Sẽ bùng nổ kinh doanh dịch vụ giáo dục

Giáo sư Anne Marie Schlosser, Giám đốc Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG), thuộc Đại học Kinh tế quốc dân dự đoán, giáo dục sẽ trở thành một ngành kinh doanh có tốc độ phát triển cao.

Dựa trên những cơ sở nào mà bà dự đoán đây sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài?

 

VN đang có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, đào tạo nghề, thậm chí một số địa phương còn đưa ra các dự án cụ thể để mời gọi đầu tư.

 

Trong khi đó, nhu cầu mở mang kiến thức của người dân VN rất lớn, đặc biệt với những ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin.

 

Trong vài năm trở lại đây lượng học sinh VN du học ở nước ngoài tăng rất nhanh, một phần do trong nước thiếu các khóa học chất lượng cao, bằng cấp được quốc tế công nhận. Đây chính là lý do tới đây VN sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài.

 

Khi quyết định mở chương trình Thạc sỹ Kinh tế về ngân hàng và tài chính vào năm 2003, CFVG có tiến hành khảo sát về nhu cầu nhân lực cao cấp tại VN không?

 

Có chứ, chúng tôi tiến hành khảo sát rất kỹ từ năm 2001 tại tất cả các trường đại học và các thành phố lớn qua nhiều kênh phỏng vấn, báo chí, số liệu thống kê...

 

Kết quả cho thấy VN rất thiếu các chuyên gia cao cấp trong các ngành dịch vụ, nhất là tài chính ngân hàng. Trong khi đó trên cả nước chưa có chương trình nào liên kết với nước ngoài đào tạo nhân lực cao cấp trong lĩnh vực này.

 

Theo dự đoán của chúng tôi, nhu cầu này càng bức thiết hơn khi VN gia nhập WTO, mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính. Hiện hệ thống ngân hàng thương mại trong nước có khoảng 100 đơn vị chưa kể các ngân hàng, hãng bảo hiểm nước ngoài, tới đây sẽ có thêm nhiều tập đoàn tài chính thâm nhập thị trường VN.

 

Tham gia các khóa học do phía nước ngoài liên kết đào tạo, học viên VN có những thuận lợi và khó khăn gì?

 

Nếu phía nước ngoài là những tổ chức giáo dục chất lượng, uy tín học viên VN sẽ có rất nhiều thuận lợi, bằng cấp được công nhận nhưng chi phí cả khóa học chỉ thấp hơn nhiều so với ở nước ngoài.

 

Chẳng hạn, tham gia chương trình thạc sỹ Kinh tế về Ngân hàng và tài chính do Trường quản lý châu Âu (ESCP-EAP) phối hợp với Đại học Dauphine Paris tổ chức tại Hà Nội học viên sẽ học 13 môn chuyên ngành, hoàn toàn do các giáo sư của Pháp, Đức và Mỹ giảng dạy bằng tiếng Anh và được chia nhóm để thảo luận trực tiếp với các chuyên gia kinh tế trong nước. Học viên làm luận văn tốt nghiệp, nếu bảo vệ thành công sẽ được cấp bằng Thạc sỹ của Pháp.

 

Tuy nhiên, đầu vào để tham gia các khoá học này khá cao, học viên thường phải trải qua phỏng vấn bằng tiếng Anh do các trường tổ chức. Ngoài ra, họ cũng phải có khả năng kinh tế để tham gia các khoá thực tế tại nước ngoài.

 

 

Theo Việt Phong

Vnexpress