Quy định mẹ VN anh hùng được cộng điểm thi ĐH, CĐ: Lỗi tại ai?
Ban hành một Thông tư nhưng sau đó lại phải hủy bỏ, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại quy trình ban hành một văn bản Nhà nước.
Những ngày gần đây, dư luận xã hội dành sự quan tâm đến Thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/8/2013 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.
Nội dung chính trong Thông tư là bổ sung các đối tượng: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 sẽ được cộng điểm ưu tiên vào ĐH, CĐ. Điều đặc biệt là những đối tượng trên sẽ được cộng 2 điểm nếu họ thi ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư 24 được ban hành, đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trong dư luận xã hội. Đa số phản đối mạnh mẽ về tính thiếu thực tiễn của Thông tư này. Bởi vì nhiều người cho rằng, hiện nay những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã khoảng 80, 90 tuổi nên khó có thể là thí sinh dự thi ĐH, CĐ nên Thông tư 24 sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong đời sống hiện nay, chỉ là sự ban hành máy móc, thiếu tính thực tiễn.
Trước tranh cãi trên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải thích về quy định cộng điểm cho nhóm đối tượng bổ sung. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là Thông tư 24 ra đời rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có danh hiệu nêu trên khi tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ; đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Trong buổi họp báo ngày 11/7, một cán bộ lãnh đạo của Bộ còn khẳng định: Thông tư 24 ra đời là để cụ thể hóa Pháp lệnh về người có công với cách mạng, Nghị định 31 của Chính phủ về việc ưu tiên cộng điểm đối với người có công.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ là những bà mẹ 80, 90 tuổi mà hiện nay theo quy định mới, người mẹ có con duy nhất đi bộ đội hy sinh thì cũng được Nhà nước xem xét phong là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những người trong diện này được hưởng ưu tiên nói chung và trong đó có công tác tuyển sinh đào tạo nói riêng. Mặt khác, các quy chế tuyển sinh không có quy định hạn chế tuổi để mọi người được học tập suốt đời. Do vậy, quy định này phù hợp với hệ thống văn bản của Nhà nước.
Tuy nhiên, đến chiều 16/7, Bộ GD-ĐT lại ban hành thông tư 28/2013/TT-BGDĐT bãi bỏ đối tượng ưu tiên quy định vừa mới bổ sung trong Thông tư 24. Vì thế nhóm đối tượng nêu trên sẽ không được cộng điểm ưu tiên khi thi ĐH, CĐ. Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 30/8/2013.
Sự việc trên khiến chúng ta nghĩ tới việc khi ban hành ra một Thông tư, Bộ GD-ĐT chưa xem xét kỹ tất cả những nội dung, yếu tố ảnh hưởng đến người dân và xã hội để rồi trong có vài ngày đã phải vội vã hủy bỏ.
Trên thực tế, kể từ khi có quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ, hầu như không có thí sinh nào là con Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi ĐH để hưởng chính sách ưu tiên này, cho nên việc mở rộng sang cả đối tượng Mẹ Việt Nam anh hùng là ít có tính thực tiễn.
Song theo lý giải của một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, vì Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng có bổ sung việc người có công với cách mạng và thân nhân được “ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ ĐH”, nên bắt buộc phải bổ sung tất cả đối tượng này vào Thông tư 24.
Ngoài ra, có những ý kiến cho rằng, Thông tư 24 mà Bộ GD-ĐT đưa ra có thể là “phòng xa” cho những người được phong là Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong những thời điểm lịch sử sau này.
Tuy nhiên, nếu quy chiếu kỹ điều bổ sung trên thì thấy, Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ “người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi”. Vì vậy, Thông tư 24 chẳng có ý nghĩa thực tiễn, không có tính thuyết phục.
Mặt khác, trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cũng quy định rõ người dự thi ĐH, CĐ phải tốt nghiệp THPT, có đủ sức khỏe học tập theo quy định hiện hành, trong độ tuổi quy định đối với những ngành có quy định hạn chế tuổi. Với những điều kiện ràng buộc này, liệu những đối tượng được bổ sung ưu tiên trên có thể “vượt qua” để thi ĐH, CĐ?.
Từ trước đến nay, trong các kỳ họp Quốc hội, việc ban hành một Luật, Nghị quyết nào đó đều phải được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, đưa ra hội trường thảo luận nhiều lần rồi mới đi đến biểu quyết. Sau khi một Luật nào đó được Quốc hội biểu quyết thông qua thì sẽ phải có cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Trải qua nhiều công đoạn thì Luật đó mới được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Nếu áp dụng theo hình thức như trên thì có lẽ sẽ chẳng có nhiều ý kiến gây xôn xao và đương nhiên sẽ chẳng có chuyện ban hành Thông tư 24 được vài ngày rồi lại phải hủy bỏ.