Phương pháp phát triển tư duy phản biện trong dạy học Lịch sử

Việc sử dụng phương pháp tranh luận trong dạy học Lịch sử góp phần phát triển tư duy phản biện của học sinh - một loại tư duy quan trọng không thể thiếu, cần trang bị trong trường phổ thông.

Giờ học lịch sử hiện nay ở trường phổ thông không còn mang tính chất độc thoại như trước đây mà trở thành một giờ học đối thoại.

Học sinh được tự do tranh luận, phản bác ý kiến của người khác, bảo vệ ý kiến của mình, cũng như đề xuất những thắc mắc dưới dạng câu hỏi.

Theo sinh viên Nguyễn Thị Thương, Khoa Lịch sử (Trường ĐHSP Hà Nội), đây là cách phù hợp để tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với nội dung kiến thức và giữa học sinh với các nguồn bên ngoài.

Hơn nữa, do đặc trưng của môn Lịch sử là mang tính quá khứ, đặc biệt không thể trực tiếp tiếp xúc với những nhân vật lịch sử, chỉ có thể dựa vào những nguồn sử liệu để đánh giá nên sẽ còn tồn tại những luồng ý kiến khác nhau, trái ngược nhau về cùng một nhân vật lịch sử.

Với đặc điểm này, việc sử dụng phương pháp tranh luận trong dạy học về nhân vật lịch sử là cần thiết và phù hợp, không chỉ đáp ứng được nhu cầu nhận thức và gây hứng thú trong học tập cho học sinh mà còn là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn.

Trên cơ sở đưa ra những nguyên tắc khi tổ chức tranh luận, sinh viên Nguyễn Thị Thương đã nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra ba hình thức có thể tổ chức cho học sinh tranh luận trong dạy học về nhân vật lịch sử.

Thứ nhất, tranh luận theo nhóm. Ví dụ, khi dạy bài 17, lớp 10 THPT “Quá trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến (từ thế kỉ X đến thế kỉ XV)”, giáo viên có thể tổ chức tranh luận cho các em về một nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử dân tộc, nhưng hầu như không được nhắc tới trong sách giáo khoa cấp THPT và hiện nay còn rất nhiều tranh cãi trong việc đánh giá về ông, nhất là việc ông lập nhà Hồ thay cho nhà Trần (1400), đó là nhân vật Hồ Quý Ly.

Thứ hai, tranh luận giữa cá nhân học sinh với nhau. Ví dụ, khi dạy phần 1 của bài 21, lớp 10 THPT “Những biến đổi của nhà nước phong kiến trong các thế kỉ XVI - XVIII”, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tranh luận về nhân vật Mạc Đăng Dung bằng cách đưa ra vấn đề ngay tại lớp cùng các nguồn ý kiến đánh giá khác nhau để học sinhsuy nghĩ và tranh luận.

Thứ ba, tranh luận giữa giáo viên với học sinh. Ví dụ, khi dạy học phần I của bài 19, lớp 10 THPT “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X – XV”, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tranh luận về nhân vật Dương Vân Nga.

Mỗi hình thức tranh luận đều có ưu thế vượt trội riêng trong việc phát huy tính tự chủ, tích cực trong học tập và rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh.

Để sử dụng có hiệu quả, yêu cầu giáo viên phải nắm vững lí luận và kĩ thuật tổ chức của từng hình thức từ khâu chuẩn bị, đưa ra vấn đề tranh luận đến khâu tổ chức tranh lun trên lớp và kiểm tra, đánh giá nhận thức của học sinh.

Hơn nữa, giáo viên phải là người hiểu sâu sắc nhất đối tượng học sinh và nội dung kiến thức để lựa chọn hình thức tranh luận sao cho phù hợp nhất.

Theo Hải Bình
GD&TĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm