Phú Yên: Một xã thuần nông làm tốt công tác khuyến học

(Dân trí) - Là một xã thuần nông, có xuất phát điểm kinh thế thấp nhưng trong gần 10 năm qua Hội Khuyến học huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã thực hiện rất tốt việc khuyến học, giúp cho hàng trăm học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục nuôi ước mơ đến trường.

Đi lên từ “ba không” 

Hai năm sau khi huyện Phú Hòa được thành lập, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ý thức được tầm quan trọng của việc học, UBND huyện đã quyết định thành lập hội khuyến học nhằm khuyến khích phong trào học tập của con em trong huyện.

Tháng 12/2002, Hội khuyến học huyện Phú Hòa chính thức được thành lập. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, hội đã gặp không ít khó khăn. Hội đi lên từ ba không: không có phong trào, không có quỹ, không tổ chức và hội viên, ban chấp hành huyện hội chủ yếu là kiêm nhiệm, nhận thức của cán bộ và nhân dân về khuyến học lại rất đơn giản, chưa hiểu rõ 3 mục tiêu cơ bản của hội khuyến học. Do vậy ban đầu hoạt động chủ yếu của hội chỉ là khen thưởng học sinh giỏi.

Từ những khó khăn ban đầu, được sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành huyện cùng sự hoạt động năng nổ của các cán bộ hội, các hoạt động khuyến học đã đi dần vào nếp và đạt kết quả bước đầu. Hội đã tiến hành mở các lớp huấn luyện cho145 cán bộ hội cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích của hội đến các cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân.

Sau gần 10 năm hoạt động của hội khuyến học, đến nay hầu hết người dân ở huyện Phú Hòa đều xác định rõ hơn nhiệm vụ của cá nhân và cộng đồng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng nhu cầu của địa phương cũng như cả nước.

Sổ vàng khuyến học 

Khó khăn nhất để duy trì sự hoạt động của hội là nguồn quỹ. Trăn trở với điều đó, ban chấp hành hội đã bằng nhiều hình thức vận động, đa dạng về xây dựng quỹ, khuyến khích người dân, các đoàn thể, doanh nghiệp cùng quyên góp. Hội thực hiện theo hình thức xã hội hóa khuyến học, từ của dân khuyến khích lại cho dân. Do đó số tiền quỹ của hội không ngừng tăng nhanh, đến năm 2010 đã đạt 600 triệu đồng.

Hội đã lập Sổ vàng khuyến học để ghi tên những người người đóng góp tiền, hiện vật. Quyển sổ dày cả trăm trang, sau 8 năm ghi chép đã kín gần nửa, chứng tỏ sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người dân, đoàn thể, doanh nghiệp đối với sự học của con em huyện nhà.

Chủ tich Hội Khuyến học huyện Phú Hòa, ông Lê Hữu Phước, tâm sự: “Cuốn sổ này lưu tên tất cả những ai từng quyên góp cho hội, từ những tiểu thương, nông dân đóng góp vài chục cuốn vở, mấy chục ngàn đồng đến những doanh nghiệp lớn đóng góp cả chục triệu, tất cả đều được ghi lại như một sự tri ơn với những người có tâm huyết với sự nghiệp trồng người”.

Phú Yên: Một xã thuần nông làm tốt công tác khuyến học - 1
Ông Lê Hữu Phước, chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Hoà (Phú Yên) và cuốn Sổ vàng khuyến học.

Số Quỹ phát triển chính là điều kiện để hội tổ chức tốt các nhiệm vụ cơ bản. Từ khi thành lập đến nay, hội đã giúp cho 325 học sinh con nhà nghèo có nguy cơ bỏ học tiếp tục nuôi ước mơ đến trường. Ở các hội khuyến học cơ sở, trong 5 năm quá đã chi khen thưởng 2.300 lượt học sinh, sinh viên, hỗ trợ 500 lượt học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Ngoài ra quỹ khuyến học của các trường trên địa bàn huyện còn chi hỗ trợ cho giáo viên khó khăn, tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Tổ chức Hội phủ kín 100% địa bàn

Đến Đại hội lần II, 100% địa bàn huyện Phú Hòa đều có tổ chức hội, gồm 14 hội khuyến học cơ sở, 72 chi hội, 27 ban khuyến học dòng họ, 2 xóm khuyến học, 9 trung tâm học tập cộng đồng, 10.951 hội viên và 518 gia đình hiếu học.

Đặc biệt huyện đã có ba gia đình tham dự Đại hội Gia đình hiếu học toàn quốc, là gia đình ông Đoàn Minh Tự, bà Lưu Thị Kim Ngọc và bà Bùi Thị Tỵ. Đây là những gia đình thuần nông, đời sống khó khăn nhưng con cái đều học hành thành đạt.

Ông Phạm Minh Tự (thôn Phong Hậu, Hoà Hội, Phú Hòa), một trong những cá nhân làm khuyến học xuất sắc của huyện Phú Hòa, người từng bán nửa căn nhà nuôi ba đứa con học đại học, tâm sự: “Những người nông dân nghèo như chúng tôi không có gì để cho con cái hết, chỉ cố gắng nuôi cho con cái ăn học thành tài, lấy cái chữ làm vốn để thoát nghèo mà thôi”.

Bên cạnh phong trào gia đình hiếu học, Phú Hòa còn là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Yên có dòng họ khuyến học. Với truyền thống hiếu học đã ăn sâu trong suy nghĩ người dân, ngay từ khi chưa thành lập hội khuyến học, huyện đã có 2 dòng họ khuyến học tự phát là họ Đào (xã Hòa Thắng) và họ Đoàn (xã Hòa An). Nhận thức được tác dụng khuyến học của mô hình Dòng học khuyến học, hội đã vận động nâng tầm thành mô hình khuyến học tự giác.

Đến năm 2010, huyện Phú Hòa đã có 27 dòng họ khuyến học, các dòng họ đều hoạt động đạt hiệu quả cao. Sau khi kết thúc mỗi năm học, mỗi dòng họ khuyến học đều tổ chức lễ phát thưởng cho con cháu của tộc họ, nhiều dòng họ còn tổ chức như một ngày hội. Số tiền phát thưởng đều do bà con quyên góp từ những khoản thu nhập ít ỏi nhằm khuyến khích cho con cháu học tập tốt hơn.

Ông Lê Hữu Phước cho biết: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, nhưng trong thời gian tới Hội khuyến học huyện Phú Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội cơ sở, tạo thực lực để thực hiện phong trào xã hội hóa khuyến học, khuyến tài trong toàn huyện”.

Khánh Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm