“Sính” thi cử!

Bộ GD&ĐT nghiêm cấm tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, tình hình này vẫn diễn ra dưới các tên gọi khác nhau như “khảo sát năng lực”, “khảo sát chỉ số thông minh”, “khảo sát năng khiếu”…

Dù mục đích của các cuộc “khảo sát” là khác nhau nhưng cũng vô hình trung tiếp tay cho việc thi cử nặng nề.

Ở nhiều địa phương, những ngày này cũng đang diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mà tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Khoan bàn về sự cần thiết hay không cần thiết của kỳ thi này nhưng điều chắc chắn là một kỳ thi như vậy luôn làm học sinh phải căng thẳng, mệt mỏi.

So với hệ thống giáo dục của các nước phát triển, dường như việc thi cử không phải là mối bận tâm của học sinh. Học sinh các nước “chơi mà học” nhiều hơn đối phó với thi cử và họ vẫn đào tạo ra được nhiều công dân có ích cho xã hội.

Trước đây, sau khi lắng nghe dư luận xã hội, ngành GD&ĐT đã lần lượt bỏ các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS; xóa bỏ hệ trường chuyên ở bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì ở nhiều địa phương lại xuất hiện kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mà trước đây không có. Các địa phương này giải thích nếu không thi học sinh làm biếng học, chất lượng đầu vào lớp 10 sẽ thấp. Tuy nhiên, cũng có địa phương như Khánh Hòa “nói không” với thi lớp 10 vì thấy không cần thiết, ngoại trừ tạo thêm căng thẳng cho học sinh và tốn kém ngân sách.

Dù hô hào hãy bớt thi cử đi để việc học của các em diễn ra một cách nhẹ nhàng nhưng trong hệ thống nhà trường hiện nay vẫn còn quá nhiều kỳ thi. Rõ ràng tâm lý “sính” thi cử còn hết sức nặng nề! Các kỳ thi là tác nhân đẩy học sinh đi học thêm nhiều hơn. Đêm đêm các trường học vẫn đỏ đèn học thêm. Đó là hình ảnh không bình thường của hệ thống giáo dục.

Một trong các nguyên nhân “sính” thi cử là do nhận thức lệch lạc về vai trò của thi cử. Họ cho rằng có thi cử thì người học mới chuyên cần. Thật ra một hệ thống giáo dục được đánh giá tốt không phải nhờ tổ chức thêm các kỳ thi, mà ngược lại chỉ cần làm tốt các kỳ kiểm tra định kỳ hằng năm ở mỗi cấp lớp theo quy định. Đó là chưa kể những tác hại của kiểu giáo dục nặng thi cử mang lại như tâm lý sợ đi học trong học sinh. Nặng hơn, các em có thể mắc các biến chứng về tâm thần. Số học sinh phải vào bệnh viện tâm thần không giảm thời gian qua đã nói lên điều đó.

Trước tâm lý “sính” thi cử, xã hội đã phản ứng lại bằng việc ra đời loại hình trường phổ thông liên thông từ tiểu học lên THCS, THPT, các em học một mạch không phải thi cử chuyển cấp. Chất lượng của các trường này không hề giảm, thậm chí ngày càng có uy tín trong xã hội.

Có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục cần rà soát tình hình thi cử tràn lan trong toàn hệ thống. Đối với những loại thi cử vô bổ thì kiên quyết loại bỏ.
 
Theo Từ Nguyên Thạch
Pháp luật TPHCM