SGK chưa tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh

(Dân trí) - Theo GS.TS Đinh Quang Báo, sách giáo khoa (SGK) hiện nay còn bất cập so với những gì mà thời gian tới chúng ta sẽ làm. Hiện nay, SKG chưa tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh dạy và học theo hướng “tích hợp”.

Sau khi kết thúc hội thảo quốc tế “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam” do Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch phối hợp tổ chức, GS. TS. Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người được Bộ GD-ĐT cử làm Ban thường trực đề án đổi mới chương trình, SGK khẳng định: “Các chuyên gia Đan Mạch đã cho chúng ta một cách nhìn khác về đổi mới giáo dục”.
 
SGK chỉ là một yếu tố để thực hiện chương trình
 
Theo GS Đinh Quang Báo, hiện nay dư luận hiện có ý kiến cho rằng sách giáo khoa (SGK) có nhiều bất cập nhưng ở đây chúng ta phải xác định cho rõ là bất cập ở những điểm nào. Về mặt nội dung khoa học thì SGK nó có thể những sai sót nhỏ ở chỗ này chỗ kia, đây không phải là vấn đề quá lớn. Mấu chốt ở đây là SGK phải đổi mới cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của chương trình. SGK chỉ là cái thể hiện, là 1 yếu tố để thực hiện chương trình chứ SGK không phải là tất cả.
 
Giáo viên vẫn là vai diễn chính trong việc đổi mới giáo dục

Giáo viên vẫn là "vai diễn" chính trong việc đổi mới giáo dục
 
Với cách nghĩ như vậy, SGK hiện nay còn bất cập so với những gì mà thời gian tới chúng ta sẽ làm. Hiện nay, SKG chưa tạo thuận lợi cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) dạy và học theo hướng “tích hợp”. Đây là điều mà thời gian sắp tới cần phải đổi mới một cách rất căn bản.Từ việc xác định thành phần, cơ cấu nội dung, cách cấu trúc nội dung của SGK, việc thể hiện tích hợp giữa các SGK gồm các môn học khác nhau, ví dụ SGK môn khoa học tự nhiên gồm Lý, Hóa, Sinh thì việc thể hiện từng lĩnh vực chuyên ngành và việc khớp nối giữa các lĩnh vực đó với nhau.

“Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng chương trình quá nặng thậm chí là dùng từ quá tải nhưng theo quan điểm của tôi thì cần phải nhìn nhận là thể là do nó hơi nặng về những điều không thật sự cần thiết, những điều rất cần thiết lại thiếu, không cân đối giữa các điều ấy thì đúng hơn. Khi chúng ta dạy những điều không cần thiết, không tập trung vào những trọng số thì lúc đó trở nên quá tải. Nếu theo yêu cầu để phát triển năng lực HS thì tôi cho là SGK của chúng ta so với các nước không phải là quá tải” - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Cũng theo GS Báo, hội thảo lần này có cách tổ chức nội dung logic, các chuyên gia làm việc một thẳng thắn và có nhiều ý kiến đóng góp tích cực. Đầu tiên các chuyên gia nước ngoài trình bày kinh nghiệm của các nước, những vấn đề về lí luận, xu hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay của thế giới. Từ đó xác định mục tiêu của con người thời đại mới, các nhóm như Toán, Khoa học xã hội, Mỹ thuật..., sẽ tự xác định lấy mục tiêu của mình.

Hội thảo lần này cũng cho chúng ta một nhận thức rằng, chương trình, SGK chỉ là một yếu tố “tĩnh”. Thay đổi chương trình, SGK có thể là khó nhưng không khó bằng việc sau này “kịch bản” đó diễn ra như thế nào để mang lại hiệu quả, đây là một vấn đề khá nan giải. Trong tương lai, SGK sẽ như là kịch bản mang yếu tố kiến tạo và có hướng mở. Kết quả dạy và học phụ thuộc rất nhiều vào vai trò chủ động của GV. Vai diễn GV quyết định đến sự tiếp thu và vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS.

Cần đánh giá giáo viên theo hướng mới

Trong bài trình bày bản thu hoạch kết thúc hội thảo, GS Đinh Quang Báo chia sẻ, hiện nay cách đánh giá GV của chúng ta là chưa hợp lý. Đánh giá GV của ta xưa nay là nhìn vào GV thao tác để đánh giá GV, do đó người đánh giá ngồi bên dưới lớp nhìn GVthao tác trên bảng dẫn đến bị co cụm. Nhưng đối với nước ngoài thì ghế ngồi đánh giá lại ở trên cùng bởi họ không quá chú trọng nhìn vào thao tác của GV mà lại tập trung quan sát vào sự chuyển biến của từng học trò, từ diễn biến tâm lý cho đến kết quả học tập. Đánh giá GV phải nhìn vào sản phẩm mà họ tác động vào.

“Vấn đề này đã được các chuyên gia trao đổi khá sâu ở hội thảo lần này và chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề sâu sắc mà Việt Nam cần phải học hỏi” - GS Báo trình bày quan điểm.

Cũng theo GS Báo thì ngay như bản thân cách làm hiện nay là lấy ý kiến đánh giá của HS về GV cũng cần phải thay đổi. Ở đây không nên nhìn nhận là HS đánh giá GV đó tốt hay không tốt mà cần đặt ra vấn đề mình chuyển biến như thế có thỏa mãn hay không. Họ phải tự đánh giá được là với sự tác động của GV thì được chuyển biến như thế nào? Đây là một vấn đề cần phải được quan tâm trong việc bồi dưỡng, đào tạo GV trong thời gian tới.

S.H