Quy chế đào tạo tiến sĩ mới là "cởi trói" chứ không phải "hạ chuẩn"
(Dân trí) - Với Quy chế tiến sĩ mới, chúng ta không nên dùng từ "hạ chuẩn" vì mặc dù công bố quốc tế không bắt buộc thì một số chỉ tiêu khác lại tăng lên. Quy chế đã "cởi trói" hơn cho NCS và người hướng dẫn.
Đó là ý kiến của GS.TS Trần Văn Chứ, hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam về Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo Thông tư 18 đang gây tranh cãi trong giới khoa học.
Quy chế mới phù hợp với điều kiện Việt Nam
Phóng viên: Là cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, ông nhận định thế nào về Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo Thông tư 18 gây tranh cãi hiện nay?
GS.TS Trần Văn Chứ: Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có những điểm khác so với quy chế đào tạo tiến sĩ cũ theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDDT ngày 04 tháng 04 năm 2017 (Quy chế 08).
Quy chế 08 có nhiều điểm mới, đột phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện cũng cần có sự bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm nâng cao chất lượng của đào tạo tiến sĩ trong nước, tiệm cận với các tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ của khu vực và trên thế giới; đồng thời phù hợp với điều kiện của Việt Nam; bảo đảm thực hiện những quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật này.
Qua 4 năm thực hiện có thể thấy, số lượng tuyển sinh giảm rõ rệt, trung bình cả nước chỉ đạt được khoảng 35% chỉ tiêu tuyển sinh so với những năm 2015. Thời gian đào tạo tập trung 3 năm chưa phù hợp với một số ngành đòi hỏi cần thời gian cho hoạt động nghiên cứu.
Chuẩn đầu vào tương đương IELTS 5.0 là rào cản cho ứng viên các ngành kỹ thuật, công nghệ. Yêu cầu đầu ra cần có bài báo quốc tế chưa phù hợp với một số ngành xã hội, lý luận…
Như vậy, việc đưa ra quy chế mới là cần thiết, khắc phục điểm chưa phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo kế thừa những quy định mang tính tích cực và khả thi, ổn định và gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong thời gian qua Bộ GD&ĐT đã biên soạn Quy chế 18 và đã gửi đi góp ý của nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Phóng viên: Vậy Quy chế mới dường như sẽ giúp số lượng nghiên cứu sinh (NCS) ở các cơ sở đào tạo tăng lên và việc hoàn thành luận án được thuận lợi hơn?
GS.TS Trần Văn Chứ: Đúng, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ yêu cầu công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ.
Trong khi đó, quy chế năm 2017 thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus. Như vậy, quy chế mới giúp cho việc hoàn thành luận án được thuận lợi hơn.
Thứ hai, quy chế mới chấp nhận thêm chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc thay vì các chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL) theo quy chế cũ. Như vậy với yêu cầu về tiếng Anh như vậy, NCS sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với quy chế cũ.
Thứ ba, tiêu chuẩn của người hướng dẫn NCS cũng có thay đổi theo hướng nới lỏng hơn về các công trình công bố quốc tế. Qui định này sẽ giúp nhiều giảng viên có thể tham gia hướng dẫn NCS hơn so với quy chế cũ.
Thứ tư, có sự thay đổi về số lượng NCS số lượng nghiên cứu mà mỗi giáo sư được phép hướng dẫn tại mỗi thời điểm được tăng thêm 2, tương ứng với phó giáo sư là 1, so với quy chế cũ.
Từ những nhận định trên cho thấy, trong bối cảnh tự chủ của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đại học, việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ theo quy chế mới của Thông tư 18 là phù hợp, giúp các trường đại học, viên nghiên cứu thể hiện trách nhiệm, quyền quyết định về chất lượng đào tạo để tạo động lực cho sự phát triển.
Nếu xem chất lượng là chìa khóa then chốt, sống còn cho tự chủ đại học, thì các cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải thực sự có trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo. Các quy định của Quy chế mới đủ chặt chẽ để kiểm soát hoạt động đào tạo tiến sĩ, bảo đảm chất lượng. Đồng thời, đủ thông thoáng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
"Cởi trói" hơn cho cả nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn
Phóng viên: Như thế Quy chế mới này "nới lỏng" và "hạ chuẩn" so với quy chế cũ?
GS.TS Trần Văn Chứ: Theo cá nhân tôi, chúng ta không nên dùng từ "hạ chuẩn" vì mặc dù công bố quốc tế là không bắt buộc thì một số chỉ tiêu khác lại tăng lên.
Đây là một bước cải tiến về xóa bỏ rào cản, vướng mắc ở khâu kĩ thuật nhưng cũng không "cải lùi" về chất lượng, thời gian và quy trình đào tạo. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng xét về hai đối tượng chịu sự điều chỉnh lớn nhất là nhà trường và người học thì theo Quy chế mới này là đang "đúng và trúng" trong thời gian tới.
Tôi rất đồng ý với ý kiến của GS. Ngô Bảo Châu: "Về sơ bộ, so với quy chế cũ, tôi thấy quy chế mới đạt được một số tiến bộ, nổi bật là việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong hoạt động tổ chức đào tạo tiến sĩ,..".
Quy chế mới ban hành ra có nhiều điểm mới hài hòa và đảm bảo chất lượng tiến sĩ nếu quản lý chặt chẽ các khâu. Chất lượng tiến sĩ là tổng hòa nhiều yếu tố mà trong đó các bài báo và ngoại ngữ của NCS là các yếu tố rất quan trọng.
Trong những yêu cầu được nêu tại quy chế mới, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh. Đây là một trong những minh chứng, chỉ số để đánh giá chất lượng học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong quá trình đạt tới học vị tiến sĩ.
Việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.
Quy chế cũ ban hành 4 năm, số lượng tuyển sinh giảm rõ rệt, trung bình cả nước chỉ đạt được khoảng 35% chỉ tiêu tuyển sinh so với những năm 2015. Quy chế mới đã tính toán và xử lí được hai vấn đề vướng mắc trong thực tiễn một cách hợp lý và hài hòa. Nghiên cứu sinh đã thuận lợi hơn nếu muốn dự thi vào cơ sở đào tạo.
Nếu như Quy chế trước yêu cầu tiếng Anh IELT 5.5 hoặc TOEFL IBT 46 điểm trở lên thì nay chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Về vấn đề bài báo nghiên cứu, Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới đã "cởi trói" hơn cho cả nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn. Quy định mới chỉ cần 3 bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí trong nước là vừa sức cho nghiên cứu sinh (đặc biệt đối với các ngành khó đăng quốc tế).
Do vậy, nếu chỉ lấy việc có bài quốc tế làm điều kiện để đánh giá trình độ của người thầy và ứng viên tiến sĩ thì có lẽ chưa đầy đủ. Nói cách khác, những công trình nghiên cứu quốc tế cũng không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá trình độ một nền giáo dục của một quốc gia.
Theo phân tích trên thì quy chế mới có một số thay đổi theo hướng giúp các trường sẽ tuyển được nhiều NCS hơn, nhiều giảng viên có thể tham gia hướng dẫn hơn và NCS cũng sẽ dễ dàng đạt các điều kiện hơn trước khi bảo vệ tiến sĩ cấp cơ sở.
Công bố quốc tế không phải là căn cứ duy nhất đánh giá năng lực NCS
Phóng viên: Ông nói rằng các bài báo quốc tế làm tăng uy tín của các cơ sở đào tạo thì việc không yêu cầu công bố quốc tế có làm giảm chất lượng đào tạo chuẩn đầu ra với tiến sĩ?
GS.TS Trần Văn Chứ: Có thể nói rằng, không yêu cầu công bố quốc tế không làm giảm chất lượng đào tạo chuẩn đầu ra với tiến sĩ. Vì chất lượng tiến sĩ phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Bộ GD&ĐT giảm công bố quốc tế nhưng một số chỉ tiêu khác lại tiến bộ.
Công bố quốc tế là một chỉ báo quan trọng để đánh giá năng lực khoa học của mỗi cá nhân và cơ sở giáo dục, nhưng không nên tuyệt đối hóa việc này, đồng thời cần nhìn nhận nó trong những bối cảnh cụ thể. Công bố quốc tế không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá năng lực nghiên cứu và mức độ thực hiện chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của nghiên cứu sinh?
Ở nhiều nước châu Âu, Hoa Kỳ và Australia công bố quốc tế là điều cần thiết trong quá trình học tiến sĩ. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... cũng có quy định tương tự.
Tuy nhiên, số bài báo khoa học cần thiết để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ tùy thuộc vào quy định của trường đại học, của khoa chuyên ngành.
Những quy định này rất khác nhau giữa các trường ngay cả trong cùng một nước. Ở Hoa Kỳ, Anh và Australia không có những quy định cứng phải có bao nhiêu bài báo khoa học để viết luận án tiến sĩ.
Mặt khác, việc công bố quốc tế của các ứng viên tiến sĩ về vấn đề họ nghiên cứu cũng cần có sự quan tâm, sự đánh giá, chỉ số trích dẫn của những người quan tâm thì công trình đó mới có giá trị.
Do vậy, nếu chỉ lấy việc có bài quốc tế làm điều kiện để đánh giá trình độ của người thầy và ứng viên tiến sĩ thì có lẽ chưa đầy đủ. Nói cách khác, những công trình nghiên cứu quốc tế cũng không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá trình độ một nền giáo dục của một quốc gia.
Việt Nam đã có những tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, thu hút công trình toàn cầu và có những tạp chí đã được công nhận trên thế giới thông qua việc những tạp chí này được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus.
Những tạp chí này được xếp vào "tạp chí trong nước", nhưng bản chất là những tạp chí quốc tế.
Nếu cần phân biệt thì nên chia hai nhóm: 1/ Tạp chí quốc tế gồm cả những tạp chí nước ngoài có uy tín (được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus hay được xuất bản bởi những tổ chức uy tín) và có nhiều tạp chí của Việt Nam đã đạt chuẩn này, 2/ Tạp chí không quốc tế (hay tạp chí quốc gia, được tính điểm) gồm các tạp chí xuất bản bằng tiếng Việt.
Chất lượng tiến sĩ là tổng hòa của nhiều yếu tố
Phóng viên: Theo GS Ngô Bảo Châu, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam mạnh lên hay yếu đi phụ thuộc vào tranh biện nội bộ trong cộng đồng khoa học. Mệnh lệnh hành chính cứng nhắc có thể khiến chuẩn mực bị bẻ cong. Ý kiến của ông về quan điểm này như thế nào?
GS.TS Trần Văn Chứ: Chất lượng tiến sĩ như đã nói là tổng hòa của nhiều yếu tố. GS. Ngô Bảo Châu đã nói: "Để kiểm soát được chất lượng đào tạo tiến sỹ, cái cần là phải công khai minh bạch, là việc trường đại học và hội đồng thực hiện trách nhiệm giải trình. Phải công khai toàn văn luận án cùng với các nhận xét - phản biện của hội đồng, phải nêu đầy đủ các nhận xét kèm họ tên từng thành viên hội đồng để mọi người đều có thể xem.,..".
Như trên tôi đã có ý kiến, quan trọng nhất của công trình NCKH của NCS là thể hiện tính mới, tính sáng tạo và khả năng phát triển, ứng dụng trong thực tế trong lĩnh vực nghiên cứu. Tôi nhất trí với GS. Ngô Bảo Châu một số ý về vấn đề đó.
Chúng ta thấy rằng, công trình NCKH là "con đẻ" của nhà khoa học, do vậy tôi cho rằng ý thức, trách nhiệm của NCS, Người hướng dẫn sẽ phải đặt lên hàng đầu.
Trong thời kỳ hội nhập, công bố quốc tế là cái đích mà chúng ta phải phấn đấu và đạt được thể hiện được thương hiệu của Cơ sở đào tạo/nghiên cứu.
Mệnh lệnh hành chính nên được áp dụng thể hiện sự chuẩn tắc về quy định của GDĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho các Trường/Viện Nghiên cứu thực hiện tốt các quy định của Nhà nước nhưng không được cứng nhắc.
Mỗi cơ sở đào tạo/cơ sở nghiên cứu có thể bổ sung những quy định riêng về đào tạo Tiến sĩ cho các ngành nghề, lĩnh vực, nhưng phải phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT, thậm chí có những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn đối với NCS và người học.
Không nên đưa các chính sách mang tính hành chính cứng nhắc là bắt buộc có công bố quốc tế
Phóng viên: Trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc công bố quốc tế có gặp khó khăn, rào cản gì không thưa GS? số lượng công bố trong 5 năm trở lại đây của ngành Lâm nghiệp như thế nào?
GS.TS Trần Văn Chứ: Hiện nay các bài báo quốc tế được đăng trong lĩnh vực Lâm nghiệp có nguồn gốc xuất xứ từ các công bố khoa học của các nhiệm vụ KHCN các cấp quốc gia, Nafosted, cấp Bộ, cấp cơ sở và công trình NCKH từ Luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ của các NCS, học viên.
Có thể khẳng định rằng các bài báo đó đã làm tăng uy tín của các cơ sở đào tạo, tổ chức KHCN, chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ KHCN, các chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN và các NCS, học viên cao học.
Trung bình hàng năm, Trường Đại học Lâm nghiệp công bố khoảng 45- 50 bài báo quốc tế/600 giảng viên; Viện Khoa học Lâm nghiệp công bố khoảng 50-55 bài báo/700 cán bộ, như vậy xấp xỉ khoảng 8- 10% cán bộ có công bố quốc tế.
Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu đều có những chính sách hỗ trợ, khen thưởng cho các công bố quốc tế.
Trường ĐH Lâm nghiệp có chính sách khen thưởng các tác giả có công bố quốc tế từ 10-60 triệu đồng/bài bào tùy thuộc vào chất lượng và chỉ số bài báo. Hàng năm các đơn vị đều có kế hoạch công bố các bài báo quốc tế và phấn đấu hoàn thành.
Theo tôi, khó khăn hiện nay là nhận thức của các cán bộ, nhà khoa học là chưa đầy đủ. Còn rào cản, khó khăn với lĩnh vực Lâm nghiệp thì không nhiều.
Chúng ta cũng không nên đưa các chính sách mang tính hành chính cứng nhắc là bắt buộc có công bố quốc tế vì có thể có nhiều rủi ro khi các nhà khoa học, NCS cũng đã hết sức cố gắng và kết quả của họ cũng đóng góp rất tốt cho sự phát triển, nhưng vì lý do nào đó bài báo của họ không công bố được thì cũng là điều đáng để cân nhắc.
Phóng viên: Với Quy chế mới này, Trường ĐH Lâm Nghiệp sẽ thực hiện xây dựng quy định chuẩn đầu ra đào tạo tiến sĩ như thế nào?
GS.TS Trần Văn Chứ: Trường ĐHLN sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định trong quy chế tiến sĩ mới theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trường cũng xác định các vấn đề liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong nước và cả quốc tế vì vậy, trong quá trình vận hành quy chế trường sẽ khuyến khích các NCS tham dự và trình bày các kết quả nghiên cứu của luận án tại các hội thảo quốc tế cũng như đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Ngoài ra, Nhà trường cũng sẽ mời các Giáo sư thuộc các lĩnh vực chuyên môn trong Lâm nghiệp cùng tham gia đồng hướng dẫn NCS và Hội đồng bảo vệ các cấp nhằm tận dụng kiến thức và kinh nghiệm chuyên gia của họ từ đó nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra đào tạo tiến sĩ cho trường.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn GS!