Quảng bá thương hiệu trường qua... tivi!

Sinh viên, học sinh là khách ruột của các đài truyền hình, điều này hiểu theo nghĩa, đây là đối tượng xem tivi thường xuyên và cũng là “nhân vật chính” trong rất nhiều game show, talk show. Vậy tại sao nhà trường không coi đây là kênh quảng bá hữu hiệu về trường mình?

Trường nổi nhờ... TV

Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia, Làm giàu không khó, Hành trình văn hóa, Nhịp điệu trẻ... của Truyền hình Việt Nam; Đuổi hình bắt chữ, Vượt qua thử thách... của Truyền hình Hà Nội; Rồng vàng, Chung sức, Trúc xanh, Kim tự tháp, Nốt nhạc vui... của Truyền hình TPHCM đều là những chương trình có lượng người xem đông đảo và không thể vắng học sinh, sinh viên tham gia.

Một cách tự nhiên, rất nhiều cá nhân và các nhóm học sinh, sinh viên đại diện cho các trường đến với các chương trình của “nhà đài” để thử thách tài, trí và nhiều bạn đã hiểu rằng họ đang mang “trọng  trách” là  khẳng định “màu cờ sắc áo” của trường mình. Vì lẽ đó, việc tham gia vào các game show, talk show còn mang ý nghĩa, với nỗ lực cá nhân đại diện, trường sẽ giành  chiến thắng và qua đó được biết đến nhiều hơn.

Hồi chương trình Đường lên đỉnh Olympia còn nổi đình đám, hàng triệu khán giả đã thực sự bất ngờ khi chứng kiến những cuộc bứt phá ngoạn mục của các thí sinh nữ trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long.

Trần Ngọc Minh và Lương Phương Thảo đã vượt lên hàng trăm học sinh giỏi giang khác, kể cả những thí sinh đến từ các trường “sừng sỏ” của Hà Nội như Amsterdam, Chu Văn An, Kim Liên... và TPHCM như Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu... để nhận về vòng nguyệt quế chung cuộc. Trường chuyên Nguyễn Bình Khiêm từ đó nổi như cồn cho dù “đóng đô” tại tỉnh lẻ. Cầu truyền hình kết nối đến trường cũng được khán giả chú ý, vì đó là nơi đào tạo nên những học sinh xuất sắc và sự đăng quang của đại diện trường không phải một mà đến hai lần.

Chương trình Làm giàu không khó phát sóng vào tối thứ 4 hàng tuần trên VTV1 ban đầu hướng đến cộng đồng nói chung, sang đến phiên bản 2 mang màu sắc game show, chương trình hướng trực tiếp đến giới trẻ. Mỗi đội chơi gồm 3 thành viên đại diện cho hàng chục trường ĐH trên toàn quốc tham gia. Trong trận chung kết quý đầu tiên, Khoa Kinh tế của ĐH Quốc gia Hà Nội giành chiến thắng và sự kiện này đã được loan báo khắp toàn trường qua website và qua bản tin nội bộ.

Trận đấu chung kết gay cấn đã được tường thuật: “Quan sát MFO Khoa Kinh tế thi đấu, hầu hết trường quay S9 đều bị thuyết phục bởi lối tư duy khái quát, tổng hợp, liên ngành và phản xạ rất linh hoạt, lôgic, chính xác của các bạn sinh viên MFO Khoa Kinh tế. Điều đó đã được thể hiện qua những điểm số tối đa của Ban Giám khảo cho các phần biện luận của đội cũng như những tràng phào tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả trong hội trường!”. Đây như là một niềm tự hào đối với các sinh viên kinh tế của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Cũng trong các trận thi đấu của Làm giàu không khó có cả giải thưởng cho các cổ động viên và vì thế, “thương hiệu” của trường được nêu cao hơn bao giờ hết, thể hiện một cách thông minh, hóm hỉnh. Ví dụ, ĐH Bách khoa nêu cao khẩu hiệu “Công nghệ hàng đầu, làm giàu không khó!”; ĐH Thủy lợi là “Nước tràn S9”; Khoa Kinh tế là  “Kinh tế Quốc gia - Thăng hoa ý tưởng”; “Kinh tế Quốc gia - Đô la mang về”... Các trường bạn đến cổ vũ thì giương cao khẩu hiệu “Học để giàu có, học để làm giàu không khó !” hay “Bắc, Trung, Nam hợp sức làm giàu!”... thật có ý nghĩa.

“Thương hiệu” luôn cần sự kiểm nghiệm

Việc xuất hiện trên màn hình TV tức là xuất hiện trước đám đông, tận dụng được và thể hiện được bản lĩnh của cá nhân hay tập thể sẽ là sự thuận lợi, còn không là bất lợi đi kèm.

Học sinh, sinh viên của trường dù coi những lần xuất hiện trên TV, trở thành đại diện của trường mình là một cuộc chơi “mang tính giao lưu, học hỏi” là chính thì cũng cần được tuyển lựa rất kỹ vì đó sẽ xuất hiện trước hàng triệu khán giả. Chính vì thế nếu xuất hiện quá mờ nhạt hoặc “đuối” thì đại diện các trường khác sẽ vượt qua, có được cơ hội ghi dấu ấn.

Điều này đã thể hiện qua sân chơi đang được sinh viên yêu thích là Rung chuông vàng. Chương trình này có nội dung như một buổi “kiểm tra kiến thức trường học tại trường quay” với nhiều câu hỏi trí tuệ, thú vị. Tuy nhiên, theo dõi chương trình này, hẳn nhiều người sẽ không khỏi “ngán ngẩm” vì sự thiếu hiểu biết của nhiều sinh viên thời nay.

Một khán giả đã thốt lên: “Xem gần chục số chương trình Rung chuông vàng vào tối thứ hai hàng tuần trên VTV3 bạn sẽ thấy, những câu hỏi dễ đến bất ngờ, và con số những sinh viên không trả lời được cũng… bất ngờ không kém!”. Như thế, bất cứ cuộc chơi nào đã mang tính chính thức thì sự đầu tư kỹ nhân sự tham gia một cách kỹ càng là không thể thiếu. Sự cạnh tranh bình đẳng giữa cac trường để vượt lên trên, khẳng định tiềm lực trường mình nên nhớ còn diễn ra cả trên góc độ... trường quay.

Hiện nay chúng ta đang nói nhiều đến “thương hiệu” trường hay phấn đấu xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Để một trường trở nên có “thương hiệu” tốt trong và ngoài nước luôn bao hàm nhiều yếu tố với nhiều tiêu chuẩn cần đạt được, trong đó, điều quan trọng nhất là chất lượng đào tạo được tính bằng thước đo thực tế. Chất lượng nhà trường sẽ thể hiện trên sản phẩm của trường tạo nên - đó là học sinh, sinh viên.

Nếu đông đảo sinh viên bước ra từ các trường khẳng định được vị thế của mình thì uy tín xã hội sẽ đến với những ngôi trường đó. Việc đưa đại diện các trường ứng thí với đại diện các trường khác trong các sân chơi của truyền hình là một cách hay để quảng bá về trường mình và hoàn toàn miễn phí, quá đó, công chúng cũng có dịp kiểm nghiệm rõ hơn hơn sản phẩm đào tạo của nhà trường.

Theo Bùi Nguyễn Việt
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm