Tuyển sinh ĐH, CĐ 2007:
Sẽ có những bất ngờ đối với các trường không tổ chức thi
(Dân trí) - Mùa tuyến sinh năm 2007, có rất nhiều thí sinh đăng kí nguyện vọng 1 vào các trường không tổ chức thi bằng cách đăng kí dự thi “nhờ”. Phải chăng cơ hội vào các trường không tổ chức thi “dễ dàng” hơn so với các trường tổ chức thi?
Theo thống kê tại các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh, năm nay lượng thí sinh “mượn” các trường có tổ chức thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường khác tăng mạnh. Đặc biệt số hồ sơ ĐKDT “nhờ” này tập trung chủ yếu vào các trường ĐH, CĐ công lập không tổ chức thi và một số trường dân lập có ưu tín.
Vì sao thí sinh ĐKDT “nhờ” tăng?
Theo thực tế các năm tuyển sinh gần đây số lượng hồ sơ ĐKDT “nhờ” là khá khiêm tốn. Chính vì điều này đã làm cho điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi là khá thấp.
Thậm chí với những trường ĐH công lập khá có uy tín như ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng yên, ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, ĐH Lao động - Xã hội… nhưng điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường cũng cực kì mềm.
Cụ thể, mùa tuyển sinh năm 2006 điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định chỉ là 13 điểm; ĐH Lao động Xã hội có điểm dao động từ 17-19; ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên: 18 điểm…
Thấp hơn nữa là khối các trường ĐH, CĐ dân lập điểm chuẩn NV1 chỉ là 13 hoặc 14 điểm. ĐH Dân lập Đông Đô, Dân lập Lương Thế Vinh: Điểm chuẩn các ngành là 13-14 điểm, ĐH Dân lập Hải Phòng: Hầu hết các ngành là 13 điểm, ĐH Dân lập Văn Lang: Khối A, D: 13-14 điểm; Khối V, H ( nhân hệ số 2 môn năng khiếu): 18-22 điểm.
Nhìn theo mặt bằng chung thì rõ ràng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi “dễ” hơn rất nhiều so với các trường ĐH, CĐ thi.
Do nắm bắt được đặc điểm này, nên nhiều thí sinh đã quyết định đầu đơn ĐKDT “nhờ” với hi vọng sẽ có một “suất” vào ĐH.
Thí sinh “khôn”, điểm chuẩn có tăng?
Với việc nhiều thí sinh đầu đơn vào các trường không tổ chức thi chắc chắn sẽ làm biến động điểm chuẩn NV1 của khối các trường này. Tuy nhiên sự biến động điểm chuẩn NV1 có thể là một sự nghịch lý.
Sự nghịch lý này sẽ xuất phát từ việc nhiều trường không tổ chức thi sẵn sàng “nhận” hết những thí sinh đầu đơn NV1 vào trường, cho dù điểm chuẩn có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2006.
Sở dĩ các trường sẽ làm như vậy là do trong mùa tuyển sinh năm 2006 nhiều trường không tổ chức thi mặc dù nhận điểm chuẩn NV1 ở mức thấp nhưng cũng phải “chật vật” lắm mới tuyển sinh đủ chi tiêu.
Do đó năm nay các trường cũng chẳng dại gì mà làm khổ mình khi có nguồn nhận lực đầu vào đông đảo hơn các năm trước đây.
Tuy nhiên sự “dễ dàng” cho nguyện vọng 1 sẽ là sự khó khăn cho nguyện vọng 2, 3. Với việc dành nhiều chỉ tiêu cho NV1 chắc chắn số chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 giảm đột biến so với năm 2006 do đó mặt bằng điểm chuẩn nguyện vọng 2,3 vào các trường năm 2007 sẽ tăng cao. Thậm chí ở một số trường ĐH, CĐ dân lập sẽ không còn chuyện xét tuyển NV ở mức điểm sàn.
Theo thống kê hồ sơ của các trường ĐH phía Nam, thì số lượng hồ sơ ĐKDT “nhờ” của ĐH Công nghiệp TPHCM có 5.417 thí sinh, ĐH Sư phạm TPHCM có 3.615 thí sinh, ĐH Mở TPHCM hơn 2.000 hồ sơ, ĐH Luật TPHCM gần 500 hồ sơ, ĐH Kinh tế TPHCM gần 1.500 hồ sơ…
Hầu hết các hồ sơ này đầu đơn vào các trường ĐH Dân lập, nhiều nhất là ĐH Dân lập Văn Lang.
Đối với các trường ĐH Phía Bắc, chưa thống kê đầy đủ số lượng hồ sơ ĐKDT “nhờ” song hầu hết các trường đều có thí sinh ĐKDT “nhờ” mà chủ yếu là tập trung vào các trường ĐH, CĐ công lập và một số trường dân lập uy tín không tổ chức thi. |
Nguyễn Hùng