngọc nói.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, khi chọn nghề mầm non, chính giáo viên phải hiểu hết vai trò của mình tác động đến trẻ, nhất là trong giai đoạn đầu đời. Đó không chỉ là vết thâm ở tay, vết bầm ở má... mà đó sẽ là những ký ức tiêu cực ảnh hưởng đến hành vi, cách xử của trẻ với mọi người sau này.
Hoài Nam