Sẽ đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của HSPT
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo về quy định đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh phổ thông (HSPT). Theo dự thảo này thì các đánh giá định kỳ quốc gia sẽ được thực hiện ở các khối lớp 5, 9 và 11.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mục tiêu đánh giá định kỳ quốc gia nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm góp phần điều chỉnh việc thực hiện chương trình GDPT hiện hành và tạo cơ sở thực tiễn cho việc phát triển chương trình GDPT tiếp theo.
Bên cạnh đó xác định những nhân tố tác động đến kết quả học tập nhằm cung cấp thông tin góp phần điều chỉnh các chính sách giáo dục hiện hành và xây dựng những chính sách mới để phát triển sự nghiệp GDPT. Cung cấp kết quả và phương thức đánh giá kết quả học tập cho các địa phương để thực hiện các hoạt động đánh giá quy mô cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và cấp quận/huyện, tạo cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển giáo dục của các địa phương.
Theo dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố thì việc đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh phổ thông được thực hiện trên quy mô toàn quốc. Chu kỳ đánh giá định kỳ quốc gia được thực hiện 5 năm một lần. Nội dung đánh giá bao gồm những kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành do Bộ GD-ĐT ban hành. Các môn học được đánh giá: Đối với khối lớp 5 gồm môn Toán và môn Tiếng Việt, đối với các khối lớp 9 và 11 gồm môn Toán và môn Ngữ văn. Trong mỗi lần đánh giá có thể thêm một số môn học khác tùy theo mục đích cụ thể của lần đánh giá đó.
Phương pháp đánh giá là thu thập thông tin về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh như: điều kiện kinh tế - xã hội; đặc điểm cá nhân và hoàn cảnh gia đình học sinh; điều kiện cơ sở vật chất trường học; nội dung chương trình giáo dục; hoạt động quản lý, chỉ đạo và thực hiện chương trình giáo dục... Sử dụng các kĩ thuật và các phần mềm tin học tiên tiến để phân tích kết quả đánh giá và xác định các nhân tố tác động đến kết quả học tập nhằm cung cấp thông tin góp phần điều chỉnh và xây dựng các chính sách giáo dục.
Công cụ đánh giá chủ yếu là các bài kiểm tra đánh giá kết quả các môn học của học sinh. Các bài kiểm tra đánh giá kỹ năng dạy học của giáo viên.
Nguyễn Hùng