“Sáng kiến kinh nghiệm” của giáo viên: Cực kỳ vô bổ

TS. Vũ Thu Hương: Sáng kiến kinh nghiệm cực kỳ vô bổ, bởi giáo viên copy về, báo cáo “sáng kiến” lên thì chẳng ai kiểm chứng, sử dụng.

Trao đổi với phóng viên VOV, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học – ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, “sáng kiến kinh nghiệm” của giáo viên thực sự vô bổ, còn thi “giáo viên dạy giỏi” thì dạy học sinh nói dối. Tuy nhiên, những hình thức trớ trêu này lại là tiêu chí để đánh giá một giáo viên giỏi.

Giáo viên nói dối để có học sinh giỏi

PV: Thưa Tiến sĩ, nhiều giáo viên “than trời” về việc họ phải có “sáng kiến kinh nghiệm” trong dạy học. Nhưng nếu không có “bộ sưu tập” này, họ sẽ không được xét thi đua, giáo viên giỏi. Biết là hình thức như vậy nhưng tại sao ngành Giáo dục vẫn cho tồn tại?

TS. Vũ Thu Hương: Quy trình đánh giá giáo viên hiện nay trước hết dựa trên số học sinh giỏi, khá trong lớp; sau đó là bài giảng trong tiết giảng mẫu, hay còn gọi là thi giáo viên dạy giỏi; cuối cùng là các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên.

Có một số nguyên nhân để chọn các tiêu chí trên: Thứ nhất, ngày trước chúng ta vẫn lấy tiêu chí học sinh thu được nhiều kiến thức nhất mới thành công, việc này được đánh giá bằng điểm hoặc những cách đánh giá chặt chẽ khác. Dựa trên những con số điểm như vậy, ngành Giáo dục đánh giá học sinh có thêm kiến thức và giáo viên làm tốt nhiệm vụ của mình.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

 

Thứ hai, người ta e ngại học sinh có thể học ở đâu đó hoặc bằng chiêu trò gì đó để có được kiến thức, cho nên phải sử dụng phương pháp thi giáo viên dạy giỏi. Khi thi, các chuyên gia sẽ ngồi dự như học sinh và đánh giá tiết học đó hay hay dở… Người ta nghĩ rằng, một tiết học thuyết phục được người lớn thì cũng sẽ thuyết phục được trẻ con!

Thứ ba là sử dụng sáng kiến kinh nghiệm, bởi người ta nghĩ rằng một giáo viên tâm huyết với nghề sẽ có rất nhiều kinh nghiệm và sáng kiến, nên cần chia sẻ cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, sự việc xảy ra không đúng như vậy. Bởi để cho số lượng học sinh giỏi, khá của lớp cao, giáo viên đã có rất nhiều chiêu trò, chính xác là nói dối. Đây là sự thật và hậu quả chúng ta phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm trời.

Về thi giáo viên dạy giỏi: Việc này dùng để đánh giá chính giáo viên, nhà trường, phòng, sở (GD-ĐT) cho nên khi thi giáo viên dạy giỏi thường không thi một người, mà lập tức cả trường đều đóng góp công sức vào bài giảng đó cho thật hay, thậm chí luyện trẻ con nói dối để các em “diễn” cho hay. Cuối cùng dẫn đến việc chúng ta lại dạy trẻ em nói dối lần thứ hai.

Về sáng kiến kinh nghiệm: Tôi đồng ý là khi làm việc gì tâm huyết thì sẽ có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến. Tuy nhiên, sáng kiến ghi ra giấy như vậy nhưng áp dụng vào từng người sẽ khác nhau. Hơn nữa, ngày nào, tháng nào, năm nào cũng phải sáng kiến kinh nghiệm thì đến một lúc nào đó giáo viên sẽ cạn và sáng kiến sẽ lặp đi lặp lại. Với người này là mới, nhưng người khác là cũ. Nhưng đã là “sáng kiến” thì phải mới, do đó giáo viên không còn cách nào khác là phải đi copy.

 

“Sáng kiến kinh nghiệm” của giáo viên: Cực kỳ vô bổ - 2

TS. Vũ Thu Hương (Ảnh: FB nhân vật)

PV: Trên thực tế, chị đánh giá như thế nào về những sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên hiện nay?

TS. Vũ Thu Hương: Tôi là người rất hay được các giáo viên gọi điện hỏi xin kỷ yếu nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học để “nghiên cứu” sáng kiến kinh nghiệm trong đó. Vì như vậy rất an toàn, bởi sinh viên làm xong có khi còn quên thì sao nghĩ đến người khác? Thầy cô cũng không thể nhớ hết, hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng của giáo viên lại càng không biết.

Thông thường những sáng kiến tốt thì đăng trên báo khoa học, không tốt đôi khi chìm luôn. Trong trường hợp lên báo khoa học thì hỏi xem có bao nhiêu giáo viên đọc và tiếp cận? Cho nên tôi cho rằng, nếu thay đổi thì nên làm cả hệ thống, đánh giá giáo viên từ đầu đến cuối.

Còn về sáng kiến kinh nghiệm, tôi thấy cực kỳ vô bổ. Bởi khi giáo viên đi copy về, báo cáo “sáng kiến” lên thì ai sẽ kiểm chứng, sử dụng sáng kiến đó? Chắc chắn không ai sử dụng và cứ nộp lên rồi lại xếp vào kho.

Phần lớn sáng kiến kinh nghiệm không được sử dụng. Như vậy, việc đó thực sự vô ích, gây áp lực cho giáo viên. Giáo viên là người được giao trọng trách dạy trẻ chứ không phải để nghĩ ra sáng kiến kinh nghiệm. Nhưng nếu không có sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên lại không được công nhận dạy giỏi, xét thi đua… Nên vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn.

Lãnh đạo ngành Giáo dục nên “vi hành”

PV: Vậy theo Tiến sĩ, chúng ta cần thay đổi cách đánh giá một giáo viên như thế nào cho phù hợp?

TS. Vũ Thu Hương: Để đánh giá giáo viên tiểu học vừa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, vừa không để xảy ra những câu chuyện bi hài như thế, tôi xin có đề xuất như sau:

Trưởng phòng, hoặc hiệu trưởng, giám đốc sở, thậm chí cán bộ của Bộ GD-ĐT có thể đột xuất đến một ngôi trường bất kỳ, sau đó đến bất kỳ một lớp học nào đó chọn ngẫu nhiên một số học sinh trong lớp, đưa lên phòng giao bài kiểm tra đúng trình độ, đúng bài các cháu đang học. Sau đó chấm và khớp với số điểm hoặc nhận xét trong sổ của các cháu.

Như vậy chúng ta sẽ đánh giá được ngay lập tức cháu đó học được hay không, cũng như trình độ giáo viên. Có thể trong 5 cháu, có 1 cháu không biết, 4 cháu biết thì đánh giá ổn; 5 cháu đều biết thì giáo viên quá tốt; nhưng chỉ 1 cháu biết, mà 4 cháu còn lại không biết thì giáo viên đó rất có vấn đề.

Hơn nữa, qua đó đánh giá chất lượng của trường có tốt hay không. Điều này tự khắc giáo viên phải theo đuổi để làm cho học sinh giỏi lên, để mình được đánh giá cao. Do vậy, cái được chính là học sinh tiếp thu được gì, tức là đánh giá bằng chính học sinh.

Vừa qua tôi đi dự giờ, gặp một nhóm trẻ lớp 3. Tuy nhiên khi nhìn bài tập của các cháu, tôi đoán cô giáo lớp 2 có vấn đề. Tại vì lớp 3 học đến phép chia 2 chữ số cho 1 chữ số, nhưng các cháu không thuộc bảng nhân, mà bảng nhân đã được học ở lớp 2.

PV: Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại việc “báo trước sẽ kiểm tra” nên giáo viên sẽ có cách đối phó, thưa Tiến sĩ? 

TS. Vũ Thu Hương: Bây giờ có rất nhiều cuộc kiểm tra đột xuất, không phải cái gì cũng báo trước. Điều này mới làm giáo viên “sợ”. Tuy nhiên, không nhất thiết tuần nào cũng xuống như thế mà đột xuất một ngày nào đó. Cho nên giáo viên và nhà trường phải cẩn thận vì không biết ngày nào giám đốc xuống. Điều này không quá vất vả và người phụ trách hoàn toàn tùy hứng, sau đó báo cáo kết quả lên.

Ở đây, tôi cũng đề xuất là nên thành lập một bộ phận, tạm gọi “ban thanh tra giáo dục”. Bộ GD-ĐT nên chọn thêm một vài nhân vật không nằm trong Bộ, cũng không nằm trong các sở, ban, ngành. Họ có thể là giảng viên đại học, hoặc một số phụ huynh có trình độ để cho khách quan. Điều này không khó vì thực ra chỉ có một chút hiểu biết về tâm sinh lý trẻ em là có thể thực hiện được việc này.

Mỗi năm có thể cử một đội khác nhau với những thành viên khác nhau và xuống trường kiểm tra. Tôi nghĩ, không ít người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà và điều này hoàn toàn có thể làm được.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ./.

Theo VOV.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm