Rapper Hằng Kani nhắn giới trẻ: "Hãy vẽ bức tranh của riêng mình!"
(Dân trí) - Là nữ rapper, diễn giả truyền cảm hứng, từng đặt chân đến 14 quốc gia, đại diện Việt Nam trên chuyến Tàu Thanh Niên Đông Nam Á năm 2016, Hằng Kani chia sẻ về đam mê với giáo dục sau khi dừng chân tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN.
10 năm về trước, các bạn trẻ cuối 8x đầu 9x đam mê rap chắc chắn biết đến cái tên Lil' Kani - một trong những nữ rapper hiếm hoi bên cạnh những cái tên như Kimmese, Suboi. Với niềm đam mê dành cho lĩnh vực giáo dục bắt đầu "nhen nhóm" từ 7 năm trước, sau 1 thời gian thử sức trong đa lĩnh vực với nhiều vai trò, cái duyên lại đưa Hằng Kani về với giáo dục. Và lần này điểm dừng chân của cô gái trẻ đa tài là Khoa Quốc tế - ĐHQGHN.
- Đam mê dành cho giáo dục của chị bắt đầu từ khi nào vậy?
Cách đây 7 năm mình chưa xác định được mục tiêu và đam mê gì cụ thể ngoài âm nhạc. Nhưng may mắn rằng trong thời gian học tập tại Hàn Quốc, mình có cơ làm việc tại phòng Hợp tác quốc tế của trường quốc tế Solbridge. Công việc của mình khi đó là tư vấn về học bổng, kết nối đối tác quốc tế và tổ chức các sự kiện. Cơ hội trải nghiệm đó đã giúp mình nhận ra rằng mình có thể dùng khả năng sáng tạo, sự phóng khoáng và không ngại thể hiện bản thân trong âm nhạc hay trong những sở thích cá nhân để tư vấn, định hướng sinh viên, giúp các em khám phá điểm mạnh, phát huy sở trường và theo đuổi đam mê.
Trở về Việt Nam, mình may mắn có cơ hội được tham gia nhiều dự án giáo dục và định hướng cho học sinh sinh viên. Mình là freelancer (làm việc tự do) và được mời đến các trường đại học, tổ chức giáo dục để làm các dự án được tài trợ bởi những tổ chức uy tín như đại sứ quán Mỹ, được mời làm diễn giả chia sẻ và truyền cảm hứng cho các em bằng những câu chuyện của cá nhân mình. Cứ như vậy, mình nhận ra rằng niềm đam mê với giáo dục của mình vẫn được nuôi dưỡng từng ngày.
- Lý do gì khiến chị lựa chọn Khoa Quốc tế - ĐHQGHN là điểm dừng chân?
Theo mình, giáo dục là một sản phẩm rất đặc thù vì những giá trị đem lại có thể không thể thấy ngay trong ngày 1 ngày 2, không giống như bạn mua một chiếc điện thoại hay chiếc váy. Thậm chí, chúng ta phải đợi 5 hay 10 năm mới thấy được kết quả. Sinh viên học 3 đến 4 năm để tốt nghiệp, sau đó các bạn đi làm, và có thể mất nhiều năm áp dụng những gì các bạn học được để đạt được thành tựu sự nghiệp hay theo đuổi được ước mơ của mình. Để tạo được sản phẩm giáo dục bền vững cần rất nhiều tâm huyết và giá trị cốt lõi của tổ chức giáo dục. Đặc biệt những người đứng đầu tổ chức cần nhìn ra những giá trị đó và xây dựng cho đội ngũ và cộng đồng của mình đi theo con đường đúng đắn. Quan điểm giáo dục của Khoa Quốc tế và cá nhân mình tương đồng như vậy nên mình lựa chọn Khoa Quốc tế để có thể đồng hành và tạo ra những giá trị xây dựng cộng đồng mang bản sắc riêng của Khoa Quốc tế.
- Chị sẽ mang theo điều gì từ kinh nghiệm làm việc tại trường Kinh doanh quốc tế SolBridge về Khoa Quốc tế - ĐHQGHN?
Có thể nhiều người chưa biết nhưng SolBridge là đối tác thân thiết với Khoa Quốc tế và thực tế là 2 bên đã từng hợp tác tổ chức thành công giải Tranh biện Châu Á UADC 2019 vào tháng 6 năm ngoái.
Mình nhận thấy Khoa Quốc tế và SolBridge đều có mục tiêu hướng tới hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện. Quy mô của 2 bên cũng khá tương đồng về quy mô cộng đồng sinh viên, vì vậy mà sự kết nối được tạo ra trong cộng đồng rất cao. Giảng viên, cán bộ có cơ hội được chăm sóc sinh viên tận tình hơn, được gặp gỡ, tham gia các hoạt động cùng sinh viên, được gắn kết như một gia đình. Việc chăm sóc sinh viên từ sức khỏe đến tinh thần như tại Khoa Quốc tế thì không phải là trường đại học nào ở Việt Nam cũng làm được.
Mình muốn mang về những mô hình, hoạt động quy mô quốc tế để sinh viên cọ xát. Với mạng lưới đối tác khắp thế giới thì để Khoa tổ chức được những sân chơi, sự kiện quốc tế khác sau UADC 2019 là điều hoàn toàn khả thi và mình mong sẽ sớm làm được điều này.
- Theo đuổi lĩnh vực giáo dục, liệu có khiến chị từ bỏ đam mê với nghệ thuật?
Mình chưa bao giờ từ bỏ đam mê âm nhạc. Mình bắt đầu theo đuổi đam mê âm nhạc từ khi 15 tuổi và kể từ đó âm nhạc vẫn luôn là người bạn kết nối tất cả những cảm xúc trong cuộc sống, giúp mình giải tỏa căng thẳng áp lực và kể những câu chuyện của riêng mình.
Gần đây nhất mình có tham dự án video âm nhạc cộng đồng: “Chẳng thể cách Ly - No Yourantine” (https://youtu.be/aGZlpP90fZc) hưởng ứng chiến dịch ResiliArt - Nghệ thuật kiên cường của UNESCO giữa mùa dịch Covid. Đây là vinh dự lớn của mình khi là nghệ sĩ Hiphop đầu tiên và duy nhất được mời hợp tác trong dự án ý nghĩa này.
Bật mí nhỏ chút là các bạn có thể đón chờ một dự án khác mình tham gia đó là “Tích Tịch Tình Tang” - video âm nhạc đặc biệt kết hợp nét đẹp bất biến của âm thanh nhạc cụ dân tộc cùng với đam mê Hip Hop sẽ sớm ra mắt trong tháng 10 tới nhé!
- Có nhiều bạn trẻ băn khoăn liệu nên học đại học hay theo đuổi đam mê cá nhân. Chị có lời khuyên gì cho họ không?
Gần đây mình có cơ hội được trò chuyện cùng rapper Tage - cái tên hiện nay đang thu hút nhiều chú ý từ cuộc thi Rap Việt. Tage cũng như nhiều sinh viên Khoa Quốc tế nói riêng và bạn trẻ nói chung đang đứng trước ranh giới chọn lựa sở thích cá nhân hay là lựa chọn phù hợp với định hướng của gia đình. Mình không nghĩ rằng sinh viên học ngành nào thì ra trường bắt buộc phải làm ngành đó. Ví dụ như trường hợp của Tage: bạn ấy học ngành Kinh doanh quốc tế là ngành đào tạo khối kiến thức rất rộng và có tính thực tế cao áp dụng vào được vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu các em xác định theo đuổi đam mê dù trong lĩnh vực nào đi trong nữa thì cũng cần thái độ và kỹ năng mềm - là những gì các em học được trong thời gian các em học đại học.
Nếu có thể duy trì và cân bằng giữa học tập và đam mê thì hãy cố gắng các em nhé. Bởi vì thời gian học đại học chỉ kéo dài 3-4 năm thôi mà. Quãng thời gian học đại học chắc chắn sẽ hỗ trợ các em chuẩn bị sẵn sàng hơn cho tương lai, với những kiến thức, kỹ năng, sự ủng hộ và các mối quan hệ các em tạo dựng được.
- Nếu chị được gửi một lời nhắn duy nhất tới giới trẻ, điều đó sẽ là gì?
Các em hãy tìm kiếm sự hỗ trợ định hướng chứ đừng chạy theo xu hướng. Ví dụ như đừng chọn ngành, chọn trường vì ngành học đó nhiều người lựa chọn hay vì người quen bảo vậy. Làm như vậy là các em đang tô vẽ cho bức tranh của người khác mà thôi. Hãy học thật sự, trải nghiệm thật sự để vẽ nên bức tranh của riêng mình, tìm ra được cách riêng để mình tỏa sáng.
ThS. Nguyễn Thúy Hằng (Hằng Kani)
- Điều phối Phát triển Hướng nghiệp, Phòng Công tác học sinh sinh viên, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Diễn giả/ cố vấn tư vấn định hướng giáo dục (du học, trải nghiệm thế giới, trại hè trong nước và quốc tế).
- Chủ tịch CLB Văn hóa - xã hội MyHanoi
- Một trong bốn nữ Rapper đầu tiên của cộng đồng Hiphop Việt Nam, hoạt động từ năm 2004 đến nay. Ca khúc mới nhất gây sốt trong giới trẻ: “No Yourantine” lấy cảm hứng từ câu chuyện chống dịch Covid-19 có thật tại Việt Nam.
- Cựu Quản lý vùng Phòng Hợp tác quốc tế, Trường Kinh Doanh Quốc tế SolBridge.
- Đại diện Việt Nam tham gia chương trình giao lưu thanh niên danh giá “Tàu Thanh Niên Đông Nam Á -Nhật Bản” (SSEAYP) đi qua 5 quốc gia, được đài thọ toàn phần bởi chính phủ Nhật Bản & ASEAN (2016).
- Học bổng Thạc sỹ Quản trị Marketing tại trường Kinh Doanh Quốc tế SolBridge, Hàn Quốc (2011-2013).
Giải thưởng “Sol-Seniors Award” do khóa Thạc sỹ tốt nghiệp trường Kinh Doanh Quốc tế SolBridge bình chọn & Giải thưởng “Woosong Global Scholarship” do Quỹ Giáo dục Woosong cấp (2013).