Quy định hà khắc dành cho học sinh ở các trường học Nhật Bản
(Dân trí) - Nhiều trường học tại Nhật có những quy định chặt chẽ về trang phục của học sinh, như độ dài của váy và tóc, màu tóc hoặc tất…
Theo một khảo sát được thảo luận trong cuốn sách Burakku Kosuku (tạm dịch: Những luật lệ trường học hà khắc), thanh thiếu niên đương thời có nhiều trải nghiệm tiêu cực với luật lệ trường học hơn là những người ở độ tuổi 20, 30 và 40.
Điều này có nghĩa là các trường cấp 2 và cấp 3 tại Nhật Bản dường như đang thụt lùi hơn trong những năm gần đây. Có vẻ các nhà giáo dục đang sử dụng các biện pháp lỗi thời - luật lệ hà khắc - để đối phó trong một thế giới đang thay đổi từng ngày.
Khắt khe trong trang phục đến trường
Nhiều trường học tại Nhật có những quy định chặt chẽ về trang phục của học sinh, như độ dài của váy và tóc, màu tóc hoặc tất… Các luật lệ này đã vô tình khiến nhiều em gặp vấn đề tâm lý.
Một số giáo viên thậm chí còn kiểm tra đồ lót của học sinh và chỉ trích về việc không tuân thủ luật. Có những trường yêu cầu học sinh nữ phải mặc váy, không được đi tất trong thời tiết mùa đông. Mùa hè, học sinh còn bị cấm dùng kem chống nắng, một biểu hiện của hành động gây ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em.
Những luật này còn khiến đặt gánh nặng tài chính lên nhiều gia đình. Những trẻ bị trường yêu cầu cắt tóc đúng độ dài hay nhuộm về màu đen phải xuất trình biên lai chứng minh mình đã tới các tiệm cắt tóc. Bên cạnh đó, các bộ đồng phục của nhiều trường học còn có giá trị cao và chỉ được cung cấp bởi một nhà may duy nhất.
Vào năm 2017, một học sinh cấp 3 tại Osaka đã kiện nhà trường vì gây ra áp lực tâm lý khi bắt em phải nhuộm tóc nâu tự nhiên thành màu đen. Thậm chí, cho đến nay, đài NHK công bố vẫn còn gần 50% số trường cấp 3 tại Tokyo yêu cầu học sinh có tóc xoăn hoặc không đen phải đưa ra được bằng chứng chứng minh đó là mái tóc tự nhiên của mình.
Luật lệ gây áp lực lên cả giáo viên và học sinh
Quy định vừa nặng nề và vô lý khiến cho học sinh rơi vào tình trạng áp lực thường xuyên. Những em bị giáo viên coi là không tuân thủ thường bị phân biệt đối xử, thậm chí là quấy rối liên tục.
Điều này khiến nhiều trẻ trốn học, bỏ học, nặng hơn là tự tử. Con số này tuy nhỏ nhưng lại diễn ra thường xuyên tới mức có một thuật ngữ dành riêng cho hiện tượng này: shidōshi (những cái chết liên quan tới nội quy trường học).
Một học sinh nữ tham gia khảo sát của Burakku Kōsoku o Nakusō Purojekuto cho biết bản thân luôn lo lắng mình sẽ vi phạm các quy định của nhà trường. Khi sự quá nhạy cảm với các quy tắc khiến cho bầu không khí ngột ngạt, nữ sinh đã quyết định trốn học.
Một nam sinh lai Nhật - Mỹ chia sẻ: "Các giáo viên chưa bao giờ nói gì về màu tóc của em nhưng vì các bạn khác luôn có tư tưởng về màu tóc đen; họ liên tục hỏi liệu em có đang vi phạm luật lệ không. Áp lực đó dẫn tới việc em bỏ học".
Sunaga Yuji, một trong những nhà sáng lập của dự án, cho rằng lỗi không hoàn toàn thuộc về nhà trường và giáo viên. Nhiều giáo viên liên hệ với dự án để tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ cảm thấy mình đang yêu cầu học sinh làm những điều vô lý. Một số nhỏ giáo viên về phía học sinh thì thường bị đồng nghiệp xa lánh và cô lập.
Mặc dù quy định trường học giúp học sinh hình thành nên kỉ luật và nhân cách đúng đắn nhưng nếu quá hà khắc sẽ dẫn tới việc phản tác dụng. Giáo dục Nhật Bản hiện nay cần phải có những thay đổi tích cực hơn để mang tới một môi trường học tập thân thiện, cởi mở đối với học sinh, phù hợp với thời đại hiện nay.