Sinh viên “lao đao” vì thi vấn đáp
Thời điểm này, hầu hết sinh viên các trường ĐH, CĐ bắt đầu thi hết học phần 2. Không ít sinh viên năm thứ nhất “lao đao” với việc thi vấn đáp…
“Bi kịch” thi vấn đáp
Bạn Nguyễn Lan Phương, sinh viên năm nhất, lớp Văn hóa học 1A, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tâm sự: “Càng đến gần ngày thi mình càng thấy căng thẳng. Mỗi môn thi thầy cô cho đề cương mấy chục câu hỏi. Thi viết 2-3 câu mình tin là sẽ làm tốt nhưng khi thi vấn đáp, ngồi “đối mặt” với thầy, mình không trả lời được gì cả”.
Bạn Nguyễn Văn Tỉnh, lớp truởng lớp Văn hóa học 1A cho biết: “Có đến 2/3 các bạn trong lớp gặp phải khó khăn như bạn Phương nên nhiều bạn phải thi lại, nếu có qua thì điểm cũng không cao. Các bạn ấy hiểu bài nhưng không biết cách trình bày,diễn đạt câu trả lời cho rõ ràng”.
Bạn Nguyễn Thị Huệ, lớp QT17A, Trường ĐH Công đoàn tâm sự: “Do đặc trưng của ngành học nên các thầy cô trong khoa thường chọn hình thức thi vấn đáp. Đến thi học phần 2 này, ai nấy cũng đã dần rút ra được “mẹo” nên chỉ còn chút tâm lí lo lắng trước ngày thi”.
Bạn Trần Đặng Công, lớp Điện tử K4, Trường ĐH Thái Nguyên cho biết, kỳ này có 8/10 môn thi vấn đáp, dù rất hoạt ngôn nhưng do ham chơi, thường xuyên không đến lớp nên mình cũng rơi vào “bi kịch” thi vấn đáp. Sát ngày thi, Công mượn sách vở của bạn bè và “vắt chân lên cổ” chạy. Cả ngày đêm bù đầu vào mớ kiến thức hỗn độn cộng với áp lực tâm lí, đến ngày thi, Công lăn ra ốm nên khó thi tốt.
Cần chuẩn bị tốt cả về tâm thế và kiến thức
Đó là những chia sẻ của cô giáo Đặng Hà Chi, giảng viên môn Logic học, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Theo cô, để đạt được kết quả tốt khi thi vấn đáp, cần có thêm phương pháp. Khi nhận được câu hỏi, các em nên chuẩn bị toàn bộ nội dung vào giấy. Nhiều sinh viên chưa chuẩn bị hết nội dung câu hỏi đã vội vàng lên trả lời thi, như vậy là bất lợi. Các câu hỏi thi vấn đáp bao giờ cũng có nội dung vừa đủ để sinh viên chuẩn bị trong khoảng thời gian 10 phút nhưng không nên chuẩn bị có thế. Các em cần có sự liên hệ giữa vấn đề trong câu hỏi đặt ra với những nội dung khác nằm trong môn học. Ngoài ra, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng trình bày vấn đề khúc triết, rành mạch.
Thạc sỹ Hoàng Trọng Nhất, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, hầu hết các khoa trong trường đều chọn hình thức thi vấn đáp vì tính chính xác, nhanh gọn. Tuy nhiên, nhà trường thường xuyên quán triệt từng giảng viên tránh tạo không khí căng thẳng khi hỏi thi, mà xem như cuộc trao đổi giữa thầy và trò về một vấn đề. Mục đích cuối cùng là giúp sinh viên mở rộng vấn đề, kích thích sự sáng tạo trên nền kiến thức cơ bản.
Hoàng Hòa Bình, sinh viên năm nhất, lớp 1B, khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, người duy nhất trong khoa nhận được học bổng giỏi trong học phần 1 vừa qua cho biết, nên chú ý nghe giảng và làm bài thường xuyên. Học theo phương pháp mind mapping (bản đồ tư duy) dễ nhớ và dễ so sánh kiến thức.