Quyết tâm đưa trường Đại học Việt Pháp lên đẳng cấp quốc tế
(Dân trí) - Hiệp định liên chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Pháp giai đoạn 2 về phát triển trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (còn gọi là trường ĐH Việt Pháp), thể hiện quyết tâm xây dựng USTH trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế và đặc biệt trở thành một trường đại học hàng đầu Đông Nam Á.
Chiều ngày 2/11/2018, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hoà Pháp Édouard Philippe, Ngài Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam và GS. VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chính thức ký kết Hiệp định liên chính phủ giữa hai nước giai đoạn 2 về phát triển trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) hay còn gọi là trường ĐH Việt Pháp.
Lễ ký kết Hiệp định thực hiện trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhân dịp kỷ niệm kép 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Theo Hiệp định, chính phủ Việt Nam và Pháp thể hiện quyết tâm xây dựng USTH trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế và đặc biệt trở thành một trường đại học hàng đầu Đông Nam Á. Chính phủ Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ mạnh sự phát triển của USTH.
Cụ thể, về đào tạo, phía Pháp khẳng định sẽ tham gia nhiều hơn vào công tác xây dựng, giảng dạy, hỗ trợ sư phạm, đánh giá các chương trình trình độ đại học. Đặc biệt, hai bên sẽ bắt đầu triển khai việc cấp bằng đôi Pháp- Việt cho trình độ này.
Bên cạnh đó, phía Pháp cũng sẽ duy trì việc cấp bằng đôi Việt Nam và Pháp cho các chương trình đào tạo Thạc sĩ, đồng thời tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và nghiên cứu viên giữa các cơ sở đào tạo đại học, nghiên cứu Pháp và USTH.
Về nghiên cứu, hai bên cam kết mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ bền vững, trình độ cao và phát triển các phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế chung.
Các đại biểu đoàn Chính phủ Pháp đến trường ĐH Việt Pháp sáng ngày 3/11
USTH được thành lập theo Hiệp định Liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp (giai đoạn 1 2009-2019) năm 2009 và là dự án đào tạo đại học lớn nhất của Pháp tại nước ngoài. Trải qua chặng đường 10 năm phát triển, USTH đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu.
Việc ký kết Hiệp định Liên chính phủ giai đoạn 2 khẳng định vị trí quan trọng của USTH trong mối quan hệ hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu giữa hai nước Pháp, Việt, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của hai chính phủ về những thành công bước đầu của trường.
Ngày 3/11/2018, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn mới trong hành trình phát triển trường, USTH triển khai ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) và nhiều đối tác khác để thành lập các phòng thí nghiệm liên kết quốc tế: Trung tâm nghiên cứu Hệ thống kết hợp Mặt đất - Khí quyển - Đại dương (LMI LOTUS) và Phòng thí nghiệm nghiên cứu Kháng thuốc Đông Nam Á (LMI DRISA), đồng thời ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) nhằm phát triển các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về vũ trụ, không gian.
GS Trần Thanh Vân tham gia buổi lễ
Là một trường đại học nghiên cứu, mục tiêu của USTH là thực hiện các chương trình nghiên cứu chất lượng cao và được quốc tế công nhận, gắn với những giá trị học thuật lâu bền đồng thời có các ứng dụng khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với Phòng thí nghiệm về “Hệ gen chức năng và Công nghệ sinh học thực vật và vi sinh vật liên kết với thực vật” (LMI RICE 2), Phòng thí nghiệm nghiên cứu về “Khoa học máy tính thông minh” (ICTLab) và Phòng thí nghiệm về “Năng lượng sạch và Phát triển bền vững” (CleanED), sự ra đời của DRISA và LOTUS đã chính thức nâng tổng số phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế tại USTH lên 5 phòng.
USTH triển khai ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) và nhiều đối tác khác để thành lập các phòng thí nghiệm liên kết quốc tế.
Đây là những đơn vị nghiên cứu quốc tế quy tụ sự tham gia của nhiều nhà khoa học ưu tú, giàu kinh nghiệm tại các trường đại học, tổ chức nghiên cứu của Việt Nam, Pháp và nhiều quốc gia khác. Những dự án nghiên cứu được triển khai tập trung giải quyết các vấn đề nóng toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch hay nông nghiệp bền vững.
Được biết, USTH là trường đại học tiên phong đào tạo lĩnh vực Khoa học Vũ trụ tại Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES), một trong ba trung tâm nghiên cứu về vũ trụ hàng đầu của Châu Âu và thế giới, mở ra nhiều cơ hội học tập, trao đổi chuyên môn với những nhà khoa học quốc tế xuất sắc trong lĩnh vực cho giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên USTH.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, còn gọi là Trường Đại học Việt Pháp) là trường đại học công lập chuẩn quốc tế được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp.
Trường được hỗ trợ bởi Liên minh 40 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp cùng hơn 15 đối tác khác trong đào tạo và nghiên cứu. Trong đó có các trường đại học và viện nghiên cứu lâu đời và danh tiếng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ như Học viện bách khoa quốc gia Toulouse, Đại học Lyon 1, Đại học Paris Saclay, Đại học Montpellier, Đại học Paris Diderot - Paris 7, Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp, Đài Thiên Văn Paris, Trung tâm nghiên cứu phát triển Pháp…
Trường giảng dạy theo tiến trình Bologna đang được áp dụng tại hơn 45 quốc gia Châu Âu, theo đó thời gian đào tạo hệ Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 2 năm và 3 năm. Các chương trình đào tạo được Tổ chức kiểm định giáo dục hàng đầu của Pháp và Châu Âu - HCERES công nhận đạt chuẩn.
Đặc biệt, Trường hợp tác cùng các trường đại học uy tín trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Pháp đào tạo và đồng cấp bằng Thạc sĩ. Trong khi đó, bằng Tiến sĩ của USTH được cộng đồng học thuật quốc tế công nhận và đánh giá cao.
Hồng Hạnh