Sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội: Chủ đạo là mì tôm, thèm lắm mới dám mua rau
(Dân trí) - "Để tiết kiệm, mỗi ngày, mình phải căn ke thực phẩm, chia từng bữa ăn dần, song món "chủ đạo" vẫn là mì tôm. Hôm nào thèm lắm, mình mới dám mua một chút rau…"
Khi năm học kết thúc, trong khi nhiều sinh viên trở về cùng gia đình thì một số khác lại chọn cách bám trụ lại thành phố để duy trì việc làm thêm hay hoàn thành những mục tiêu cá nhân còn dang dở.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội phải triển khai các biện pháp giãn cách, lập chốt phòng dịch kiểm soát người ra vào thành phố. Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng… đóng cửa; người lao động mất việc, và nhiều sinh viên bị mắc kẹt, buộc phải ở lại Thủ đô cho đến khi có chỉ thị mới.
Căn ke từng bữa ăn, chủ đạo vẫn là mì tôm
Hơn 1 tháng nay, trong căn phòng trọ chưa đầy 12m2 nằm sâu trong một con ngõ tại phố Trần Quốc Vượng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), Vũ Quang Trung (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) hàng ngày chỉ quanh quẩn với chiếc laptop và điện thoại di động.
Những ngày đầu tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù đã hoàn thành năm học song Trung vẫn cố gắng bám trụ lại Hà Nội với mong muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống sinh viên. Thế nhưng, đến ngày 24/7, khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, nam sinh viên này phải nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập.
"Mình nghĩ là nghỉ hè nên tranh thủ ở lại Hà Nội đi làm thêm, ai ngờ lại bị "kẹt" giữa tâm dịch thế này. Không đi làm được nhưng vẫn phải duy trì cuộc sống, vẫn phải ăn, phải đóng tiền điện, tiền nước. Số tiền tích lũy đã cạn dần, chắc sắp tới, mình phải xin gia đình chu cấp".
May mắn vì được chủ trọ giảm tiền cho thuê, Trung chia sẻ, bản thân cảm thấy phần nào được "nhẹ gánh". Tuy nhiên, nam sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn phải hạn chế chi tiêu đến mức tối thiểu vì không biết đến khi nào dịch bệnh mới bớt căng thẳng và mọi thứ mới trở lại bình thường.
Mắc kẹt tại Hà Nội, song Lê Hoàng Nam (sinh viên Đại học Thương mại) may mắn hơn khi vẫn duy trì được công việc làm thêm online. Tuy nhiên, thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh công ty cắt giảm lương. Mức lương part-time vốn đã "khiêm tốn", nay càng trở nên ít ỏi hơn bao giờ hết.
"Lương thấp, mà sinh hoạt phí thì cứ tăng cao. Bình thường một mớ rau chỉ có giá 5.000 đồng, nhưng hiện tại thì đã tăng gấp 3, gấp 4; thậm chí nhiều lúc còn không có mà mua. Gần một tuần mới đi chợ một lần, nhưng cứ tình hình này, mình sợ không đủ trang trải đến kỳ nhận lương tới".
Nam tâm sự, nhiều lúc rất muốn gọi điện về để kể cho gia đình nghe những khó khăn đang vấp phải, nhưng lại sợ bố mẹ lo lắng nên cuộc trò chuyện chỉ dừng lại ở những lời hỏi thăm. Trước dịch, hai tuần một lần, bố mẹ Nam sẽ gửi đồ ăn, rau củ từ quê lên Hà Nội. Tuy nhiên, dịch bệnh căng thẳng, việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh bị hạn chế, sinh viên này đành phải tự xoay sở.
"Để tiết kiệm, mỗi ngày, mình phải căn ke thực phẩm, chia từng bữa ăn dần, song món "chủ đạo" vẫn là mì tôm. Hôm nào thèm lắm, mình mới dám mua một chút rau", Lê Hoàng Nam chia sẻ.
Kẹt lại Thủ đô, bên cạnh khó khăn về vật chất, nhiều sinh viên còn chia sẻ bản thân cảm thấy dễ gặp vấn đề tâm lý trong thời gian Hà Nội giãn cách. "Cả ngày chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, chỉ biết làm bạn với máy tính, điện thoại để lướt mạng, xem phim. Mình rất "thèm" người cùng trò chuyện, cười nói. Vài tháng xa quê rồi, mình chỉ mong mau mau hết dịch để được về với bố mẹ và các em" - sinh viên Đỗ Phương Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trải lòng.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"
Hiện Hà Nội có hàng nghìn sinh viên mắc kẹt khi thành phố giãn cách. Dù các trường chủ động chuyển sang dạy trực tuyến từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều sinh viên vẫn trở lại Hà Nội vì phải duy trì việc làm thêm, thực tập hay vướng lịch thi.
Trước thực trạng này, nhiều trường học, tổ chức đã khẩn trương có biện pháp nhằm hỗ trợ những sinh viên gặp khó khăn do bị kẹt lại Hà Nội.
Hoàng Thị Huê - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hào hứng chia sẻ khi nhận được sự hỗ trợ của khoa Phát Thanh - Truyền hình: "Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của khoa và nhà trường. Trước khi nhận được sự hỗ trợ này, mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi trong nhà không còn một chút lương thực dự trữ, bố mẹ mình cũng không thể gửi đồ ăn lên Hà Nội do dịch bệnh phức tạp".
Giống với Huê, sinh viên Đỗ Bích Nhàn cũng tỏ ra vô cùng hào hứng khi nhận được số tiền hỗ trợ trị giá 300.000 đồng đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền; cùng suất quà với các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, đồ hộp, dầu ăn, trứng… của quận Cầu Giấy.
Sống tại ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đỗ Bích Nhàn cho hay, thời điểm này, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, các thầy cô trong Ban quản lý ký túc xá còn tạo điều kiện cho sinh viên được phép nấu ăn và liên tục hỏi han, quan tâm, tìm nhiều nguồn hỗ trợ giúp sinh viên vượt qua những ngày sóng gió.
Là sinh viên năm 3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Nam Thành tâm sự, những ngày đầu giãn cách, cuộc sống của Thành chứa đầy mối lo khi sinh viên này phải ăn mì tôm chống đói trong suốt một tuần dài. Thấy Đại học Bách khoa Hà Nội có chương trình hỗ trợ sinh viên, Nguyễn Nam Thành đã đăng ký và nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ của nhà trường.
"Đúng là "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Trong lúc giãn cách khó khăn, sự quan tâm, cứu trợ của trường như tiếp thêm cho mình động lực và sự an tâm để có thể "chiến đấu" với những ngày giãn cách sắp tới".
Trước tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, sự hỗ trợ kịp thời về lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đến từ phía cá nhân, tổ chức hay các cơ quan đoàn thể như một lời an ủi và động viên quý giá dành cho sinh viên các trường đại học; để tất cả cùng giữ vững tinh thần, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về những ngày bình yên.