Sai sót đề thi đánh giá năng lực: Chấm điểm tuyệt đối hoặc loại bỏ câu sai

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong hôm nay 29/3, Hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tiếp cận với đề thi để phân tích, xem xét quanh phản ánh đề thi có sai sót.

Ngay sau kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 của ĐH Quốc gia TPHCM diễn ra vào ngày 27/3 vừa qua, trên các diễn đàn về kỳ thi, nhiều thí sinh phản ánh đề thi có ít nhất hai câu bị sai sót. Một câu biểu đồ hình tròn cung cấp thiếu dữ liệu và một câu có 2 đáp án trùng nhau. 

Sai sót đề thi đánh giá năng lực: Chấm điểm tuyệt đối hoặc loại bỏ câu sai - 1

Thí sinh phản ánh đề thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM bị sai sót trên các diễn đàn (Ảnh chụp lại màn hình)

Sai sót này làm nhiều thí sinh vô cùng hoang, lo lắng và đặc biệt nhiều thí sinh, phụ huynh và cả giáo viên bày tỏ bức xúc khi kỳ thi này không cho phép thí sinh mang đề thi ra ngoài nên rất khó để kiểm tra, đối chiếu. 

Đây được xem là kỳ thi ĐGNL lớn nhất từ trước đến nay với khoảng hơn 80.000 thí sinh dự thi. Kết quả của kỳ thi này cũng được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển 2022 của hơn 80 trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Trước lo lắng này, sáng ngày 29/3, PV Dân trí đã trao đổi với TS Nguyễn Quốc Chính, Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM quanh thông tin đề thi của kỳ thi ĐGNL gặp sai sót. 

Sai sót đề thi đánh giá năng lực: Chấm điểm tuyệt đối hoặc loại bỏ câu sai - 2

TS Nguyễn Quốc Chính, Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM.

Thưa ông, ĐH Quốc gia TPHCM đã tiếp nhận và có hướng xử lý về phản ánh đề thi ĐGNL có sai sót như thế nào? 

-Sau khi kỳ, chúng tôi đã nhận được một số phản ánh của thí sinh về hai câu trong đề thi, một câu biểu đồ thiếu dữ liệu và một câu bị lặp đáp án. Trong hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp cận với đề thi để phân tích, xem xét thông tin phản ánh. 

Trên cơ sở đó, Hội đồng thi sẽ có hướng xử lý trên nguyên tắc phải làm sao để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của thí sinh. Giả sử nếu câu hỏi có sai sót sẽ có hai hướng xử lý, một là tính điểm tuyệt đối cho câu hỏi đó, hai là loại bỏ câu đó ra khỏi đề, điều này vẫn đảm bảo công bằng cho thí sinh.

 Kết quả dự kiến công bố ngày 5/4

Kết quả đợt 1 kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến công bố ngày 5/4, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự.

Đợt 2 sẽ mở cổng đăng ký dự thi và xét tuyển từ ngày 6/4-25/4 và dự kiến tổ chức vào ngày 22/5 tại 4 tỉnh/thành phố gồm Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và An Giang.

Kết quả của đợt 2 dự kiến công bố vào ngày 29/5.

Đây là kỳ thi tuyển, ảnh hưởng là ảnh hưởng chung đến tất cả thí sinh. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ phân tích sâu và sẽ sớm có thông báo để các em yên tâm. 

Đảm bảo công bằng cho thí sinh nhưng việc điều chỉnh này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phân loại thí sinh, nhất là khi kết quả kỳ thi được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển của hơn 80 trường ĐH, CĐ trong cả nước?

-Thi ĐGNL có 120 câu, chỉ cần 1 - 2 câu bị rút ra sẽ có ảnh hưởng đến việc đánh giá. Nếu nói không ảnh hưởng thì không đúng, bất cứ một sự sai sót hay sự thay đổi nào chắc chắn đều có ảnh hưởng ít nhiều.

Nhưng xét trên bức tranh tổng thể thì ảnh hưởng đó rất nhỏ và ảnh hưởng đều đến tất cả các thí sinh nên việc phân loại thí sinh sẽ không thay đổi. Sự ảnh hưởng này trong khả năng chấp nhận được. 

Với một kỳ thi quy mô và quan trọng như vậy, theo ông vì sao lại có thể để xảy ra sai sót này?

-Các khâu của đề thi được thực hiện với những quy trình rất chặt chẽ. Nhưng trong mọi việc, còn phụ thuộc vào yếu tố con người có thể có những lỗi kỹ thuật ngoài mong muốn. 

Sai sót đề thi đánh giá năng lực: Chấm điểm tuyệt đối hoặc loại bỏ câu sai - 3

Thí sinh tại TPHCM trong kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM ngày 37/3 vừa qua (Ảnh: TS).

Hiện chúng tôi chưa xác định được rõ ràng nhưng từ phản ánh của thí sinh, chúng tôi nghĩ đề có lỗi. Vấn đề bây giờ là tìm cách để khắc phục tốt nhất đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Có rất nhiều ý kiến từ thí sinh, giáo viên cho rằng việc ĐH Quốc gia TPHCM "ém" đề ĐGNL sau kỳ thi gây khó khăn cho việc đối chiếu, đánh giá?

-Nguyên tắc của những kỳ thi ĐGNL định hướng cho thí sinh học và kỳ thi này là thước đo để đánh giá các năng lực học tập của học sinh. 

Đây là một quy định chung của các tổ chức ĐGNL trên thế giới. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm trên thế giới như kỳ thi ACT của Mỹ, A-Level của Anh, phổ biến hơn như thi TOEFL, IELTS, TOEIC... tất cả các bài thi này thí sinh đều không được đem đề ra ngoài. 

Trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các tổ chức khảo thí thực hiện trách nhiệm giải trình thì khi đó sẽ có các chuyên gia đặc biệt, đoàn thanh tra đặc biệt đánh giá quy trình đề thi cũng như quá trình vận hành. 

Phương pháp kỹ thuật này cùng với chủ trương của ĐH Quốc gia TPHCM nhằm hướng thí sinh tập trung vào việc học, vào quá trình học tập, tránh việc tập trung bàn luận, săm soi rồi tìm cách làm sao để đạt điểm cao trong đề. Quá trình học tập của các em mới là điều quan trọng nhất. 

Đồng thời, việc này cũng để tránh việc tạo điều kiện cho các tổ chức luyện thi. 

Về việc không công bố đề thi chúng tôi đã tuyên bố rất nhiều lần trước đây chứ không phải vì ngại việc bàn luận, đánh giá đề hay, đề dở. 

Trân trọng cám ơn ông!