Sáng tạo văn chương thời 4.0 vào đề thi HS giỏi quốc gia

(Dân trí) - Đề thi môn Ngữ văn, kì thi HS giỏi quốc gia năm nay được đánh giá mang hướng mở. Trong đó, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bàn về cá tính bản thân, câu nghị luận văn học bàn về sự sáng tạo trong văn học là độc quyền của con người.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019 diễn ra từ ngày 13 - 15/1 với 12 môn thi. Với môn Ngữ Văn, đề thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2019 vẫn giữ nguyên cấu trúc gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Đề thi môn Ngữ văn năm nay mang hướng mở. Cụ thể, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bàn về cá tính bản thân, trong khi câu nghị luận văn học lại bàn về sự sáng tạo trong văn học là độc quyền của con người.

Đề thi yêu cầu:                

Câu 1 (8 điểm): “Hãy để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng nói ồn ào, náo loạn từ bên ngoài”.

Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên?

Câu 2 (12 điểm): “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người"?

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.

 

Sáng tạo văn chương thời 4.0 vào đề thi HS giỏi quốc gia - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn năm 2019.

 

Theo thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Nam Định), đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm 2019 thiết thực với người học.

Đặc biệt, hiện nay người ta đang bàn nhiều đến cuộc cách mạng 4.0 trong giáo dục, do đó đề thi đã đề cập đến vấn đề rất thời sự.

Cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội chia sẻ, đề thi này mở nên đáp án cũng sẽ theo hướng mở.

Điều quan trọng là học sinh phải nhạy bén trong quá trình đọc đề mới có thể hiểu được nội dung, yêu cầu của ý kiến luận bàn: “Hãy để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng nói ồn ào, náo loạn từ bên ngoài”.

“Tôi cho rằng, mục đích của ban ra đề lần này là để đánh giá tư duy, kiểm tra khả năng sáng tạo, kĩ năng lập luận của học trò. Đồng thời đo lường được khả năng quan sát, phân tích, kết nối ý kiến luận bàn vào thực tế bản thân mỗi học sinh đã và đang trải qua để bàn luận”, cô Thu nhận xét.

Do vậy theo cô Thu, để làm bài đạt kết quả tốt, các em phải giải thích được vấn đề luận bàn, phân tích mặt tích cực, hạn chế của quan điểm, lựa chọn phạm vi tư liệu dẫn chứng trong đời sống, trong nhiều lĩnh vực mới có thể thuyết phục người đọc.

Ngoài ra, học trò cần chọn cách nhìn đa chiều, tránh phiến diện mới thấy được hết ý nghĩa, tránh cách nhìn, quan điểm thiếu thực tế.

 

Sáng tạo văn chương thời 4.0 vào đề thi HS giỏi quốc gia - Ảnh 2.

Giáo viên khó khăn trong quá trình chấm để lựa chọn được học trò có tố chất trong kì thi này. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

 

Đề thi như vậy, giáo viên khó khăn trong quá trình chấm. Như đã nói ở trên, học sinh có thể đưa ra nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Có thể tồn tại những ý kiến hoàn toàn mới, phủ định lại quan điểm của đề bài nhưng nếu lập luận tốt, dẫn chứng thuyết phục thì hoàn toàn vẫn đạt điểm tối đa.

Do vậy, giáo viên phải thấu hiểu điều này để tránh áp barem đáp án mới có thể chọn lựa học trò có tố chất trong kì thi này.

Ở câu 2, bàn về cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người, cô Thu cho rằng, sáng tạo văn chương nghệ thuật đòi hỏi sáng tạo, thể hiện tiếng nói tâm hồn của con người, bộc lộ quan điểm, tình cảm, ý đồ của người viết.

Viết trước hết là để giải trí. Cỗ máy liệu có làm được điều này? Giáo viên này cho rằng, ý kiến đưa ra trong đề thi để học sinh giỏi luận bàn là ở thì tương lai nên không thực tế trong thời điểm hiện tại.

Học sinh phải lập luận, minh chứng những điều không tưởng. Trong khi, hiện nay đất nước ta có hang trăm, hàng nghìn vấn đề đáng quan tâm luận bàn, thực tế lại không được đưa vào đề thi.

Mỹ Hà