Sinh viên bế con lên nhận bằng tốt nghiệp: Vui thôi, đừng vui quá?
(Dân trí) - Xuất hiện ngày càng nhiều sinh viên bế con lên nhận bằng tốt nghiệp đại học... được "tung hô" lên mạng xã hội khiến không ít phụ huynh lo lắng tạo tiền lệ xấu cho giới trẻ.
Ông Minh (61 tuổi), phụ huynh của sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing, từng bất ngờ khi chứng kiến một nam sinh viên với gương mặt trẻ măng nhưng rất hào hứng bế con nhỏ lên nhận bằng tốt nghiệp đại học.
22 tuổi, cái tuổi mà theo vị phụ huynh này các bạn còn quá ít kinh nghiệm và sự trải đời để gánh vác trọng trách làm cha, làm mẹ. Đáng nói, thời gian gần đây, nhiều tân cử nhân bế con lên nhận sân khấu nhận bằng tốt nghiệp được truyền thông, mạng xã hội "tung hô", thậm chí tôn vinh như một thành tích đáng tự hào.
"Đọc báo chí ca ngợi 5-6 trường hợp tự hào đưa con lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp mà tôi thấy ngao ngán. Ngay cả trang Facebook của các trường cũng đăng bài về trường hợp này mà không hề có thêm lời cảnh báo hay nhắc nhở sinh viên", ông Minh bày tỏ.
Phụ huynh lo lắng nếu không đi đúng hướng, đây có thể trở thành trào lưu xấu cho các bạn trẻ.
Tốt nghiệp đại học là sự kiện quan trọng của cuộc đời, nhiều người mong muốn lưu lại những kỷ niệm đặc biệt cùng gia đình. Cũng chính vì thế, hình ảnh những cô, cậu tân cử nhân bồng con lên sân khấu để nhận bằng được lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông tạo nên dư luận trái chiều.
Bên cạnh những lời khen thích thú cũng có không ít lo ngại về hiện tượng sống thử, "ăn cơm trước kẻng" dẫn đến có thai ngoài ý muốn đang âm ỉ trong giới học sinh, sinh viên.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, cho rằng với những người lớn tuổi, đã có gia đình nhưng vẫn cố gắng đến trường với tinh thần học tập không ngừng nghỉ sẽ cần được tôn vinh. Những sinh viên "quá tuổi" đến cùng gia đình, con cái trong dịp trọng đại như vậy là bình thường.
Tuy nhiên, những sinh viên đi học đúng tuổi sẽ cần nhìn nhận đúng đắn hơn. Theo ông Nam, độ tuổi 18-22 là giai đoạn tốt nhất để tích lũy tri thức và hoàn thiện kỹ năng, do đó, sinh viên cần chú tâm cho quá trình học tập.
Khi kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ vừa đi học vừa làm chồng/vợ, là cha/mẹ, sinh viên sẽ khó để toàn tâm toàn ý tiếp thu kiến thức.
Thực tế quá trình giảng dạy, PGS.TS Trần Thành Nam đã gặp không ít trường hợp sinh viên mang bụng bầu hoặc bế con đến giảng đường.
"Có những bạn sẽ làm tốt cả 2 nhiệm vụ cùng lúc nhưng cũng có nhiều trường hợp coi việc mang thai, có con nhỏ là cái cớ để các thầy cô thông cảm cho chất lượng học tập, đề tài tốt nghiệp.
Trong tình huống này, chúng ta cần ứng xử công bằng, không nên tôn sùng, ca ngợi. Điều này có thể để lại hệ lụy không tốt", ông Nam thẳng thắn nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng việc mang thai, sinh con trong thời gian học đại học hầu hết đều ngoài ý muốn. Bản thân các bạn sinh viên không nên thể hiện đây là một điều tự hào, càng không nên được báo chí, truyền thông ca ngợi.
Khi sinh viên được ca ngợi vì có con từ sớm sẽ mang nhiều hàm ý, khiến người trẻ nghĩ rằng học đại học dễ dàng, nhàn hạ. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Để học thật, đáp ứng được công việc khi ra trường không phải là một tiến trình thoải mái và dễ dàng.
"Đừng nghĩ vào đại học là học đại. Sinh viên phải có mục tiêu, lập kế hoạch và phải đổ mồ hôi, công sức mới có được tri thức", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Ở góc độ khác, vị chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc làm cha mẹ nên cân nhắc về sức khỏe, chế độ nghỉ ngơi, môi trường âm thanh, ánh sáng... khi để trẻ quá nhỏ xuất hiện ở sự kiện như lễ trao bằng tốt nghiệp.
Đồng quan điểm, ThS Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình, phân tích ở khía cạnh nào đó, việc sinh viên lỡ có con nhưng vẫn tốt nghiệp được đại học cho thấy sự nỗ lực.
Song, ở khía cạnh lứa tuổi, sinh viên thường rơi vào hoàn cảnh có con ngoài ý muốn, chưa có định hướng rõ ràng về tương lai, chưa đủ chín chắn, chưa có kinh tế vững vàng... Do đó, vừa đi học vừa sinh con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả cha mẹ và đứa bé, việc học hành cũng không trọn vẹn.
"Điều quan trọng là chúng ta không nên cổ súy cho việc có con trong thời gian học đại học. Nhiều bạn đã phải bỏ dở việc học bởi có thai ngoài ý muốn. Các nhà trường, xã hội cần quan tâm định hướng cho sinh viên. Không nên tạo suy nghĩ mang thai, có con khi học đại học là điều đáng tự hào, được ca ngợi", bà Minh Hoa bày tỏ.