Sáng kiến “đeo hoa” của giáo dục mầm non Lào Cai
(Dân trí) - Không như trẻ ở nhiều thành phố lớn hay bị bớt khẩu phần ăn, trẻ mầm non ở Lào Cai luôn được ăn no, ăn nóng đặc biệt trong những ngày giá rét nhờ sáng kiến “đeo hoa” của Sở GD-ĐT Lào Cai.
Lào Cai hiện có 81 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ nghèo đói ở một số huyện còn rất cao như Mường Khương và SiMaCai vẫn có tới hơn 50% hộ là đói nghèo. Tuy nhiên, giáo dục mầm non Lào Cai từ năm 2000 đến nay đã không còn xã trắng.
Giáo dục mầm non Lào Cai phát triển nhờ những sáng kiến của ngành, tuỳ theo điều kiện từng vùng, những sáng kiến này được thống nhất để đưa vào quy ước, hương ước của thôn bản. Đó là những sáng kiến rất đặc thù của vùng cao như: Đóng góp xây dựng quỹ lương thực chung của xã để nuôi học sinh trong những ngày giáp hạt. Có xã mỗi mùa thu được từ 9 đến 10 tấn thóc.
Nhiều trường mầm non ở Lào Cai cho trẻ mang cặp lồng cơm đến trường. Bữa trưa các cô nấu thêm canh nóng cho các cháu bằng rau tự trồng tại trường.
Đặc biệt có hình thức khá thú vị là các mẹ luân phiên nấu ăn cho trẻ. Hình thức phân công nấu ăn cho các mẹ rất đơn giản là sau buổi học, thấy trẻ đeo thẻ là một bông hoa về nhà, bố mẹ bé sẽ biết là đến phiên mình nấu ăn cho cả lớp học của con.
Với những xã có điều kiện hơn, ngoài gạo củi đóng góp cho nhà trường, nhân dân góp 2000đ/ ngày để mua thêm thức ăn. Cho trẻ ăn bữa phụ bằng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như ngô, khoai, sắn, làm sữa đậu nành từ nguồn đậu tương...
Ngành giáo dục mầm non Lào Cai chỉ đạo xây dựng hệ sinh thái VC (vườn chuồng) để có nguồn rau, thịt, trứng cải thiện bữa ăn cho trẻ. Phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường” đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và ủng hộ vật chất: gạo, quần áo, chăn màn cho các trường ở vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn hỗ trợ bằng cách phân công cho mỗi ban ngành, đoàn thể có trách nhiệm giúp đỡ 1 xã đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn, thôn bản của Lào Cai đều có trường mầm non, chỉ còn một số ít ở các xã vùng cao là còn chung với trường tiểu học. Không còn trẻ 5 tuổi phải học dự thính lớp 1.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ ở Lào Cai đã giảm mỗi năm từ 0,3 đến 0,4%.
M.M