Quảng Bình: “Duy trì, củng cố Trung tâm học tập cộng đồng”
(Dân trí) - Ngày 27/11, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Trung ương Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo “Hội khuyến học Việt Nam góp phần duy trì, củng cố Trung tâm học tập cộng đồng, hướng tới xã hội học tập”.
Thực hiện Quyết định số 112/QĐ- TTg, Quyết định số 89/QĐ- TTg về việc xây dựng đề án xã hội hóa học tập giai đoạn từ năm 2005 - 2010, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và chuẩn bị nhiệm vụ của Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), góp phần đẩy mạnh phong trào học tập trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng trong thời gian tới.
Đến dự Hội thảo có ông Nguyễn Mậu Bành, GS.TSKH-NGND, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Phan Đăng Hùng, Trưởng phòng Phong trào hội Khuyến học Việt Nam - Ban điều hành đề án 281/TƯ Hội; ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Quảng Bình, đại diện Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh và 11 tỉnh thành khu vực Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Với thực trạng chung về các TTHTCĐ hiện nay là, nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của các TTHTCĐ tại các địa phương chưa được chú trọng, kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để hoạt động các TTHTCĐ còn hạn chế. Nội dung và hình thức hoạt động còn đơn điiệu thiếu tính thực tế, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với từng đối tượng cụ thể…
Tại Hội thảo, đại biểu Trần Thanh Bình, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tình đã đưa ra một số quan điểm về hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ còn hạn chế, nhiều trung tâm còn “Hữu danh vô thực”, rất bị động, lúng túng trong nội dung, chương trình mở lớp, cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động yếu… số lượng giáo viên thừa, tuy nhiên các huyện, thị, thành không điều động, bố trí tăng cường tại các TTHTCĐ gây lãng phí về kinh tế và nguồn lực.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu lên một số thách thức trong TTHTCĐ hiện nay như: Sở GD-ĐT chưa thật sự vào cuộc, còn nặng gánh giáo dục chính quy, xem nhẹ giáo dục cộng đồng; triển khai chưa đồng bộ và tích cực ở các cấp chính quyền và ngành giáo dục; chính quyền cấp xã, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức…
Kết thúc Hội thảo, GS.TSKH, NGND Nguyễn Mậu Bành đã tổng kết và đi đến thống nhất một số kiến nghị nhằm nâng cao hoạt động của TTHTCĐ trong thời gian tới như: Muốn xây dựng tốt xã hội học tập thì không thể thiếu các TTHTCĐ. Chính vì vậy phải chỉ đạo triển khai nghiêm túc, kiên quyết và triệt để từ trung ương tới địa phương.
Tích cực phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo biên soạn tài liệu học tập, rút kinh nghiệm, đồng thời nhân rộng các điển hình của các TTHTCĐ tiêu biểu. Đầu tư về mọi mặt để TTHTCĐ có đủ sức để thực hiện nhu cầu dân cần gì học nấy, học tập liên tục, học tập suốt đời. Cử cán bộ Hội Khuyến học tham gia lãnh đạo các TTHTCĐ, không ngừng tuyên truyền vận động các hội viên và nhân dân tham gia học tập.
Văn Lịnh