Rút ngắn thời gian học ở TPHCM: Lợi hại là đây

Nếu TPHCM được áp dụng hình thức học tín chỉ sẽ giúp các em học sinh phát huy được năng lực, nhiều em sẽ rút ngắn được thời gian học.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc triển khai do tính liên thông giữa các trường, các cấp học ở bậc phổ thông chưa được Luật Giáo dục cho phép.

Nếu TPHCM được áp dụng hình thức học tín chỉ sẽ giúp các em phát huy được năng lực, rút ngắn thời gian học.
Nếu TPHCM được áp dụng hình thức học tín chỉ sẽ giúp các em phát huy được năng lực, rút ngắn thời gian học.

Cơ chế mở cho giáo dục

Mới đây, UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục TPHCM.

Một trong những đề xuất đáng chú ý là có định hướng mở trong biên chế năm học thay vì học đủ 9 tháng/năm như hiện nay. Ngoài ra, cơ cấu giờ, tiết học cũng được linh hoạt: học 1 buổi, 2 buổi hoặc cả ngày… Hình thức giáo dục mới này gần giống loại hình đào tạo tín chỉ đang được áp dụng tại các trường ĐH.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, ngoài đề xuất biên chế trong năm học mở, TP cũng đề xuất hình thức học được mở: học sinh học tại trường, nhà, trực tuyến; thời lượng giảng dạy các môn học cũng mở, ít hay nhiều tùy từng trường, từng môn học.

Ngoài ra còn đề xuất được đa dạng việc kiểm tra, đánh giá: đánh giá qua kết quả học tập, các kỹ năng đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học… TPHCM cũng đề xuất được tự công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Nếu đề xuất được thông qua, ngay trong năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ triển khai thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện trên nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh, học sinh.

Xu thế hiện đại trong tương lai

Nhận xét về đề xuất này, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng, nếu áp dụng được thì rất tốt bởi nhiều nước trên thế giới đã làm việc này từ lâu.

Ông Độ lấy ví dụ, ông có người quen có con đang học lớp 11 ở Mỹ hiện đang ở Việt Nam đón tết. “Dù đang trong thời gian học nhưng do cháu học theo hình thức tín chỉ và E-Learning nên mỗi ngày, cháu chỉ bỏ ra 2 tiếng để lên lớp dù ở bất cứ nơi đâu. Điều này rất tiện lợi”, ông Độ nói.

Theo ông Độ, học tín chỉ sẽ giúp học sinh phát huy được năng lực, phân loại được học sinh. Nếu em nào có năng lực tốt thì hoàn toàn có thể rút ngắn được thời gian học của mình, còn không thì các em cứ theo chương trình đúng hạn.

Tuy nhiên, ông Độ cho rằng: “Để thận trọng, chúng ta nên thí điểm ở một số trường có cơ sở vật chất và đội ngũ tốt. Sau một thời gian sẽ đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để hoàn thiện trước khi áp dụng đại trà”.

Đồng tình với đề xuất cho học sinh học tín chỉ, ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) cho rằng: “Các trường phải được quyền chủ động chương trình dạy, thời lượng dạy, đồng thời được giao quyền chủ động kiểm tra, đánh giá, đồng thời việc công nhận tín chỉ giữa các trường, địa phương với nhau phải được thông suốt, hiệu trưởng, giáo viên phải được nắm kỹ. Tránh tình trạng học sinh hoàn thành tín chỉ của môn này ở trường này nhưng sang trường khác lại không được công nhận”.

Chị Nguyễn Thanh Hương, có con học lớp 11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 cho rằng, đề xuất này hoàn toàn hợp lý song phải có cơ chế quản lý tốt với học sinh.

Theo chị Hương, quy định hiện nay còn nhiều bất cập. “Chẳng hạn như một năm học có 9 tháng cố định nhưng nếu học sinh bị ốm, hay gia đình có việc mà nghỉ học quá số ngày quy định coi như không được thi, phải lưu ban, dù em này hoàn toàn có đủ kiến thức để lên lớp”, chị Hương ví dụ.

Do đó, việc cho học sinh học tín chỉ như đại học sẽ giúp các em linh động hơn về mặt thời gian. Tuy nhiên, nhà trường cũng cần có biện pháp quản lý cụ thể và sợ dây liên kết giữa nhà trường và phụ huynh phải chặt hơn bởi nếu không có khả năng các em học sinh sẽ lêu lỏng”, chị Hương nói.

Theo Nguyễn Dũng

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm