Sinh viên chi 5 triệu đồng để chọn nơi học "lạ đời"
(Dân trí) - Thay vì đến thư viện hay quán cà phê, ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc chọn công viên giải trí làm nơi học tập. Họ đến đây không phải để vui chơi, mà để tìm kiếm sự thư giãn và nguồn cảm hứng.
Trào lưu đến công viên học bài
Li Xishan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Trung y Bắc Kinh, chia sẻ rằng việc học tập, nghiên cứu cường độ cao khiến cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.
"Nếu phải học hàng giờ liền, tại sao không làm điều đó ở một nơi thú vị? Ít ra tôi có thể nghỉ ngơi bằng cách quan sát khung cảnh đẹp đẽ xung quanh, thay vì ngồi một chỗ nhìn bốn bức tường hoặc thấy toàn những người cũng đang cắm cúi vào sách vở trong thư viện giống như tôi", Li nói.

Không gian trong công viên khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy cân bằng hoàn hảo giữa học và chơi (Ảnh minh họa: Leoai).
Li đã mua vé năm tại một công viên giải trí nổi tiếng tại Bắc Kinh và thấy trải nghiệm học tập tại đây rất "đáng tiền". Li thường đến công viên từ sáng sớm, chọn một góc yên tĩnh trong tiệm cà phê, vừa uống cà phê vừa học. Tiếng ồn xung quanh như tiếng trò chuyện hay tiếng trẻ nhỏ vui đùa không làm cô mất tập trung, ngược lại, Li thấy bớt cô đơn trong quá trình học kéo dài.
Có những hôm cô ở công viên cả ngày để học. Thói quen học tập đặc biệt này của Li cũng truyền cảm hứng cho một số bạn bè của cô, họ cùng lập nhóm để học tập tại công viên.
Vé năm mua tại những công viên chất lượng hàng đầu ở các thành phố lớn của Trung Quốc thường dao động từ 1.000 tệ đến 1.500 tệ/năm (từ 3,5 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng).
Ye Shuyan (20 tuổi), một sinh viên theo học chuyên ngành y khoa tại Đại học Thượng Hải, cũng mua vé năm tại một công viên nổi tiếng nằm trong thành phố để thường xuyên đến đây học bài.
"Không gian trong công viên mang đến sự cân bằng hoàn hảo giữa học và chơi", Ye chia sẻ. Cô thường học ở một góc yên tĩnh trong công viên, để vừa có thể tập trung học bài vừa được nhìn ngắm cảnh quan đẹp.
"Tôi đặt mục tiêu rõ ràng cho mỗi buổi học. Chỉ khi hoàn thành xong, tôi mới cho phép bản thân nghỉ ngơi bằng việc chơi một số trò chơi trong công viên, hoặc đi lại tham quan, nhìn ngắm hồi lâu", Ye cho hay.

Không gian xanh rộng mở, tiếng nhạc vui vẻ, ánh sáng chan hòa khiến việc học trở nên nhẹ nhàng, thư giãn (Ảnh minh họa: Leoai).
Không chỉ là nơi "vừa học vừa chơi", công viên còn giúp người học duy trì cảm nhận tích cực trong quá trình học tập. Tuy nhiên, Ye nhấn mạnh, cách học này không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt nếu người học không có khả năng tập trung tốt, không có phương pháp học tập tốt.
Zhao Xinyue, sinh viên ngành khoa học máy tính tại Đại học Nam Kinh, cũng tìm đến công viên để học với tần suất 5-6 lần mỗi tháng. Học tại công viên khiến cô cảm thấy thư giãn và tập trung hơn. Khi căng thẳng, cô chơi trò chơi trong công viên để thư giãn, sau đó, cô quay lại việc học và thường tìm được cách giải quyết đối với vấn đề gặp phải.
Đằng sau trào lưu học tập, làm việc ở nơi "lạ đời"
Không chỉ sinh viên và nghiên cứu sinh tìm đến công viên để học, nhiều người trưởng thành đang làm những công việc linh động về không gian cũng chọn tới công viên để làm.
Xu Han (28 tuổi) đang sống tại thành phố Thượng Hải thường coi công viên là một văn phòng lý tưởng. Mỗi khi thu xếp được, cô đều đến công viên làm việc.
"Không gian xanh rộng mở, tiếng nhạc vui vẻ, ánh sáng chan hòa khiến công việc trở nên nhẹ nhàng, thư giãn", Xu nói. Cô thường làm việc tại công viên đến chiều, ăn uống ngay tại công viên. Theo Xu, làm việc ở công viên - không gian của niềm vui - giúp cô cân bằng tâm lý, xua tan áp lực.
Xiao Ruan, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành kiến trúc đang sinh sống và học tập tại Bắc Kinh, chọn công viên làm nơi học tập không phải vì chạy theo trào lưu, mà vì tính thực tiễn. Xiao Ruan tâm sự: "Ký túc xá chật chội, thư viện gò bó, tôi chỉ thích không gian thoáng đãng và có ánh sáng tự nhiên. Công viên chính là lựa chọn phù hợp nhất".

Thay vì đến thư viện hay quán cà phê, ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc chọn công viên giải trí làm nơi học tập (Ảnh minh họa: Leoai).
Hiện tượng học tập ở những nơi "lạ đời" phản ánh áp lực ngày càng lớn đối với giới trẻ Trung Quốc. Yu Hai - Giáo sư chuyên ngành xã hội học giảng dạy tại Đại học Phục Đán - nhận định: "Học ở công viên không chỉ là chiến lược nhằm gia tăng hiệu quả học tập, mà còn là hành động nổi loạn nhẹ, thể hiện sự phản kháng lại những chuẩn mực cứng nhắc thường thấy trong việc học".
Theo Giáo sư Yu Hai, việc học tập trong một không gian ồn ào, trong khi hoạt động học tập vốn đòi hỏi sự tập trung, vẫn sẽ tạo ra những thách thức đối với người học. Trào lưu tìm đến công viên để học ban đầu có thể khá vui, nhưng tính bền vững của trào lưu này sẽ cần thời gian trả lời.