Quảng Trị: Đại biểu lo ngại về đề án tăng học phí

(Dân trí) - Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị khi nghe qua đề án tăng học phí đối với các bậc học đều bày tỏ sự lo ngại, các vị này nói rằng việc tăng học phí như vậy là chưa hợp lý với hiện nay, nhất là sẽ gây khó khăn đối với học sinh vùng miền núi.

Ngày 19/8, HĐND tỉnh Quảng Trị tiếp tục kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII. Trong phiên họp này, các đại biểu dành nhiều thời gian để thảo luận về đề án tăng học phí.

Theo đề án, biểu mức thu phí trong năm học 2016-2017 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và biểu mức thu phí năm học 2016-2017 đến 2020-2021 đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ Cao đẳng, Trung cấp đều có sự điều chỉnh, phần lớn là tăng lên.

Vào đầu mỗi năm học, các giáo viên dạy học ở miền núi phải vất vả đi đến từng bản để vận động học sinh đến trường.
Vào đầu mỗi năm học, các giáo viên dạy học ở miền núi phải vất vả đi đến từng bản để vận động học sinh đến trường.

Cụ thể, như ở thành thị, cấp Mầm non học phí từ 120.000 đồng/tháng/học sinh tăng lên 180.000 đồng; cấp học Trung học cơ sở (THCS), Bổ túc THCS từ 50.000 đồng/tháng/học sinh tăng lên 150.000 đồng; cấp học Trung học phổ thông từ 70.000 đồng/tháng/học sinh tăng lên 165.000 đồng...

Đề án này do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị xây dựng, căn cứ vào Nghị định 86 có quy định khung học phí tối đa. Tuy nhiên, mức học phí có độ chênh lệch khá lớn tùy vào khu vực thành thị hay miền núi. Riêng học sinh ở các vùng miền biển bị ảnh hưởng sự cố cá chết, tùy theo tình hình cụ thể để quyết định không thu học phí.


HĐND tỉnh Quảng Trị tiếp tục phiên họp ngày thứ 3 của Kỳ họp thứ 2 với phần chất vấn và trả lời chất vấn.

HĐND tỉnh Quảng Trị tiếp tục phiên họp ngày thứ 3 của Kỳ họp thứ 2 với phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau khi đề án thu học phí trên được UBND tỉnh đưa ra kỳ họp để HĐND tỉnh thông qua, nhiều đại biểu đã có ý kiến rằng, việc tăng học phí là chưa phù hợp, cần có lộ trình.

Bà Ly Kiều Vân, Bí thư huyện Đakrông cho rằng, thực tế tại huyện miền núi Đakrông, học sinh chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Việc tăng học phí mà không theo lộ trình, ví dụ như từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng là rất khó khăn cho các cấp học.

Bà Vân bày tỏ lo ngại về việc tăng học phí như vậy dễ khiến học sinh bỏ học. Nên đề nghị cần rà soát lại cho đúng tình hình với từng địa phương.

Bữa cơm đạm bạc chỉ toàn muối trắng, rau dại của học sinh bán trú dân nuôi ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Bữa cơm đạm bạc chỉ toàn muối trắng, rau dại của học sinh bán trú dân nuôi ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị nói, đề án mức thu học phí chưa lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, chưa thông qua một số ban ngành. Và với thực tế của tỉnh Quảng Trị mà tăng học phí như vậy là chưa hợp lý.

Các đại biểu chưa tán thành với đề án tăng học phí do Sở GD-ĐT tỉnh này xây dựng.
Các đại biểu chưa tán thành với đề án tăng học phí do Sở GD-ĐT tỉnh này xây dựng.

Là đơn vị xây dựng đề án, nhưng sau khi giải trình những ý kiến chất vấn trước HĐND tỉnh và đại biểu, ông Hoàng Đức Thắm thừa nhận là chỉ tổ chức gặp phụ huynh 2 trường để hỏi ý kiến. Và nêu ý kiến cá nhân rằng mức học phí tăng như vậy là cao, nên giảm mức học phí so với đề án này.

Sau khi nghe các đại biểu nêu ý kiến, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh xây dựng đề án lại, có đầy đủ ý kiến và có lộ trình thực hiện.

Trên cơ sở ý kiến, phản biện của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đại biểu biểu quyết, kết quả cho thấy 100% đại biểu tán thành chưa thông qua đề án này.

“Đề án chưa được thông qua ở kỳ họp lần này. Cần chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án mức thu học phí và có lộ trình thực hiện cụ thể”, ông Hùng nói.

Đăng Đức